Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập danh sách khoảng 20 đối tác làm trọng tâm cho những cuộc đàm phán ban đầu. Ảnh: AFP/ TTXVN
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã thông báo cho những nhà lập pháp về các mục tiêu này.
Nhóm này bao gồm các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, tất cả đều là những nguồn nhập khẩu hàng đầu của Mỹ mà ông Trump muốn thu hẹp thâm hụt thương mại. Danh sách này cũng bao gồm các đối tác tương đối nhỏ hơn như Fiji, Lesotho và Mauritius.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết Mỹ đang tập trung đàm phán với 18 quốc gia, nhưng chưa công bố danh sách đầy đủ. Con số này bao gồm cả Trung Quốc, dự kiến sẽ bắt đầu đàm phán trong tuần này. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết danh sách này được đưa ra nhằm thiết lập cách thức để nhanh chóng đạt được các thỏa thuận khác.
Danh sách này cũng bao gồm Vương quốc Anh. Ngày 8/5, Anh trở thành quốc gia đầu tiên đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ kể từ khi Nhà Trắng công bố mức thuế quan toàn diện vào tháng trước. Đây là thỏa thuận thương mại thứ hai trong vòng 1 tuần của Thủ tướng Anh Keir Starmer sau khi ông ký hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ vào ngày 6/5.
Ấn Độ, quốc gia đang trong giai đoạn thảo luận nâng cao với các quan chức của ông Trump, cũng xuất hiện trong danh sách, cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngoài các đối tác đó, chính quyền Tổng thống Trump cũng được cho là đang ưu tiên đàm phán với Australia, Argentina, Campuchia, Ecuador, Indonesia, Israel, Madagascar, Malaysia, Thụy Sỹ.
Quy mô kinh tế của các quốc gia này rất khác nhau. Ví dụ, lượng hàng nhập khẩu trung bình mỗi ngày của Mỹ từ Nhật Bản nhiều hơn lượng nhập khẩu từ Lesotho trong cả năm.
Trả lời phỏng vấn mới đây với kênh truyền hình CNBC, Cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump, ông Kevin Hassett, cho biết “khoảng 24” quốc gia sắp đạt được thỏa thuận như Vương quốc Anh.
Ông Bessent và ông Jamieson Greer - Đại diện Thương mại Mỹ, sắp bắt đầu đàm phán với các quan chức Trung Quốc. Mới đây, ông Trump đã đề xuất giảm thuế quan đối với Trung Quốc từ 145% xuống 80%.
Một số quốc gia đã tự nhận mình là đối tác có thiện chí. Thụy Sỹ cho biết nước này là một trong 15 quốc gia sẽ được “đối xử ưu đãi phần nào” và có thể được đóng băng thuế quan đối ứng qua thời hạn tháng Bảy nếu cần thiết.
Chính phủ Argentina đã tổ chức một loạt cuộc thảo luận thương mại với các quan chức cấp cao của ông Trump. Ông Bessent cho biết Argentina sẽ đạt được thỏa thuận sớm hơn nhiều nước.
Ông Greer còn cho biết, Đông Nam Á là một ưu tiên. Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC, ông cho hay, Mỹ đang có những cuộc đàm phán hiệu quả với Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. z
Theo thông tin trên truyền thông, các cuộc đàm phán với Campuchia dự kiến diễn ra vào tuần tới, trong khi Malaysia đã bắt đầu đàm phán vào tháng trước. Các quan chức Mỹ cũng đã tổ chức những cuộc thảo luận với Indonesia.
Trong khi đó, triển vọng đạt được thỏa thuận của các quốc gia khác còn mờ mịt. Australia, giống như Vương quốc Anh, có thâm hụt thương mại hàng hóa với Mỹ - khiến nước này trở thành ứng cử viên hàng đầu cho một thỏa thuận khung. Nhưng ông Trump và các quan chức cấp cao liên tục nhấn mạnh rằng mức thuế cơ bản 10% là mức sàn, một lập trường đã được củng cố bởi thỏa thuận với Vương quốc Anh. Thay vào đó, các thỏa thuận có thể xoay quanh việc miễn trừ những loại thuế khác, chẳng hạn như mức thuế 25% của Mỹ đối với kim loại, hoặc mức thuế 100% mà ông Trung đang cảnh báo sẽ áp với phim được sản xuất ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, hiện cũng chưa rõ các nền kinh tế nhỏ nhất có thể mang lại điều gì cho Mỹ để đổi lấy thỏa thuận. Ví dụ, Lesotho, một vương quốc miền núi ở châu Phi với dân số ít hơn cả Chicago, có thâm hụt thương mại đáng kể với Mỹ. Đây là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới và phải đối mặt với mức thuế đối ứng 50% nếu không đạt được thỏa thuận. Gần đây, nước này đã cấp cho Starlink của tỷ phú Elon Musk giấy phép hoạt động 10 năm và đã cam kết tìm cách loại bỏ các rào cản khác đối với đầu tư của Mỹ.
Khánh Ly/TTXVN (Theo Bloomberg, The Economist)