Danh mục tự doanh gần 13 tỷ USD tại các CTCK đang phân bổ thế nào?

Danh mục tự doanh gần 13 tỷ USD tại các CTCK đang phân bổ thế nào?
một ngày trướcBài gốc
Theo thống kê báo cáo tài chính gần 80 công ty chứng khoán, tổng giá trị danh mục tự doanh đến cuối tháng 6 đạt gần 323.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 12,9 tỷ USD (tạm tính theo tỷ giá 1 USD = 25.000 đồng). Quy mô này không chỉ cao hơn gần 4,5% so với cuối quý I mà còn ghi nhận mức tăng trưởng liên tiếp trong nhiều quý gần đây, cho thấy dòng tiền tại khối tự doanh vẫn duy trì đà mở rộng.
Cùng với đó, việc thay đổi tỷ trọng phân bổ giữa ba loại tài sản chính – FVTPL (ghi nhận thông qua lãi/lỗ), HTM (nắm giữ đến đáo hạn) và AFS (sẵn sàng để bán) phản ánh rõ sự điều chỉnh trong khẩu vị đầu tư của các công ty chứng khoán, tùy theo kỳ vọng sinh lời và mức độ ưu tiên thanh khoản.
FVTPL tiếp tục là loại tài sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục tự doanh của toàn ngành, nhưng không còn duy trì được đà tăng như các quý trước. Tính đến cuối tháng 6, nhóm tài sản này đạt gần 193.700 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng danh mục, song đã giảm khoảng 1% giá trị so với cuối quý I.
Diễn biến ngược lại ghi nhận ở nhóm HTM khi giá trị tăng mạnh lên gần 91.700 tỷ đồng, tương đương mức tăng 13%. Trong khi đó, nhóm tài sản AFS cũng tăng đáng kể 17% lên 38.220 tỷ đồng, hiện chiếm gần 12% tổng giá trị danh mục tự doanh.
Việc FVTPL – thường đóng vai trò nhóm tài sản phản ánh kỳ vọng sinh lời cao – có xu hướng thu hẹp trong khi HTM đi lên cho thấy sự điều chỉnh chiến lược từ một số công ty. Trong bối cảnh môi trường đầu tư xuất hiện nhiều yếu tố khó lường, các khoản có thu nhập cố định dường như đang lấy lại vị thế nhờ khả năng duy trì thanh khoản và ổn định lợi suất trong trung hạn.
Biến động giá trị tự doanh ngành chứng khoán (tạm tính cả cổ phiếu cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền). (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).
Tại từng công ty cụ thể, phân bổ danh mục cho thấy những khác biệt đáng kể. SSI vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu toàn ngành, giá trị tự doanh tại công ty mẹ đạt quy mô hơn 50.600 tỷ đồng.
Trong đó, khoảng 44.000 tỷ đồng – tương ứng 87% – là FVTPL, chủ yếu là trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Danh mục cổ phiếu niêm yết và chứng chỉ quỹ tại SSI hiện còn khoảng 1.162 tỷ đồng, tập trung vào các mã như HPG, MSN, ACB, VPB... Còn lại, hơn 6.100 tỷ đồng được ghi nhận vào HTM (toàn bộ là tiền gửi) và 454 tỷ đồng tại AFS.
VNDirect xếp sau SSI về tổng giá trị tự doanh, với khoảng 29.600 tỷ đồng. Công ty này duy trì tỷ lệ phân bổ tương đối cân bằng, trong đó khoảng 70% thuộc FVTPL và 30% là HTM.
Top 10 tự doanh ngành chứng khoán; (*): công ty mẹ. (Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo tài chính).
Ở nhóm công ty ưu tiên FVTPL, VPBankS và VIX nổi bật với tỷ lệ chiếm tới 94% danh mục tự doanh.
Trong khi đó, HSC là đơn vị phân bổ toàn bộ (100%) giá trị tự doanh – gần 12.800 tỷ đồng – vào FVTPL. Danh mục của HSC phần lớn là trái phiếu (7.131 tỷ đồng) và cổ phiếu (3.582 tỷ đồng). Trái phiếu nắm giữ chủ yếu là trái phiếu ngân hàng. Đối với cổ phiếu, bộ phận tự doanh đã mạnh tay giải ngân trong quý II, đưa một số khoản đầu tư lên giá trị hàng trăm tỷ đồng như MBB, HPG, STB, MWG, FPT, thậm chí đang rót vào HPG với giá trị hơn 1.200 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý trong quý II là sự thay đổi trong danh sách Top 10 công ty chứng khoán có giá trị tự doanh lớn nhất. Các tên tuổi quen thuộc VPS, Vietcap và SHS đã rời bảng, nhường chỗ cho HSC, MBS và LPBS. Trong số này, cả MBS và LPBS đều có tỷ lệ phân bổ vào HTM ở mức cao – lần lượt là 54% và 50%.
Cơ cấu của MBS cho thấy sự kết hợp giữa ba loại tài sản, với phần còn lại được chia cho FVTPL (30%) và AFS (16%) . Còn LPBS gần như chia đều tài sản tự doanh giữa FVTPL và HTM, trong khi phần AFS không đáng kể.
ACBS cũng nằm trong số ít đơn vị có tỷ lệ HTM vượt trội, với 79% danh mục được phân bổ vào nhóm tài sản này, tương ứng với 15.483 tỷ đồng. Việc gia tăng HTM giúp công ty củng cố vị trí trên bảng xếp hạng tự doanh.
Ở chiều ngược lại, TCBS vẫn duy trì chiến lược trọng tâm vào AFS – nhóm tài sản ít được ưu tiên tại các công ty chứng khoán khác. Tỷ lệ AFS tại TCBS chiếm đến 88%, tương ứng hơn 21.100 tỷ đồng. Danh mục này phần lớn là trái phiếu, với giá trị gần 18.100 tỷ đồng, tiếp tục tăng so với quý I. Ngoài ra, khoảng 2.800 tỷ đồng được công ty phân bổ vào HTM, còn FVTPL không đáng kể.
Ghi chú (*): công ty mẹ. (Nguồn: X.N tổng hợp từ báo cáo tài chính).
Sự phân hóa rõ nét trong cách xây dựng danh mục tự doanh cho thấy mỗi công ty chứng khoán đang có định vị riêng trong cách tiếp cận thị trường. Các đơn vị thiên về FVTPL đang tìm kiếm cơ hội sinh lời trong các biến động ngắn hạn và trung hạn, trong khi những công ty ưu tiên HTM và AFS lại thể hiện xu hướng củng cố thanh khoản và duy trì hiệu suất ổn định.
Trong bối cảnh giá trị tài sản tự doanh toàn ngành tiếp tục tăng, cấu trúc danh mục không chỉ đóng vai trò bảo vệ kết quả kinh doanh ngắn hạn mà còn có thể tạo ảnh hưởng lan tỏa lên thị trường vốn. Khẩu vị rủi ro và chiến lược đầu tư của khối tự doanh đang ngày càng đóng vai trò then chốt trong định hướng vận hành của các công ty chứng khoán trong giai đoạn tới.
Xuân Nghĩa
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/danh-muc-tu-doanh-gan-13-ty-usd-tai-cac-ctck-dang-phan-bo-the-nao.html