'Đánh thức' tiềm năng kinh tế vùng bãi bồi

'Đánh thức' tiềm năng kinh tế vùng bãi bồi
12 giờ trướcBài gốc
Người dân xã Nam Hồng cắt cỏ Nhật.
Năm 2011, một vài nông dân, trong đó có ông Lâm Văn Tiu đã đưa cây cỏ Nhật về trồng thử trên đồng đất quê nhà. Hợp khí hậu, thổ nhưỡng, cỏ Nhật nhanh chóng phát triển, mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, “đánh thức” tiềm năng kinh tế của cả vùng bãi bồi rộng lớn.
Cách đây gần 15 năm, trên vùng bãi bồi của các xã: Nam Thắng, Nam Hồng, Tân Thịnh (nay là xã Nam Hồng), người dân chủ yếu trồng dâu để phát triển nghề nuôi tằm dệt vải. Do nghề trồng dâu nuôi tằm vất vả nên bà con trong các xã đã chuyển sang trồng ngô, đậu tương…, tuy nhiên thu nhập vẫn rất thấp. Nhiều hộ sau đó quyết định bỏ ruộng, chuyển hướng sang chăn nuôi cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng trọt nhưng lại phát sinh các vấn đề về vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến điều kiện sống của các khu dân cư.
Năm 2011, một số hộ dân ở xóm Đại An, xã Nam Thắng cũ đã đưa cây cỏ Nhật về trồng thử nghiệm, bước đầu cây phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, cỏ Nhật nhanh chóng được nhân rộng ra các xã lân cận, “phủ xanh” nhiều diện tích đất ở Nam Hồng. Có “thâm niên” trồng cỏ Nhật trên 10 năm với diện tích hơn 1 ha, chị Phạm Thị Tuyến, xóm Thắng An cho biết: “Để trồng cỏ Nhật, sau khi làm đất, luống và rãnh thoát nước, tôi chỉ việc đánh cỏ giâm xuống đất với khoảng cách từ 3-5cm. Muốn cỏ nhanh phát triển, tôi bón thêm phân đạm, đảm bảo đủ lượng nước tưới 2 lần/ngày đối với trời hanh, 1 lần/ngày khi trời mát là cỏ có thể sinh trưởng, phát triển”.
Thu hoạch cỏ Nhật ở xã Nam Hồng
Theo chị Tuyến, công đoạn vất vả nhất khi trồng, chăm sóc cỏ Nhật là làm cỏ dại. Cỏ dại mọc xen lẫn với cỏ Nhật, nếu không kịp thời nhổ bỏ sẽ lan rất nhanh, lấn át, “ăn” hết chất dinh dưỡng của cỏ Nhật. Vì vậy, cứ cách vài ngày, các hộ trồng cỏ Nhật lại phải ra đồng nhổ cỏ dại. Ngoài ra, cỏ Nhật có thể mắc một số loại bệnh như đạo ôn, bị sâu xanh và giun ký sinh nên quá trình trồng, chị Tuyến cũng rất chú trọng việc phòng trừ sâu bệnh cho cây.
Chăm sóc tốt, đúng quy trình, một năm ruộng cỏ Nhật của gia đình chị Tuyến có thể cho thu hoạch tới 3 vụ. Đặc biệt, sau khi thu hoạch cỏ sẽ tự mọc lại từ bộ rễ dưới đất nên chị Tuyến chỉ phải mất 1 lần mua giống. Với giá bán 18-25 nghìn đồng/m2, cao điểm vào dịp Tết lên đến 30 nghìn đồng/m2, sau khi trừ chi phí, hộ gia đình chị Tuyến thu từ 250-300 triệu đồng/ha/năm.
Trồng cỏ Nhật, người dân Nam Hồng còn rất yên tâm về đầu ra do thị trường tiêu thụ trong nước rộng mở, nhu cầu mua cỏ trang trí ngày càng lớn. “Nếu so với nghề truyền thống là trồng dâu nuôi tằm, trồng ngô trước kia thì trồng cỏ Nhật cho thu nhập gấp khoảng 20 lần”, chị Tuyến khẳng định. Thu nhập từ cây cỏ Nhật ổn định nên trong xã ngày càng có nhiều hộ gia đình đầu tư trồng cấy. Một số hộ còn mạnh dạn nhận đấu thầu thêm diện tích đất bãi bồi của các xã lân cận để trồng cỏ Nhật. Theo ước tính của chị Tuyến, Nam Hồng hiện có vài trăm hộ trồng cỏ Nhật với tổng diện tích lên đến hơn 100 ha. Hộ ít cũng có khoảng 5-7 sào cỏ, hộ nhiều có thể trồng đến hàng chục ha.
Nghề trồng cỏ Nhật ở Nam Hồng phát triển còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng hơn 1.000 lao động trong xã. Các hộ gia đình trồng cỏ ngoài chăm sóc ruộng cỏ của gia đình còn nhận làm thêm gối vụ cho các hộ khác. Nam Hồng hiện thành lập được 15 tổ thu hoạch cỏ, mỗi tổ trung bình 5-7 người, có tổ lên tới 20 người. Ngoài tổ thu hoạch cỏ, xã có khoảng 7 tổ chuyên nhận việc bốc vác, vận chuyển cỏ từ ruộng đến các điểm tập kết. Mỗi tổ đảm nhiệm các công đoạn khác nhau nên thu nhập cũng khác nhau. Với các lao động làm nghề thu hoạch cỏ, trung bình 1 ngày làm việc từ 10-12 giờ họ nhận mức lương từ 370-420 nghìn đồng/người/ngày. Những người vận chuyển cỏ sẽ có thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng/người/ngày.
Trên cánh đồng cỏ Nhật xã Nam Hồng.
Trưa tháng 7 chứa chan nắng nhưng trên những ruộng cỏ rộng lớn, xanh mướt mát ở xã Nam Hồng, các tổ thu hoạch, vận chuyển cỏ vẫn miệt mài làm việc. Rời vùng đồng bãi mỡ màu của xã trong tiếng xe máy chở cỏ rộn vang, tiếng người hối hả thúc giục nhau “nhanh tay, nhanh chân” hoàn thành công việc buổi sáng, mỗi mùa cỏ đều là mùa “bội thu”, giúp người dân nơi đây làm giàu, “thức dậy” tiềm năng vùng bãi bồi.
Bài, ảnh: Hoa Xuân - Văn Huỳnh
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/danh-thuc-tiem-nang-kinh-te-vung-bai-boi-112639.htm