'Đánh chắc, tiến chắc' - Quyết định lịch sử mang dấu ấn của nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

'Đánh chắc, tiến chắc' - Quyết định lịch sử mang dấu ấn của nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
một ngày trướcBài gốc
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định, đây là một quyết định khó khăn nhất trong suốt cuộc đời cầm quân. Một quyết định khó khăn nhưng hoàn toàn chính xác, ở vào thời khắc trọng yếu đã tạo nên một chiến thắng vĩ đại. Quyết định đó chứng tỏ tài năng, bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; đồng thời, minh chứng cho giá trị trường tồn của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Khẩu pháo mặt đất 105mm, số hiệu 14683 do Mỹ viện trợ cho Pháp. Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 thu được trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Đại đội 806, Trung đoàn 45 đã sử dụng bắn vào cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13/3/1954, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự. Ảnh: Bích Nguyên
Trong lịch sử đấu tranh giữ nước nói chung của dân tộc ta, hầu hết các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm đều diễn ra trong hoàn cảnh so sánh lực lượng rất chênh lệch. Kẻ xâm lược luôn là những nước lớn, hung bạo bậc nhất thế giới. Ở thế kỷ XIII, giặc Mông - Nguyên 3 lần sang xâm lược Đại Việt. Trước khi đánh vào nước ta, vó ngựa quân Mông Cổ đã giày xéo từ Á sang Âu, tạo nên một đế quốc rộng lớn từ Bắc Á đến Đông Âu. Để tránh sức mạnh lúc khởi đầu của đối phương, vua tôi nhà Trần đã thực hiện kế sách “thanh dã” (vườn không, nhà trống), nhằm bảo toàn lực lượng. Sau đó, khi thời cơ đến, ta tổ chức phản công chiến lược, buộc địch rút chạy. Phương thức này xuất phát từ quan điểm của Trần Hưng Đạo: “Địch đánh có lợi, ta đánh không có lợi, thì ta cầm... Cầm cho nó đã mệt, bấy giờ ta nổi dậy mà đánh, thì sức vẹn mà công nhiều” [1]. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dân tộc ta phải chiến đấu chống lại một đội quân nhà nghề, hơn hẳn ta về trình độ phát triển kinh tế, kỹ thuật, trang bị và vũ khí nên thường xuyên phải tránh chỗ mạnh của địch, phát huy sở trường của ta giành thắng lợi từng bước.
Tới giữa tháng 11/1953, phát hiện quân chủ lực của ta tiến lên Tây Bắc, ngày 20/11/1953, quân Pháp mở cuộc hành quân Castor, đổ 6 tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ đánh chiếm Điện Biên Phủ. Đến trước khi ta nổ súng tiến công (13/3/1954), địch đã xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm. Mỗi cứ điểm đều có hệ thống công sự, hàng rào vật cản, hỏa lực có thể độc lập chiến đấu, đồng thời những cứ điểm gần nhau được tổ chức lại thành cụm cứ điểm (trung tâm đề kháng). Với lực lượng đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh và tận dụng được lợi thế của địa hình, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là hệ thống phòng ngự mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ.
Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong tờ trình, Tổng Quân ủy dự kiến chiến dịch diễn ra trong khoảng 45 ngày. Tuy nhiên, đoàn đi tiền trạm của Bộ Chỉ huy chiến dịch, có sự góp ý của cố vấn quân sự Trung Quốc xác định phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh”, dự kiến trong 2 ngày 3 đêm sẽ kết thúc trận đánh [2]. Theo đó, chúng ta tập trung toàn bộ binh lực, hỏa lực từ nhiều hướng thọc sâu vào khu trung tâm phòng ngự làm phân tán sự đối phó của địch, kết hợp từ trong đánh ra, ngoài đánh vào tiêu diệt tập đoàn cứ điểm. Chiến thuật này được phía bạn gọi là “Oa tâm tạng” (chiến thuật thọc vào tim). Bộ đội tiến hành một trận công kiên vào tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc chưa từng có.
Trong khi đó, bộ đội chủ lực của ta đến thời điểm đó chỉ tiêu diệt cao nhất là tiểu đoàn địch tăng cường, có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ. Ở Nà Sản, chúng ta mới đánh vào vị trí tiểu đoàn, dưới tiểu đoàn, công sự dã chiến nằm trong tập đoàn cứ điểm, vẫn có những trận không thành công, bộ đội thương vong nhiều. Bộ đội ta mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở địa hình dễ ẩn náu. Bộ đội chủ lực chưa có kinh nghiệm công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng, với một kẻ địch có ưu thế về hỏa lực. Thêm nữa, trận này tuy không có máy bay, xe tăng, song là lần đầu tiên ta đánh hiệp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh với quy mô lớn, chưa qua diễn tập.
