Đánh giá, tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm hiệu quả của dự án

Đánh giá, tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm hiệu quả của dự án
một ngày trướcBài gốc
Sáng 13.11, sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đã thảo luận tại Tổ về 3 nội dung này.
Cần tính toán kỹ, bảo đảm khả năng huy động và phân bổ vốn đầu tư
Cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các đại biểu nhấn mạnh việc đầu tư dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách trên hành lang Bắc - Nam, tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới.
ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: T. Chi
ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Tờ trình của Chính phủ nêu khá rõ về tính cấp thiết của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu về vận tải hành khách, hàng hóa hiện nay. Theo Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 1.700 tỷ đồng, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, từ 2025 đến 2037. Đại biểu Trần Anh Tuấn lưu ý, dự án huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư nên tỷ suất mang tính hỗn hợp, vì vậy, cần tính toán kỹ việc phân kỳ đầu tư cho hợp lý nhằm bảo đảm khả năng phân bổ vốn đầu tư, an toàn nợ công.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) khẳng định, đại đa số Nhân dân ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, tuy nhiên điều mà cử tri còn băn khoăn là năng lực và hiệu quả trong tổ chức thực hiện; hiệu năng sử dụng và tính an toàn trong vận hành tuyến đường sắt này.
Đại biểu đề nghị, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng của dự án, nhận diện đầy đủ những thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức trong triển khai dự án để có giải pháp khắc phục.
ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: T.Chi
Quan tâm tới phạm vi đầu tư, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị nghiên cứu mở rộng phạm vi đầu tư sang khu vực Tây Nam bộ do hạ tầng giao thông vận tải khu vực này còn hạn chế, nhằm tăng kết nối giao thông giữa khu vực này với những vùng miền khác trên cả nước, nhằm thúc đẩy lưu thông và tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện hơn nữa để phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực này.
Đồng tình với ý kiến này, ĐBQH Trần Thị Diệu Thúy (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, cùng với sự gia tăng về quy mô của nền kinh tế, nhu cầu vận tải hành khách của nước ta ngày càng tăng song vấn đề lớn hơn đặt ra với nước ta là nhu cầu về vận chuyển hàng hóa.
Đại biểu đề nghị, cần coi tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là tuyến vận tải huyết mạch, bên cạnh phục vụ mục đích vận chuyển hành khách, nên nghiên cứu thêm chức năng vận chuyển hàng hóa nhằm giúp giải bài toán về chi phí logistics cho nông dân, doanh nghiệp.
Nên sơ kết việc thí điểm ngay sau năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết
Thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án đầu tư, kinh doanh nhà ở thương mại.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thí điểm chính sách này sẽ có tác động lan tỏa hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nhà ở thương mại, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất, nhà đầu tư chủ động trong việc thực hiện các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, góp phần giải quyết nhu cầu đất ở, nhà ở cho nhân dân.
Góp ý vào khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị, đối với diện tích đất quốc phòng - an ninh đã quy hoạch, nên ưu tiên thực hiện dự án nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng quân đội, tạo điều kiện cho đối tượng này tiếp cận nhà ở xã hội.
Theo dự thảo Nghị quyết, Nghị quyết này được thực hiện trong thời gian 5 năm và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2025. Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết này; sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết trong năm 2028 và tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết trong năm 2030 để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Quan tâm tới việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, ĐBQH Hà Phước Thắng (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết thường phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Vì vậy, dự thảo Nghị quyết nên quy định tiến hành sơ kết ngay sau năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết, nhằm kịp thời rút kinh nghiệm và có giải pháp tháo gỡ để triển khai tốt Nghị quyết trong những năm còn lại.
Thanh Chi
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/danh-gia-tinh-toan-ky-luong-than-trong-bao-dam-hieu-qua-cua-du-an-post396233.html