Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào tháng 9 tới. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú hích mạnh mẽ, thu hút dòng vốn ngoại dồi dào, đem lại sôi động cho toàn bộ thị trường.
Nhưng phương pháp tính thuế lợi vốn theo năm với mức 20% mà Bộ Tài chính đang đề xuất có thể khiến thị trường chứng khoán Việt Nam mất đi tính hấp dẫn.
Đảo chiều
Bộ Tài chính đang đề xuất một thay đổi quan trọng trong chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán.
Theo đó, thuế TNCN sẽ được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20%. Điểm mấu chốt là thu nhập tính thuế sẽ được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán trong kỳ tính thuế theo năm.
Hiểu một cách đơn giản, cá nhân chuyển nhượng chứng khoán sẽ chịu mức thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế ( 20% trên phần lãi). Với chuyển nhượng vốn, sẽ tính thuế 20% trên thu nhập tính thuế nhưng tính theo từng lần...
Đề xuất mới về việc tính thuế TNCN trên lợi nhuận chuyển nhượng chứng khoán đang là tâm điểm chú ý, đặc biệt khi so sánh với phương pháp hiện hành (0,1% trên tổng giá trị giao dịch).
Theo ông Phan Lê Thành Long, Chủ tịch AFA Group, trước đây, vào giai đoạn sơ khai của thị trường chứng khoán Việt Nam, luật thuế TNCN không hề có quy định nộp 0,1% trên giá trị giao dịch mà đều tính trên phần lãi. Tuy nhiên, việc tính thuế trên lãi gặp phải vấn đề lớn về sự phức tạp trong kê khai và quản lý.
Đó là lý do Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để sửa luật thuế TNCN, và từ đó sinh ra phương pháp nộp 0,1% trên tổng giá trị giao dịch bán như hiện hành. Khi giao dịch bán diễn ra, công ty chứng khoán chỉ cần trích 0,1% và nộp, điều này đơn giản hơn rất nhiều.
Áp thuế mới, nhà đầu tư sẽ phải tốn nhiều chi phí hơn khi giao dịch trên thị trường. Ảnh: PM
Theo giới phân tích, so với việc đánh thuế 0,1% trên tổng giá trị giao dịch bán kể cả khi nhà đầu tư lỗ, việc đánh thuế trên lợi nhuận thực tế phản ánh đúng hơn nghĩa vụ thuế của nhà đầu tư cũng như sẽ mang lại nguồn thu ổn định và công bằng hơn cho ngân sách.
Việc đề xuất thay đổi phương pháp tính thuế lần này của Bộ Tài chính cũng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Khi bán một cổ phiếu có giá cao hơn so với giá mua ban đầu, được xem như là phần lợi vốn. Việc thu về phần lợi vốn cũng có nghĩa lợi nhuận đã hiện thực hóa. Lúc này nhà đầu tư sẽ phải nộp thuế trên các khoản lợi nhuận này.
Ưu điểm của phương pháp tính thuế mới là sẽ khuyến khích nhà đầu tư tập trung hơn vào việc lựa chọn các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, tăng trưởng ổn định và có khả năng mang lại lợi nhuận bền vững trong dài hạn. Điều này có thể làm giảm bớt sức hút của các cổ phiếu đầu cơ, vốn thường mang lại lợi nhuận lớn nhưng rủi ro cao và khó duy trì.
Phương pháp tính thuế mới sẽ tạo ra cú dịch chuyển khi nhà đầu tư có thể có xu hướng nắm giữ cổ phiếu lâu hơn để tối ưu hóa lợi nhuận sau thuế, thay vì lướt sóng liên tục, đặc biệt nếu họ phải đối mặt với các khoản lỗ không thể bù trừ trong ngắn hạn.
Chưa kể, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ lớn, thường quan tâm đến lợi nhuận thực tế sau thuế. Việc tính thuế trên lợi nhuận ròng và cho phép bù trừ lỗ trong năm giúp họ đánh giá chính xác hơn hiệu quả đầu tư tại Việt Nam. Điều này công bằng hơn so với việc bị đánh thuế ngay cả khi tổng thể họ thua lỗ.
Cần cân nhắc kỹ
Tuy nhiên, Chủ tịch AFA Group Phan Lê Thành Long nhận định, việc chuyển sang phương án tính thuế trên lợi nhuận sẽ tác động đáng kể đến các quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ, đặc biệt là những quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm.
Tiến sĩ Bùi Duy Tùng, Đại học RMIT Việt Nam cũng cho rằng, phương pháp tính thuế mới có khả năng tác động đến thanh khoản thị trường. Đầu tiên, tăng gánh nặng thuế khi nhà đầu tư có lời.
Ví dụ nếu trước đây bán 100 triệu đồng chứng khoán, chỉ phải đóng thuế 100.000 đồng (tính thuế 0,1% trên giao dịch). Với đề xuất mới, cũng 100 triệu đồng đó và nếu lãi 20 triệu và tính thuế 20% thì nhà đầu tư phải đóng 4 triệu đồng tiền thuế. Mức tăng là 40 lần.
