Ngày 26/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo đầu bờ thông tin về kết quả khai quật khẩn cấp di tích thuyền cổ khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh; các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tham quan hiện trường, thảo luận đóng góp ý kiến vào hai vấn đề: Nhận định và đánh giá bước đầu về di tích; đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị về di tích thuyền cổ.
TS. Phạm Văn Triệu giới thiệu đến các chuyên gia, nhà khoa học về công tác khai quật 2 chiếc thuyền cổ.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ nhận định, đây có thể là hai thuyền chở hàng hóa trên dòng sông Dâu, được đấu nối cố định với cấu trúc lạ, kết cấu kiên cố chịu lực, chịu nước tốt. Về niên đại của 2 chiếc thuyền cổ, các nhà chuyên gia, nhà khoa học cho hay hiện tại chưa thể kết luận vì còn chờ kết quả lấy mẫu phân tích Carbon-14 và các nghiên cứu liên quan khác.
TS. Phạm Văn Triệu, Phó trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học) cho biết, bước đầu theo quan điểm của ông, đây có thể là thuyền song thân, 2 đáy với kỹ thuật ghép mộng khá cao.
“Đây là một phát hiện rất có giá trị bởi tính độc đáo của hiện vật. Theo đo đạc, chiếc thuyền vừa được khai quật dài khoảng 16m, chiều ngang hiện còn từ 1,95 - 2m. Thuyền chia thành 6 khoang, có kết cấu liên kết kiên cố giữa hai con thuyền", TS. Phạm Văn Triệu thông tin.
Hiện, ông Triệu cũng như đoàn khảo cổ đang chờ kết quả phân tích từ Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, ước tính cần hơn 20 ngày.
Các thuyền cổ được phát hiện vẫn giữ được hình dáng khá nguyên vẹn.
PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học cho rằng, đây là con thuyền từ trước đến nay chưa từng thấy ở Việt Nam trên nhiều phương diện, từ vật liệu, kỹ thuật, cách đóng tàu cho đến cấu trúc…
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí - Phòng Khảo cổ học dưới nước (Viện Khảo cổ học), đây là phát hiện mang ý nghĩa quan trọng về kết nối sông Dâu với biển và kinh thành Thăng Long trong hệ thống dòng chảy sông cổ có từ ngày xưa.
“Các chuyên gia quốc tế đưa ra niên đại không thể sớm hơn niên đại thế kỷ 10 và không muộn hơn thế kỷ 15. Như vậy, với đinh bằng gỗ, kết nối ván bằng móc và thanh gỗ bằng nhau…, theo tôi, niên đại của thuyền từ khung từ thế kỷ XI - XIV, tôi nghiêng về thời nhà Lý và là thuyền của Việt Nam”, PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết.
Theo các chuyên gia khảo cổ, vị trí xuất lộ thuyền cổ nằm trên dòng sông Dâu - là một nhánh của sông Thiên Đức (sông Đuống) chảy sát bờ phía Tây của thành Luy Lâu.
Liên quan đến vấn đề bảo tồn, PGS.TS Bùi Minh Trí cho rằng, bảo tồn gỗ là vấn đề khó. Là nhà khoa học được đào tạo chuyên ngành bảo tồn ở Nhật Bản, ông nhận định bảo tồn gỗ khó nhất thế giới.
“Ở Nhật Bản là gỗ thông, của chúng ta nhiều loại gỗ khác nhau, như con thuyền ở Hoàng thành Thăng Long chỉ để tại chỗ ngâm nước chứ không đưa ra trưng bày được”, PGS.TS Bùi Minh Trí thông tin.
PGS.TS Bùi Minh Trí đề xuất hai phương án bảo tồn:
Thứ nhất, lấp lại khu vực khảo cổ, đóng lại di tích để bảo tồn nguyên trạng dưới lòng đất, khoanh lại khu vực này và đưa hình ảnh 3D tái hiện về di tích để phục vụ du khách, người dân.
Thứ hai, bảo tồn tại chỗ không lấp, xây dựng thành bể và có nước để bảo tồn, du khách có thể đến xem trực tiếp. Giải pháp này sẽ tốn kinh phí nhưng mang lại hiệu quả bền vững và lâu dài.
Toàn bộ những gì phát hiện được đều mang về cho các chuyên gia nghiên cứu.
Thuyền chia thành 6 khoang, có kết cấu liên kết kiên cố giữa hai con thuyền.
Các hiện vật tìm thấy trong khoang thuyền.
Công tác khai quật khẩn cấp di tích hai thuyền cổ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện từ ngày 3/3 - 3/4/2025 với diện tích khai quật là 300 m2.
Về giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đa số các chuyên gia, nhà khoa học đều đưa ra phương án bảo tồn tại chỗ thay bằng di dời. Đồng thời, đề xuất tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục mở thêm các hố khai quật và nghiên cứu thêm những phương án để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích sau khi khai quật xong.