Đối với Dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, đại biểu khẳng định việc đầu tư là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với tinh thần các nghị quyết lớn của Đảng, nhất là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, dự án này cũng phù hợp với Nghị quyết số 81/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tuyến đường cao tốc này được xác định là một trong những hành lang kinh tế Đông – Tây quan trọng, kết nối Pleiku – Quy Nhơn như một cửa ngõ ra biển của khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
Đại biểu Trần Hồng Nguyễn thảo luận tại tổ chiều 22/5
Đại biểu đánh giá hồ sơ dự án đã cơ bản đáp ứng các quy định của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, trong 9 chính sách đặc thù mà Chính phủ đề xuất để triển khai dự án, đại biểu cho rằng một số nội dung đã được luật hóa trong các dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, do đó cần cân nhắc kỹ để tránh trùng lặp hoặc mâu thuẫn pháp lý.
Cụ thể, chính sách thứ nhất liên quan đến việc phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án thành phần. Chính sách thứ hai đề cập đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Chính sách thứ ba là về chỉ định thầu. Chính sách thứ tư liên quan đến khả năng cân đối vốn cho dự án. Chính sách thứ năm cho phép triển khai đồng thời lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu. Chính sách thứ sáu là công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Chính sách thứ bảy về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ dự án. Chính sách thứ tám quy định việc bố trí bãi đổ thải chất rắn xây dựng và sử dụng đất chuyên trồng lúa nước làm mặt bằng. Chính sách thứ chín liên quan đến việc bố trí kế hoạch vốn cho dự án, chi phí thực hiện các nhiệm vụ của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các khoản chi cho tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Trong số đó, đại biểu lưu ý rằng chính sách thứ nhất, thứ tư và thứ chín đã được quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành, đồng thời đang được sửa đổi, bổ sung tại các dự thảo luật trình Quốc hội trong kỳ họp này. Nếu các dự thảo luật được thông qua, các nội dung này sẽ mặc nhiên được luật hóa, không cần thiết tiếp tục quy định trong nghị quyết, nhằm tránh sự trùng lặp hoặc chồng chéo giữa luật và nghị quyết. Đại biểu đề nghị Chính phủ cập nhật sát tình hình ban hành các văn bản pháp luật mới để bảo đảm nghị quyết triển khai đúng, thống nhất và hiệu quả.
Đối với Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, đại biểu Trần Hồng Nguyên bày tỏ quan tâm đến việc tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án sau rà soát tăng gần 49% so với dự toán ban đầu. Đây là mức tăng rất lớn, đặc biệt biến động mạnh về đơn giá bồi thường tại tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, đồng thời phân tích cụ thể các yếu tố khiến chi phí tăng cao như vậy để bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong sử dụng ngân sách.
Một vấn đề khác được đại biểu lưu ý là việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến triển khai từ ngày 1/7/2025. Việc thay đổi địa giới hành chính có thể ảnh hưởng đến cơ quan chịu trách nhiệm phân bổ và giải ngân vốn theo địa bàn mới, đặc biệt đối với phần vốn ngân sách địa phương phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động của việc sáp nhập hành chính đối với tiến độ triển khai dự án, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, liên tục và không làm gián đoạn quá trình thực hiện.
Cuối cùng, đại biểu chỉ ra rằng trong hồ sơ trình Quốc hội lần này có đề cập đến việc điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất nhưng phần giải trình và đề xuất cụ thể lại chưa rõ ràng. Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung này một cách đầy đủ để đảm bảo hồ sơ dự án hoàn chỉnh, rõ ràng, tạo thuận lợi cho giám sát và tổ chức thực hiện.
T.HÀ