Nội dung phản cảm trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Tranh minh họa: L.DUY
Bất chấp quy định để có nhiều lượt xem
Gần đây, MXH TikTok xôn xao với một video được đăng tải bởi tài khoản có tên “Tuấn không cận (giải cứu)”. Trong video, người này thực hiện các cuộc phỏng vấn nơi công cộng với nội dung gây tranh cãi.
Sau khi đoạn video được lan truyền, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt Phạm Đức Tuấn (với biệt danh Nờ Ô Nô, chủ tài khoản “Tuấn không cận (giải cứu)”) số tiền 30 triệu đồng vì hành vi xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc.
Mặc dù tài khoản “Tuấn không cận (giải cứu)” đã bị cấm nhưng một số tài khoản khác như “Tui tên là Lâm,” vẫn tiếp tục đăng lại video này.
Hành động của Nờ Ô Nô đã khiến nhiều người dùng MXH bức xúc. Tài khoản TikTok “Ken Na” bày tỏ: “Phạt hành chính có 30 triệu đồng, rẻ quá!”. Trong khi đó, tài khoản TikTok “Gia Đình Mun 21” bình luận: “Cạn lời với bé này và ông phỏng vấn luôn. Thế mà cũng nói ra được, không sợ cả nước người ta chửi hay sao trời?”.
Một số ý kiến khác còn cho rằng, mức phạt hành chính là chưa đủ sức răn đe và đề xuất cần truy cứu trách nhiệm hình sự để xử lý nghiêm minh.
Những ý kiến nêu trên phản ánh sự quan tâm của cộng đồng mạng đối với việc kiểm soát và xử lý các nội dung độc hại trên MXH. Trước đây, Nờ Ô Nô cũng từng khiến dư luận dậy sóng với những video phản cảm trên kênh TikTok của mình. Một trong số đó là đoạn video có lời lẽ thiếu tôn trọng người già và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Cụ thể, đoạn clip này đã được tài khoản TikTok “YOU MI SHOP” đăng lại, ghi lại cảnh Nờ Ô Nô tiếp cận những người già neo đơn với lời mở đầu gây phẫn nộ như: “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn” hay “Bớt nghèo đi bà già”. Mặc dù trong video, Nờ Ô Nô thể hiện hành động thiện nguyện như tặng đồ ăn, nhưng cách thể hiện kèm lời nói xúc phạm đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, phản ứng. Tài khoản TikTok “Tâm Bình Dương” viết: “Hảo tâm một tô phở, nhưng hành động khác xa lời nói. Bạn thật có tâm đấy!”. Tài khoản TikTok “Ánh Mai” chia sẻ: “Tội nghiệp bà cụ, nhìn hoàn cảnh bà mà xúc động. Lời nói của bạn quá vô cảm”.
Theo luật sư Trương Hồng Kỳ (Đoàn Luật sư Đồng Nai), mỗi cá nhân cần có trách nhiệm khi sử dụng MXH, không lợi dụng nền tảng này để đăng tải nội dung sai trái hoặc kích động dư luận. Việc chia sẻ thông tin phản cảm không chỉ vi phạm thuần phong mỹ tục, mà còn có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng. MXH là công cụ hữu ích nhưng người dùng cần cân nhắc kỹ trước khi đăng tải, đảm bảo thông tin lan truyền không gây hiểu lầm hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng và xã hội.
Chế tài xử phạt và quy định pháp luật
Về hành vi đăng những đoạn video có lời lẽ thiếu tôn trọng người già và những người có hoàn cảnh khó khăn của chủ kênh TikTok Nờ Ô Nô, ngày 29-11-2022, Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông thành phố Hồ Chí Minh đã lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính đối với Phạm Đức Tuấn, chủ kênh TikTok Nờ Ô Nô. Nguyên nhân do TikToker này đăng tải và chia sẻ nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Mức phạt được áp dụng là 7,5 triệu đồng. Đồng thời, Phạm Đức Tuấn đã cam kết sẽ không tái phạm.
Sau khi bị xử phạt, TikToker này đã liên tục đăng tải các video xin lỗi trên kênh TikTok của mình là “Tuấn không cận (giải cứu)”. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến từ cộng đồng mạng cho rằng, đây là hậu quả của việc muốn đánh bóng tên tuổi, “câu like” và “câu view” bất chấp. Nhiều người kêu gọi tẩy chay các nội dung tương tự để ngăn chặn những hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực trên MXH.
Theo luật sư Trương Hồng Kỳ, Đoàn Luật sư Đồng Nai, việc cố ý sử dụng hình ảnh, thông tin của lãnh tụ, danh nhân hay anh hùng dân tộc để so sánh, “câu view” trên MXH là hành vi không thể chấp nhận. Điều này không chỉ đi ngược lại các giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mà còn vi phạm quy tắc ứng xử trên không gian mạng, thậm chí có dấu hiệu xúc phạm nghiêm trọng đến các lãnh tụ và anh hùng dân tộc.
Cụ thể, hành vi cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia; xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm B, Khoản 7, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ có mức tiền phạt từ 50 -70 triệu đồng. Đây là mức phạt đối với tổ chức, còn với cá nhân có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt tiền 25-35 triệu đồng (căn cứ tại khoản 3, Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
“Hành vi nêu trên cũng có thể phạm tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nếu hành vi xúc phạm danh nhân, lãnh tụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, với khung hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm” - luật sư Trương Hồng Kỳ cho biết thêm.
Lê Duy