Đánh giá cán bộ, siết chặt kỷ cương hành chính

Đánh giá cán bộ, siết chặt kỷ cương hành chính
7 giờ trướcBài gốc
Giai đoạn 2020-2025, công tác cải cách hành chính đã được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Bình Định quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt; đã hoàn thành 36/38 nhiệm vụ đề ra, 10/16 chỉ tiêu đạt/vượt so với kế hoạch đề ra. Kết quả này đã tạo sự chuyển biến đồng bộ trên các lĩnh vực; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các Chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS, PCI của tỉnh liên tục được cải thiện về mặt điểm số và đã có sự cải thiện đáng kể về vị trí xếp hạng so với giai đoạn 2015-2020. Cụ thể, chỉ số PAPI từ vị trí 63 (thấp nhất trong giai đoạn trước) vươn lên vị trí 19 (cao nhất trong giai đoạn 2020-2025); Chỉ số PAR INDEX từ vị trí 59 vươn lên vị trí 25; Chỉ số SIPAS từ vị trí 61 vươn lên vị trí 20; Chỉ số PCI từ vị trí 20 vươn lên vị trí 11.
Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Bình Định.
Đáng chú ý, kết quả “Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp” có điểm số luôn thuộc nhóm “Xuất sắc” và thuộc nhóm dẫn đầu cả nước trong 2 năm liền. Năm 2023 tỉnh Bình Định đạt 90,35 điểm, xếp vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố, là địa phương duy nhất thuộc nhóm “Xuất sắc”; năm 2024 Bình Định đạt 91,38 điểm, xếp vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố, cùng với Cà Mau là 2 địa phương thuộc nhóm “Xuất sắc” vì có điểm số trên 90.
Ông Võ Gia Nghĩa - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết: Thủ tục hành chính là cầu nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp (DN). Việc cải cách, đổi mới hoạt động giải quyết thủ tục hành chính “nhanh, đúng, minh bạch, không phân biệt địa giới hành chính” để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo lập môi trường hành chính thân thiện, hiện đại, chuyên nghiệp với mục tiêu “lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ” là nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Để triển khai thực hiện được mục tiêu đề ra, đổi mới hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, ông Nghĩa cho rằng các cấp, các ngành cần quán triệt, triển khai kịp thời, đầy đủ, chất lượng các nội dung định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn. Triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả cho người dân, DN không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
“Người dân, DN có thể thực hiện thủ tục hành chính tại bất kỳ nơi nào thuận tiện, không phụ thuộc nơi cư trú hay trụ sở cơ quan quản lý, hướng đến mô hình giải quyết thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi. Do đó, tập trung rà soát, đề xuất công bố thủ tục hành chính thực hiện phi địa giới; tái cấu trúc quy trình nội bộ, thiết lập quy trình điện tử theo hướng phi địa giới để theo dõi, giám sát gắn với việc tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, người làm việc tại các điểm tiếp nhận hồ sơ về kỹ năng tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên Hệ thống phần mềm một cửa điện tử theo hướng phi địa giới” - ông Nghĩa chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, bên cạnh các kết quả đạt được, thời gian qua, một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quyết tâm, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Vị trí xếp hạng các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh vẫn chưa được duy trì ổn định qua các năm. Hoạt động thực thi công vụ ở cấp xã vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và đảm bảo một phần chi thường xuyên đạt thấp…
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu tập trung vào vai trò của người đứng đầu. Người đứng đầu phải nắm chắc 7 vấn đề cải cách hành chính, nắm chắc các chỉ số để biết, điều hành; phải dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám thay đổi vì lợi ích chung. Tinh thần lấy người dân và DN làm trung tâm, đối tượng phục vụ. Các cấp, các ngành cần tập trung rà soát các “rào cản” về thể chế; bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy định về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của địa phương. Tập trung chỉ đạo, khẩn trương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, đảm bảo các cơ quan, tổ chức sau khi sắp xếp, tổ chức lại hoạt động ổn định, thông suốt.
Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc, nâng cao trách nhiệm, đạo đức trong thực thi công vụ. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường ứng dụng công nghệ, dữ liệu lớn và AI để nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. “Cải cách chế độ công vụ chính là công chức của chúng ta, tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình. Đặc biệt có sự khác biệt sắp tới là giao KPI. Chúng tôi đã xong bộ chỉ số kinh tế - xã hội cho xã, cứ theo chỉ số đó đánh giá. Ai hoàn thành theo bộ chỉ số thì tồn tại, nếu không phải luân chuyển hoặc phải thay” - ông Phạm Anh Tuấn nói.
Thùy Trang - Diễm Phúc
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/danh-gia-can-bo-siet-chat-ky-cuong-hanh-chinh-10305923.html