Với trọng trách được giao, ngày 26/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập cuộc họp Đảng ủy Mặt trận. Quá trình thảo luận, có nhiều ý kiến đưa ra, song cuối cùng, mọi người đều nhất trí là trận đánh sẽ gặp nhiều khó khăn mà ta chưa lường hết được và không đảm bảo chắc chắn hoàn thành nhiệm vụ như chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kết luận: Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” [3], vận dụng nghệ thuật quân sự “dĩ đoản chế trường”, tránh chỗ mạnh của địch, nhằm phát huy sở trường của quân ta.
Cờ "Quyết chiến, quyết thắng" do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự. Ảnh: Bích Nguyên
Trong 56 ngày đêm, quân và dân ta xây dựng trận địa chiến hào, tiến hành chiến thuật “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” quân địch. Chiến thuật này đã gây bất ngờ cho người Pháp, bởi từ trước đến nay chưa có một nước nào trên thế giới sử dụng. Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội ta cũng chưa có chiến thuật này mà hình thành trong quá trình thực tế, đó là sự sáng tạo của quân ta, sáng tạo từ người chỉ huy - Tổng tư lệnh đến thực hiện nhiệm vụ của từng chiến sĩ, từng đơn vị. Với chiến thuật này, bộ đội ta vây chặt xung quanh địch và từng điểm tựa, từng cung điểm tựa, từng khu vực đến vây chặt các cứ điểm của địch, không cho địch thoát ra ngoài. Vòng vây đó được thực hiện bằng việc chiến sĩ trong các đơn vị chiến đấu của ta đào đường hào hàng trăm ki lô mét khóa chặt địch và hàng ngày siết chặt, dồn chúng lại để chúng ta đánh chắc, tiến chắc từng khu vực, từng điểm cao [4]. Quân Pháp ở Điện Biên Phủ từ thế chủ động dần bị đưa vào thế bị động. Cuối cùng, khi bị dồn vào thế khốn quẫn, buộc phải chấp nhận đầu hàng.
Năm 1964, vào dịp kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Đại đoàn Công pháo 351 chia sẻ: “Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là được lời như cởi tấm lòng!”. Đồng chí Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 cho rằng: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”. Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 Quân Tiên phong Vương Thừa Vũ nhấn mạnh: “Nếu lần đó cứ đánh nhanh giải quyết nhanh thì cuộc kháng chiến có thể lui lại mười năm!” [5].
Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, dân tộc ta có thêm một cột mốc lịch sử mới: Điện Biên Phủ. Những thành tựu mà quân và dân ta thu được trong kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng đã đưa học thuyết quân sự Việt Nam lên một trình độ mới, một chất lượng và sức mạnh mới, trở thành học thuyết quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh [6]. Thời gian đã lùi xa, song tiếng sấm Điện Biên Phủ vẫn còn rền vang. Cùng với đó, quyết định thay đổi phương châm tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trở thành một dấu ấn không phai mờ trong lịch sử cách mạng Việt Nam; đồng thời, góp phần khẳng định giá trị trường tồn của nghệ thuật quân sự mà cha ông ta để lại đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Ngày 7/5/1954, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu của quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã đầu hàng, đặt dấu chấm hết cho cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Sau đó, thực dân Pháp đã phải ký kết Hiệp định Genève (21/7/1954), đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và trên toàn cõi Đông Dương. Để đi tới thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Việt Nam đã trải qua cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ.
Nguyên Vũ
------------------------------------------
[1] Trần Hưng Đạo, Binh thư yếu lược, Nhà xuất bản Công an nhân dân, H, 2001, tr.215-216.
[2] Dẫn theo: Nguyễn Mạnh Hà-Vũ Hồng Dung, Thực hiện phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” bằng trận địa chiến hào tiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tạp chí Lịch sử quân sự, 11/2023, tr.48.
[3] Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Hữu Mai thể hiện, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, H, tr.111.
[4] Dẫn theo: Trần Thường, Chiến thuật “Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”-Chiến thuật gây bất ngờ ở Điện Biên Phủ. Nguồn: https://vietnamnet.vn/vay-lan-tan-pha-triet-diet-chien-thuat-gay-bat-ngo-o-dien-bien-phu-2274693.html, đăng tải: 3/5/2024, truy cập: 5/5/2025.
[5] Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sách đã dẫn, tr.113.
[6] Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sách đã dẫn, tr.461.
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/%E2%80%8B%E2%80%8Bquotdanh-chac-tien-chac-quyet-dinh-lich-su-mang-dau-an-cua-nghe-thuat-quan-su-viet-nam-thoi-dai-ho-chi-minh-post489697.html