Đánh giá kết quả mô hình phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô

Đánh giá kết quả mô hình phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô
8 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu tham quan mô hình trình diễn áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu hại ngô tại cánh đồng của HTX Khương Bình, xã Yên Phong, huyện Yên Mô.
Tham dự có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Yên Mô; đông đảo nông dân xã Yên Phong.
Sâu keo mùa thu là loài dịch hại ngoại lai xâm lấn đối với Việt Nam. Vụ xuân năm 2019, sâu keo xuất hiện và gây hại nặng ở các vùng trồng ngô trên địa bàn tỉnh. Đây là loại sâu có sức phá hoại lớn, sinh sản nhiều, thời gian trưởng thành đẻ trứng kéo dài. Các trà ngô thường gối nhau nên sẵn nguồn thức ăn cho sâu, gây khó khăn cho việc phòng chống.
Hiện nay, phần lớn nông dân trên địa bàn tỉnh mới áp dụng biện pháp phun thuốc hóa học, không xác định đúng thời điểm phun trừ nên hiệu quả phòng chống thấp, làm tăng chi phí sản xuất, làm sâu kháng thuốc và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Trước thực trạng trên, năm 2024, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô phù hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”.
Trong vụ Xuân và vụ Đông năm 2024, Ban Chủ nhiệm đề tài đã thực hiện mô hình thử nghiệm các biện pháp phòng, chống sâu keo mùa thu tại huyện Yên Mô, Gia Viễn. Đến vụ Xuân năm 2025, tiến hành xây dựng mô hình trình diễn áp dụng các biện pháp gồm đặt bẫy Pheromone kết hợp sử dụng thuốc BVTV hóa học để phun trừ sâu keo trên diện tích 3 ha ngô ngọt tại HTX Khương Bình, xã Yên Phong, huyện Yên Mô.
Kết quả mô hình trình diễn cho thấy, về hiệu quả kinh tế, lãi sau đầu tư ở ruộng trình diễn cao hơn ruộng đối chứng theo tập quán của nông dân là 237.500 đồng/sào. Về hiệu quả môi trường, ruộng trình diễn áp dụng biện pháp đặt bẫy Pheromon thu hút và diệt trưởng thành sâu keo mùa thu, bắt được trưởng thành đực và hạn chế trưởng thành cái đẻ trứng, giảm được 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với ruộng làm theo tập quán nông dân, giúp bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Kết quả mô hình trình diễn có ý nghĩa quan trọng góp phần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô phù hợp với điều kiện sinh thái trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Từ đó hạn chế các loài sâu bệnh hại, nâng cao năng suất cho người dân và bảo vệ môi trường sinh thái, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Tin, ảnh: Minh Hải
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/danh-gia-ket-qua-mo-hinh-phong-chong-sau-keo-mua-thu-hai-169668.htm