Dành điều kiện tốt nhất vì sự nghiệp giáo dục vùng khó

Dành điều kiện tốt nhất vì sự nghiệp giáo dục vùng khó
17 giờ trướcBài gốc
Giai đoạn 2014 - 2019 được ví như một cuộc cách mạng kiên cố hóa trường, lớp học ở huyện Điện Biên Đông. Thời điểm đó, rào cản khiến việc kiên cố hóa trường lớp trên địa bàn huyện không chỉ là kinh phí mà vấn đề quỹ đất xây dựng trường, lớp. Trước khó khăn đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các xã, đội ngũ cán bộ, giáo viên huy động sự ủng hộ của nhân dân, kêu gọi mọi nguồn lực xã hội hóa để xóa bỏ nhà lớp học, nhà ở bán trú còn tranh tre nứa lá tạm bợ cho học sinh. Chỉ trong thời gian ngắn, những ngôi trường xập xệ đã được thay thế bằng các căn phòng khang trang, rộng rãi, sạch đẹp. Riêng 2 năm học (2017 - 2018 và 2018 - 2019), nhân dân đã hiến hơn 43.000m2 đất cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Qua đó góp phần tu sửa, nâng cấp và làm mới 105 phòng học, 186 nhà công vụ, 85 bếp ăn bán trú trong 6 năm học (từ năm 2014 - 2019). Nhờ đó, đến nay toàn huyện có gần 40 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia, đạt trên 70%.
Làm tốt công tác xã hội hóa, chất lượng giáo dục ở huyện Điện Biên Đông ngày được nâng lên. Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Luân làm báo tường tri ân thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (thời điểm đó là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông) chia sẻ: Nâng cao chất lượng giáo dục thì phải cải thiện cơ sở vật chất, trường lớp học, nhà công vụ, bếp ăn cho học sinh bán trú. Vậy nên, lúc đó, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo huyện huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhờ đó, chỉ vài năm sau, mạng lưới trường lớp học kiên cố trên địa bàn cơ bản được đảm bảo.
Cũng như huyện Điện Biên Đông, nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự đồng thuận từ phía nhân dân, cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới trường lớp học trên địa bàn các địa phương như Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Nhé… cũng được bổ sung, nâng cấp, kiên cố hóa trường…
Đơn cử như Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Lèng (huyện Mường Chà), cuối năm 2022, nhà trường đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh tài trợ hơn 2 tỷ đồng để xây dựng điểm trường Nậm Chua, gồm 2 phòng học với tổng diện tích hơn 80m2. Sau hơn 4 tháng thi công, công trình đã hoàn thành vào đầu tháng 3/2023. Điểm trường khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh nơi đây mà về lâu dài sẽ góp phần nâng cao chất lượng lượng giáo dục vùng khó.
Đơn vị tài trợ và lãnh đạo huyện Mường Chà thực hiện nghi thức khánh thành điểm trường Nậm Chua, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Huổi Lèng.
Trong điều kiện hạn hẹp kinh phí, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã linh hoạt huy động nguồn lực đầu tư xây dựng công trình giáo dục, vận động nhân dân hiến đất xây trường, chung tay sửa sang, cải tạo, làm đồ dùng, dụng cụ học tập cho học sinh vùng cao... Trong 5 năm qua, người dân hiến 27.609m2 đất để 14 trường học mở rộng diện tích và xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục; huy động các nguồn lực xã hội hóa với tổng kinh phí 75,6 tỉ đồng để xây dựng công trình giáo dục tại 132 trường/điểm trường. Trong đó, xây dựng 258 phòng học; 118 phòng ở bán trú; 101 phòng công vụ; 29 nhà bếp, nhà ăn; 105 phòng vệ sinh…
Quỹ Trò nghèo vùng cao tặng công trình giếng khoan cho cô trò Trường Mầm non xã Thanh Xương (huyện Điện Biên).
Ngoài ra, các đơn vị còn huy động phụ huynh học sinh hỗ trợ hàng nghìn ngày công sửa cơ sở vật chất, chỉnh trang, kiên cố hóa trường lớp, góp phần quan trọng cải thiện môi trường học tập, mang đến những ngôi trường ngày càng khang trang, giúp cho điều kiện dạy và học ở vùng cao được cải thiện đáng kể. Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh chiếm 78,1%; trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục chiếm 76,3%. Năm học 2023 - 2024, lần đầu tiên tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông toàn tỉnh cao nhất trong 10 năm qua, đạt 99,51%, tăng 0,27% so với năm 2022. Trong số 36 đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh có thí sinh đăng ký dự thi, 21 đơn vị trường tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%.
Đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên giáo dục tỉnh ta vẫn còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy chưa đồng bộ, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Khắc phục thực trạng này, hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và xác định nhu cầu đề xuất xây dựng phương án mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu theo yêu cầu xây dựng trường chuẩn quốc gia; tham mưu chính quyền các cấp lồng ghép nguồn vốn đầu tư, vận động, quyên góp xã hội hóa để bổ sung cơ sở vật chất cho các đơn vị trường học trong kế hoạch đề nghị công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Tiết học của cô trò Trường Trung học cơ sở Ẳng Cang (huyện Mường Ảng).
Cùng với đó, ngành rà soát, đánh giá thực trạng điểm trường lẻ, các trường có quy mô nhỏ; xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp để triển khai sắp xếp các trường và bố trí số lượng học sinh trong một lớp theo quy định, bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, quyền lợi học tập của học sinh, phù hợp quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đưa chất lượng giáo dục Điện Biên phát triển toàn diện.
Giai đoạn 2013 - 2023, tỉnh Điện Biên đã huy động các nguồn lực xã hội hóa xây dựng 826 phòng học, 192 phòng công vụ cho giáo viên. Tổng kinh phí đã thực hiện là 585,8 tỷ đồng. Trong đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tài trợ 422 phòng học, 69 phòng công vụ cho giáo viên với kinh phí 513,7 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân, CLB, hội/nhóm đã tài trợ 404 phòng học, 123 phòng công vụ cho giáo viên với kinh phí 72,1 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Quang Long
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/giao-duc/danh-dieu-kien-tot-nhat-vi-su-nghiep-giao-duc-vung-kho