Danh mục phân loại xanh sẽ giảm nguy cơ 'tẩy xanh'

Danh mục phân loại xanh sẽ giảm nguy cơ 'tẩy xanh'
6 giờ trướcBài gốc
Từng bước bắt kịp xu hướng
Hiện, Việt Nam đang cần một lượng vốn lớn và đa dạng để nâng cấp hạ tầng bền vững. Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam Đỗ Ngọc Quỳnh cho biết, nhu cầu vốn mà Việt Nam sẽ cần phải có để triển khai phát triển xanh, bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050 có thể lên tới 20 tỷ USD/năm. Như vậy, tiềm năng của thị trường trái phiếu xanh, nói cách khác là nhu cầu vốn thông qua thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam là rất lớn.
Việc ban hành Danh mục phân loại xanh sẽ giúp các doanh nghiệp xác định rõ dự án xanh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận vốn thông qua phát hành trái phiếu xanh. Ảnh: T.L
Trong bối cảnh đó, Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg ngày 4/7/2025 quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh (Quyết định số 21). Theo các chuyên gia, quyết định này tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho thị trường tài chính xanh trong nước, bao gồm tín dụng xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh; mở đường cho làn sóng đầu tư bền vững.
Cụ thể, danh mục quy định với 45 lĩnh vực, loại hình dự án thuộc 7 nhóm ngành (năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên nước; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ môi trường). Dự án đầu tư được xác nhận thuộc Danh mục phân loại xanh phải đáp ứng 2 tiêu chí: có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trừ dự án đầu tư được miễn thủ tục môi trường theo quy định của pháp luật; thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc mang lại lợi ích về môi trường và đáp ứng các yêu cầu quy định tại Phụ lục I Quyết định số 21.
Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh gồm: cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức xác nhận độc lập đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật, thực hiện đăng ký kinh doanh tại Việt Nam hoặc được thành lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Quyết định cũng quy định rõ việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh; hồ sơ đề nghị xác nhận; trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi được xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh…
Ông Nguyễn Tùng Anh, đại diện cho Bộ phận Nghiên cứu rủi ro tín dụng và tài chính bền vững FiinRatings cho rằng, việc ban hành Danh mục phân loại xanh đã khẳng định những nỗ lực của Chính phủ trong việc khơi thông nguồn vốn xanh và từng bước bắt kịp xu hướng phát triển mạnh mẽ của thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh trên thế giới.
“Đây là tín hiệu tích cực báo hiệu sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong tương lai gần. Danh mục phân loại xanh hiện tại sẽ là bước đệm để Việt Nam tiếp tục tiến xa hơn trong quá trình hình thành các tiêu chuẩn và nguyên tắc bền vững mới trong tương lai, xích lại gần và tiệm cận hơn nữa với tiêu chuẩn của các thị trường phát triển cao như EU, Mỹ, đóng góp vào mục tiêu Net Zero tới 2050”, đại diện FiinRatings nhìn nhận.
Doanh nghiệp cần nắm rõ quy định để hưởng ưu đãi
Theo giới phân tích, Danh mục phân loại xanh mang lại nhiều cơ hội đối với các tổ chức tín dụng. Về vận hành, khung này chuẩn hóa định nghĩa, tiêu chí và phân ngành dự án xanh phù hợp với đặc thù kinh tế Việt Nam, giảm thiểu nguy cơ “tẩy xanh” (greenwashing). Về chiến lược, Danh mục phân loại xanh giúp các ngân hàng mở rộng sản phẩm tín dụng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu theo hướng phát triển bền vững. Từ đó, khung tạo điều kiện cho các ngân hàng muốn tăng khả năng tiếp cận vốn ngoại từ các định chế tài chính nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh tài trợ vốn cho dự án giảm phát thải đang là xu hướng toàn cầu.
Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh, Danh mục phân loại xanh giúp xác định rõ ràng các dự án xanh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận kênh vốn thông qua phát hành trái phiếu xanh.
Đối với nhà đầu tư trái phiếu, họ có công cụ để có thể đánh giá chính xác hơn về tính bền vững và rủi ro của dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa danh mục đầu tư theo hướng bền vững hơn, đặc biệt đối với các quỹ có tiêu chí ESG.
Dù vậy, trong quá trình triển khai có thể sẽ gặp thách thức, đó là năng lực chuyên môn chưa có sự đồng bộ giữa các thành viên thị trường; ở Việt Nam chưa có nhiều tổ chức xác nhận và chứng nhận có năng lực được bảo đảm bởi các tổ chức uy tín. Bên cạnh đó là khó khăn về chi phí tuân thủ, năng lực chuyên môn và quy trình xác nhận phức tạp đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan ở cả cấp độ doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Các chuyên gia của FiinRatings khuyến nghị, các ngân hàng cần xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn tín dụng xanh rõ ràng, đầy đủ, dựa trên Danh mục phân loại xanh và các chuẩn mực quốc tế, làm cơ sở để thẩm định, đánh giá rủi ro và tác động của các dự án đủ điều kiện. Cơ cấu sản phẩm tín dụng xanh phải đa dạng phù hợp với sự phân hóa của các ngành nghề, lĩnh vực xanh; đồng thời cần đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức của các cán bộ, cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng.
Về phía doanh nghiệp, với vai trò là các tổ chức phát hành trái phiếu xanh, nhận tín dụng xanh, cần nắm rõ quy định của pháp luật, tiêu chuẩn môi trường, quy trình chuẩn bị hồ sơ chứng minh dự án thuộc Danh mục phân loại xanh để nhận ưu đãi. Doanh nghiệp cũng cần thiết lập ban nghiệp vụ chuyên trách; đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên trực tiếp triển khai và vận hành dự án.
Đan Thanh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/danh-muc-phan-loai-xanh-se-giam-nguy-co-tay-xanh-10380472.html