Bước sang đầu tháng 5 hằng năm, các trường học từ mầm non đến cấp trung học phổ thông công lập sẽ triển khai đến cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị viết bản tự đánh giá, xếp loại viên chức; báo cáo thực hiện nhiệm vụ để chuẩn bị cho việc xếp loại viên chức.
Việc xếp loại viên chức cuối năm của nhiều trường học mấy năm gần đây thường để lại những bàn tán sau khi nhà trường hoàn thành việc xếp loại. Thực tế, công việc này thường rất nhạy cảm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường trong từng năm học và bản xếp loại này được lưu vào hồ sơ cá nhân.
Hiện nay, việc đánh giá, xếp loại viên chức càng trở nên khó khăn hơn vì mỗi đơn vị chỉ được xét 20% số lượng xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vì thế, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ điều kiện, lập được nhiều thành tích nhưng vẫn ngậm ngùi không được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong khi đó, nếu viên chức được xếp loại viên chức hoàn thành nhiệm vụ sẽ được xét, đề nghị danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được chia tiền thu nhập tăng thêm, tiền thưởng theo Nghị định 73 cao hơn nên sự cạnh tranh rất cao.
Ảnh minh họa
Viên chức nào sẽ lọt vào danh sách 20% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?
Theo hướng dẫn của các văn bản hiện hành, xếp loại viên chức hiện nay có 4 mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong 4 mức xếp loại trên, mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cán bộ, giáo viên, nhân viên hướng đến nhiều nhất vì mức này gắn liền với nhiều quyền lợi nên những viên chức được xếp ở mức này phải là những người có nhiều thành tích.
Nhưng từ năm học 2023-2024, việc xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khó khăn hơn trước đây rất nhiều. Cụ thể, tại Khoản 6, Điều 1, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về tỷ lệ viên chức xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau:
“Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỷ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng.
Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức.”.
Điều 12, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau:
“1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
a) Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Nghị định này;
b) Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức;
2. Viên chức quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
a) Thực hiện tốt các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và điểm a khoản 5 Điều 3 Nghị định này;
b) Các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao đều hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao;
c) Đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức;
d) 100% đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó ít nhất 70% hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Từ hướng dẫn của Nghị định số 48/2023/NĐ-CP; Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ và một số văn bản hướng dẫn từ cơ quan chức năng tại địa phương, các trường học sẽ có những tiêu chí giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, đối tượng trong nhà trường.
Cuối năm học, từng cá nhân sẽ căn cứ vào nhiệm vụ được giao xem mình có bao nhiêu nhiệm vụ vượt mức để báo cáo và tự xếp loại viên chức, sau đó nhà trường sẽ họp, đánh giá và người ra quyết định cuối cùng là hiệu trưởng nhà trường.
Riêng, cán bộ quản lý, bao gồm: hiệu trưởng và phó hiệu trưởng sẽ được cấp bổ nhiệm đánh giá, xếp loại nhưng được lấy ý kiến của các bộ phận trong đơn vị trước khi chuyển hồ sơ lên cấp trên.
Nhóm viên chức nào trong các trường học thường có nhiều thành tích hơn
Từ các văn bản hướng dẫn của cấp trên, về đến địa phương, nhà trường lại có những cách thức thực hiện khác nhau. Có trường học xếp loại viên chức không chủ trương phân loại theo từng đối tượng nhưng cũng có trường phân loại đối tượng viên chức để xếp loại.
Đối với hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng các trường từ mầm non đến trung học phổ thông sẽ do Ủy ban nhân dân huyện, tỉnh (tùy cấp học) đánh giá, xếp loại, những đối tượng còn lại trong nhà trường, bao gồm: tổ trưởng, tổ phó chuyên môn/ khối trưởng, khối phó; giáo viên chủ nhiệm; giáo viên bộ môn; nhân viên sẽ thực hiện xếp loại tại đơn vị.
Nếu không phân loại theo từng đối tượng, nhà trường sẽ lựa chọn những viên chức có thành tích cao nhất trong đơn vị để xét đủ 20% chỉ tiêu. Nếu phân loại theo đối tượng thì cũng xét 20% theo số lượng từng nhóm.
Tuy nhiên, việc xếp loại theo nhóm đối tượng sẽ phát sinh có những nhóm có nhiều thành tích, nhóm ít thành tích. Vì thế, có trường hợp viên chức xếp ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ ở nhóm này lại tiêu biểu hơn trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở nhóm khác.
Cụ thể, đối với nhóm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và nhóm giáo viên chủ nhiệm thường có nhiều thành tích hơn 2 nhóm còn lại.
Bởi lẽ, nhóm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn có nhiều thành viên tích cực trong các phong trào và các công việc khó, như: thi giáo viên giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm, bồi dưỡng học sinh giỏi, tập huấn, dạy chuyên đề minh họa…nên họ có nhiều chỉ tiêu vượt mức.
Đối với nhóm giáo viên chủ nhiệm thì ngoài công việc giảng dạy, tham gia các phong trào thi đua, họ còn đảm nhận một số công việc khác, như: duy trì sĩ số lớp; thu các khoản đóng góp; duy trì nền nếp học sinh…
Nhóm giáo viên bộ môn cũng có nhiều thầy cô tham gia phong trào nhưng tỉ lệ không nhiều như nhóm tổ trưởng, tổ phó và nhiệm vụ họ cũng thực hiện ít hơn giáo viên chủ nhiệm nên thành tích vượt trội không nhiều.
Nhóm nhân viên nhà trường bao gồm: kế toán, văn thư, thủ quỹ; thiết bị, thư viện, tư vấn học đường, giáo viên đoàn- đội thì họ ít có cơ hội tham gia các phong trào thi đua nên thường gói gọn trong công việc chính mà thôi.
Chính vì thế, việc xếp loại viên chức theo nhóm đối tượng sẽ dẫn đến tình trạng nhiều tổ trưởng, tổ phó, giáo viên chủ nhiệm có nhiều thành tích vượt trội nhưng vẫn có thể không được xét loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì bị siết tỉ lệ.
Nhưng, nếu xét viên chức không phân theo nhóm đối tượng thì nhiều giáo viên bộ môn, nhân viên nhà trường sẽ rất ít cơ hội được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chính vì thế, việc xếp loại viên chức cuối năm học ở các trường học công lập hiện nay vẫn còn những khó khăn nhất định, dễ bị so sánh. Xếp loại theo cách nào cũng có những ưu điểm, hạn chế, không có phương án nào khả thi tuyệt đối.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
NGUYỄN THẾ TRUNG