Tổng thống Trump ban hành một đạo luật mới giúp các công ty tiếp cận đất liên bang để khai thác dầu mỏ trở nên dễ dàng hơn. Ảnh CNN
Ngành năng lượng Mỹ đang đón nhận những cơ hội pháp lý mới sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua đạo luật One Big Beautiful Bill Act - cuộc cải cách lớn đầu tiên kể từ nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông. Luật này cho phép mở rộng cấp phép khai thác dầu khí trên đất liền và vùng biển liên bang, đồng thời rút ngắn thời gian tổ chức đấu giá. Ngoài ra, mức thuế tài nguyên cũng được điều chỉnh từ 16,75% xuống còn 12,25%, trở về mức trước khi Đạo luật Giảm lạm phát được ban hành dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Dù ngành dầu mỏ ban đầu khá phấn khởi trước chính sách mới, nhưng giới chuyên gia nhận định hiệu quả thực tế có thể không lớn, nhất là trong bối cảnh thị trường dầu toàn cầu còn nhiều biến động.
Vịnh Mỹ - Điểm nóng trong kế hoạch khai thác ngoài khơi
Trong số các khu vực được chú ý, vịnh Mỹ (trước đây là vịnh Mexico) là trọng tâm với kế hoạch tổ chức 30 đợt đấu giá quyền khai thác trong 10 năm tới. Tuy nhiên, để khai thác thực sự tại đây có thể mất nhiều năm, và việc gia tăng sản lượng không diễn ra ngay lập tức. Các tập đoàn dầu khí lớn hiện đang đánh giá kỹ lưỡng trước khi đầu tư, với yếu tố giá dầu là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để ra quyết định.
Hơn nữa, khai thác ngoài khơi đòi hỏi vốn đầu tư lớn cho hạ tầng, nên nếu giá dầu không đủ cao, các dự án sẽ kém hấp dẫn. Chi phí vận hành cao cũng là yếu tố khiến doanh nghiệp phải cân nhắc, dễ làm nguội đi sự hứng khởi ban đầu. Nói cách khác, dù chính sách có cởi mở hơn, nhưng nếu điều kiện kinh tế không thuận lợi, doanh nghiệp vẫn có thể ngần ngại đầu tư quy mô lớn.
Do đó, khả năng các hoạt động khai thác ngoài khơi tăng mạnh trong thời gian tới là không cao. Nếu có, cũng sẽ diễn ra một cách thận trọng và phụ thuộc nhiều vào diễn biến tích cực của thị trường dầu toàn cầu.
Alaska: Triển vọng tươi sáng nhưng còn phức tạp
Tại Alaska, đạo luật mới đề xuất tăng cường tổ chức đấu giá quyền khai thác dầu tại những khu vực giàu tiềm năng, như Khu Bảo tồn Động vật hoang dã Quốc gia Bắc Cực (ANWR) và Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia Alaska (NPR-A). Về lịch sử, bang này có trữ lượng dầu lớn chưa được khai thác, nhưng quá trình phát triển lại gặp nhiều khó khăn, do những thách thức về hậu cần, kỹ thuật và yếu tố chính trị.
Dù luật mới giúp việc tiếp cận nguồn tài nguyên thuận lợi hơn, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với môi trường tự nhiên nhạy cảm và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, gây ra nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật.
Ngoài ra, mức độ quan tâm thực tế từ nhà đầu tư còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế toàn cầu và tính ổn định của chính sách trong dài hạn. Riêng khu vực NPR-A được đánh giá có tiềm năng rõ rệt hơn, với một số dự án đã được lên kế hoạch hoặc đang triển khai. Những khoản đầu tư gần đây cho thấy khu vực này đang thu hút sự chú ý lớn hơn so với nhiều vùng khác, với điều kiện là thị trường đủ ổn định để hỗ trợ các dự án dài hơi.
Trên đất liền liên bang: Tiềm năng vừa phải
Với các vùng đất liên bang nằm sâu trong đất liền, luật mới quy định tổ chức đấu giá theo quý tại một số bang miền Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, những khu vực này thường không được đánh giá cao về tiềm năng dầu khí, nên khả năng thu hút đầu tư không lớn. Phần lớn các vùng giàu tiềm năng đã được cấp quyền khai thác từ trước, trong khi những khu còn lại thường có lợi nhuận thấp, hoặc đòi hỏi chi phí đầu tư cao, khiến chúng khó được ưu tiên.
Vì vậy, dù luật đã gỡ bỏ một số rào cản pháp lý, sản lượng dầu từ các vùng đất nội địa có thể chỉ tăng nhẹ trong trung hạn. Hiệu quả kinh tế vẫn là yếu tố then chốt với các doanh nghiệp - nghĩa là chỉ khi thị trường dầu có dấu hiệu tích cực, ngành mới có thể tăng trưởng bền vững.
Việc thực hiện các biện pháp trong đạo luật mới vẫn phụ thuộc phần lớn vào các yếu tố kinh tế bên ngoài. Do đó, ảnh hưởng cuối cùng đối với sản lượng năng lượng của Mỹ hiện vẫn chưa thể đoán định.
Nh.Thạch
AFP