Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Không khoan nhượng với hành vi tham nhũng, tiêu cực
Cho ý kiến về dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận thấy, dự thảo Luật lần này chưa sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tội phạm công nghệ cao - một loại tội phạm đang gia tăng nhanh chóng cả về quy mô lẫn tính chất nguy hiểm cho xã hội.
ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Trong thực tiễn, các hành vi lừa đảo qua không gian mạng, xâm nhập hệ thống dữ liệu, đánh cắp thông tin cá nhân, tấn công mạng nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc gây rối trật tự xã hội đã trở nên phổ biến, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng thời gian qua. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định cụ thể hoặc chưa đủ rõ ràng để xử lý triệt để đối với các nhóm hành vi này.
Do đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung các quy định mang tính cập nhật, phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, đồng thời, bảo đảm khả năng áp dụng linh hoạt, hiệu quả trong thực tiễn.
Liên quan đến chính sách hình sự đối với một số loại tội phạm tham nhũng, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng bày tỏ đồng thuận cao với việc quy định các tội danh tham ô tài sản, nhận hối lộ có khung hình phạt chung thân không xét giảm án kết hợp với điều kiện khắc phục thiệt hại cũng như bảo đảm hiệu quả thu hồi tài sản phạm tội vào ngân sách nhà nước là cách tiếp cận có tính khuyến khích tự giác, tạo điều kiện cho người phạm tội khắc phục hậu quả do mình gây ra.
Song, để tránh vận dụng thiếu thận trọng trong thực tế, đại biểu đề nghị cân nhắc xem xét bổ sung các điều kiện chặt chẽ hơn, như phạm vi áp dụng chỉ trong những trường hợp đặc biệt có sự đánh giá khách quan từ nhiều cơ quan tư pháp, đồng thời không nên mở rộng việc miễn trừ hình phạt tuyệt đối nếu thiệt hại chưa được khắc phục căn bản.
“Cách tiếp cận này vừa giữ vững nguyên tắc thượng tôn pháp luật vừa khẳng định quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi tham nhũng, tiêu cực”, đại biểu nói.
Bảo đảm nghiêm khắc, nhưng nhân đạo
Về bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án là một hình phạt chính, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nêu rõ, hình phạt thù chung thân không xét giảm án là hình phạt nhẹ hơn, dưới mức tử hình và nặng hơn mức chung thân. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng việc bổ sung hình phạt mới này, vì việc áp dụng hình phạt chung thân không xét giảm án chưa hẳn đã nhân văn hơn so với hình phạt tử hình.
ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung phân tích, nếu bị kết án tử hình, quá trình chấp hành án sẽ còn được quyền xin ân xá, đặc xá của Chủ tịch nước và có thể được giảm xuống hình phạt tù chung thân. Trong quá trình chấp hành án chung thân, còn có cơ hội để giảm án tiếp nếu chấp hành tốt.
Còn đối với hình phạt tù chung thân không xét giảm án, nếu không được ân xá, đặc xá của Chủ tịch nước thì xác định ở trong tù suốt đời. Vấn đề này sẽ có một tác động rất lớn đối với điều kiện cơ sở vật chất nơi giam giữ, phải tính đến số lượng phạm nhân chấp hành án này chỉ có tăng mà không có giảm, chưa kể những phạm nhân này bị ốm đau hay mắc bệnh nan y cũng phải áp dụng chạy chữa và được chăm sóc như những tù nhân khác sẽ bị áp lực về nhân lực và tài lực cho tổ chức thi hành án.
Cũng theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, hình phạt này có khả năng sẽ mất đi ý nghĩa. Phạt tù để giáo dục phạm nhân, phạt tù để cải hối, làm cho những phạm nhân cảm thấy ăn năn, hối lỗi và có sự cải tạo tốt, nhưng với những người bị tuyên án tù chung thân không xét giảm án, họ hiểu rằng suốt cuộc đời phải ở trong tù nên có thể sẽ phát sinh việc chống đối, quậy phá, không tham gia lao động, giả ốm đau, hoặc nảy sinh ý nghĩ, hành vi tiêu cực, vì nghĩ rằng có cải hối cũng không thể được trở lại hòa nhập với cộng đồng.
“Hình phạt tù chung thân không xét giảm án lúc này đã mất đi ý nghĩa là cải tạo trong trại giam, cải huấn và cải biến người phạm nhân. Vì vậy, cần cân nhắc và đánh giá kỹ với việc bổ sung hình phạt này”, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Nhìn ở khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án đạt được ý nghĩa giáo dục, răn đe, vì đã đạt được mục tiêu là loại trừ kẻ phạm tội ra khỏi đời sống xã hội. Quan điểm này cũng được thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ và đúng với quan điểm của Đảng và nguyện vọng của đa số người dân. Do đo, đại biểu nhận thấy, thấy thêm hình phạt này vào dự thảo Luật là nhân văn.
Nhấn mạnh một bộ luật bảo đảm được sự nghiêm khắc với tội phạm nhưng thể hiện được sự nhân đạo, phù hợp với ý chí của nhân dân thì đó là một bộ luật nhân văn của một quốc gia văn minh, đại biểu Nguyễn Anh Trí tán thành bổ sung hình phạt này, nhưng để tội nào chuyển từ mức tử hình xuống chung thân không giảm án thì ban soạn thảo cần xem xét, tiếp thu thêm ý kiến của các ĐBQH.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến phát biểu thảo luận rất sôi nổi, trách nhiệm của ĐBQH, thể hiện rõ quan điểm và đã phân tích, đánh giá sâu sắc trên nhiều mặt từ thực tiễn sinh động của cuộc sống cũng như yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.
Qua đó, làm rõ thêm nhiều nội dung từ những cách tiếp cận khác nhau và đã góp nhiều ý kiến rất cụ thể để tiếp tục hoàn thiện các quy định của dự thảo luật.
Bên cạnh thể hiện sự đồng thuận, nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, các ĐBQH đã phát biểu tập trung vào các nội dung trọng tâm về: việc không áp dụng hình phạt tử hình tại một số tội danh; bổ sung quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án; bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án; việc bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy; việc nâng mức phạt tù, nâng mức phạt tiền là hình phạt chính; sửa đổi, bổ sung một số tội phạm cụ thể theo mức nâng mức hình phạt đối với tội ma túy, tội môi trường, tội hàng giả; điều chỉnh ngày có hiệu lực của luật để phù hợp hơn.
Một số ý kiến đại biểu đã phát biểu thêm những nội dung khác ngoài phạm vi Chính phủ trình. Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề lớn mà ĐBQH quan tâm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long giải trình, làm rõ một số vấn đề lớn mà ĐBQH quan tâm. Ảnh: Phạm Thắng
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổng hợp đầy đủ ý kiến của các ĐBQH gửi Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình và báo cáo ĐBQH.
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Công an giúp Chính phủ khẩn trương phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng
Đối với một số vấn đề, nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, các cơ quan nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, xây dựng phương án gửi phiếu lấy ý kiến ĐBQH để hoàn chỉnh dự thảo Luật với chất lượng cao nhất và báo cáo Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua.
Minh Trang