Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn báo cáo tại phiên họp
Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 17-4, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, nghị quyết đưa ra 3 nhóm chính sách.
Chính sách 1, ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở GDMN để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo chương trình GDMN. Dự thảo bổ sung đối tượng được hỗ trợ là trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đang học tại các cơ sở GDMN thuộc loại hình dân lập, tư thục (đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định; có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hợp pháp là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ chi phí học tập).
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nêu quan điểm thẩm tra
Chính sách 2 dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên với một số chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút đội ngũ, ưu đãi đối với giáo viên mầm non. Đó là trợ cấp thu hút tuyển dụng giáo viên mẫu giáo từ năm học 2025-2026 vào làm việc trong các cơ sở GDMN công lập thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở GDMN (không bao gồm các cơ sở GDMN có liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài).
Sau khi cân đối số biên chế hiện nay còn thiếu và số biên chế cần bổ sung do tăng quy mô để thực hiện phổ cập với số biên chế dự kiến giao thêm giai đoạn 2026-2030 cho các tỉnh, thành phố thì cần đề nghị Bộ Chính trị bổ sung khoảng 21.427 chỉ tiêu biên chế, ông Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
Chính sách 3 là đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp GDMN.
Về nguồn lực thi hành nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nguồn kinh phí thực hiện nghị quyết từ các nguồn ngân sách nhà nước; xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Đại biểu dự họp
Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo nghị quyết; song đề nghị làm rõ đối tượng là “tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp” và chính sách liên quan, bảo đảm phù hợp với việc sắp xếp các tổ chức này trong thời gian tới.
Nguồn lực tài chính là vấn đề được các ủy viên UBTVQH bày tỏ quan tâm. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh phân tích, theo tờ trình của Chính phủ, để triển khai thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, Nhà nước phải bảo đảm nguồn tài chính và nguồn nhân lực rất lớn, đơn cử, về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổng dự toán kinh phí để thực hiện phổ cập GDMN 3 đến 5 tuổi (giai đoạn 2026-2030) là 116.314,1 tỷ đồng. Cần xác định lộ trình theo từng năm học trong giai đoạn 2026-2030, quy định trong nghị quyết để có cơ sở lập kế hoạch chuẩn bị các điều kiện bảo đảm như xây dựng trường, lớp; kinh phí thực hiện xây dựng trường, lớp theo đề án hàng năm…
“Nếu huy động được các nhà đầu tư đóng góp xây dựng các trường tư thục thì sẽ đáp ứng tốt, vấn đề là có cơ chế, nhất là giá đất áp dụng cho giáo dục”, ông Lê Quang Mạnh nêu quan điểm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung, đánh giá kỹ lưỡng nguồn kinh phí thực hiện nghị quyết; đánh giá khả năng cân đối ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo; khả năng cân đối ngân sách của các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
ANH PHƯƠNG