"Mức thuế được đề xuất sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư ngắn hạn, lướt sóng do chi phí đầu tư tăng lên đáng kể. Nhà đầu tư dài hạn thì chịu ít tác động hơn. Mức tăng thuế lớn sẽ làm giảm động lực mua bán chứng khoán, đặc biệt là ở các kỳ hạn ngắn, dự báo có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thanh khoản thị trường", ông Tùng phân tích.
Phương án tính thuế mới cần được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm tạo sự phát triển bền vững cho thị trường chứng khoán. Ảnh: PM
Theo vị chuyên gia Đại học RMIT, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam còn khiêm tốn so với các quốc gia khác trong khu vực với khoảng 220 tỉ USD. Trong khi đó, vốn hóa thị trường trường của Indonesia là 829 tỉ USD, Tokyo là 6.260 tỉ USD, Thượng Hải là 7.280 tỉ USD, Đài Loan là 2,240 tỉ USD. Do đó, cần cân bằng giữa việc thu thuế lợi tức chứng khoán và phát triển thị trường.
“Gần như tất cả các quốc gia trong ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Brunei) đều không áp dụng thu thuế lợi tức chứng khoán. Trong khi Campuchia, Lào và Myanmar xem lợi nhuận đầu tư chứng khoán là thu nhập cá nhân, nhưng những thị trường này rất nhỏ nên quy mô thu thuế lợi tức chứng khoán rất hạn chế. Ngay cả ở Trung Quốc, nhà đầu tư cá nhân cũng không phải nộp này” – tiến sĩ Tùng cho biết.
Theo giới phân tích, một số thị trường mới nổi hoặc cận biên khác trong khu vực có thể có mức thuế lợi vốn thấp hơn hoặc chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư. Mặc dù mức 20% tuy không phải là cao nhất nhưng cũng không thể nói là thấp. Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ so sánh hiệu quả đầu tư sau thuế và sự dễ dàng trong vận hành giữa các thị trường để lựa chọn điểm đến đầu tư.
Nếu quy định chỉ cho phép bù trừ lỗ trong cùng một năm tài chính mà không cho phép chuyển phần lỗ chưa bù trừ sang các năm tiếp theo, điều này có thể trở thành một điểm trừ. Bởi vì các quỹ đầu tư lớn thường có thể có những năm thua lỗ đáng kể và khả năng chuyển lỗ giúp họ giảm gánh nặng thuế trong các năm lãi sau này.
Đặc biệt một số nhà đầu tư lướt sóng quen với thuế suất 0,1% có thể cảm thấy "sốc" với mức 20% và giảm tần suất giao dịch, hoặc tìm kiếm các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, vàng nếu họ cảm thấy gánh nặng thuế chứng khoán trở nên quá lớn hoặc quá phức tạp. Điều này ảnh hưởng đến nguyên tắc của thị trường chứng khoán tìm nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp phát triển.
Để thực hiện phương pháp tính thuế mới này, các công ty chứng khoán và cơ quan thuế cần đầu tư đáng kể vào hệ thống công nghệ thông tin, nhân lực để đảm bảo việc tính toán, kê khai và thu nộp thuế diễn ra suôn sẻ, chính xác.
Ngoài ra, cần có hướng dẫn chi tiết và rõ ràng về những khoản chi phí nào sẽ được coi là hợp lý để khấu trừ, như phí giao dịch, phí lưu ký, lãi vay margin, chi phí thông tin, phân tích,... Nếu không rõ ràng, sẽ dễ dẫn đến tranh cãi và khó khăn trong thực hiện
Nhà đầu tư sẽ trả thêm tiền nhiều hơn
Ông Phan Lê Thành Long nhận định, một quỹ đầu tư 100 tỉ đồng vào một doanh nghiệp, sau này doanh nghiệp niêm yết và giá trị khoản đầu tư tăng 50 lần, lên 5.000 tỉ đồng. Nếu áp dụng phương án 0,1% trên giá trị giao dịch, quỹ sẽ nộp 0,1% của 5.000 tỉ đồng, tức 5 tỉ đồng.
Nếu áp dụng phương án 20% trên lợi nhuận như đề xuất mới của Bộ Tài chính, thì quỹ sẽ bị tính thuế trên 4.900 tỉ đồng lợi nhuận (5.000 tỉ đồng do bán cổ phần - 100 tỉ đồng đầu tư trước đó = 4.900 tỉ đồng). Thuế phải nộp là 20% của 4.900 tỉ đồng, tức gần 1.000 tỉ đồng.
Sự khác biệt này là cực kỳ lớn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các quỹ đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm thường đầu tư vào hàng trăm khoản, và chỉ một vài khoản thành công với lợi nhuận cao, còn phần lớn các khoản khác có thể bị lỗ hoặc hòa vốn. Điều quan trọng là theo phương án mới, khi lỗ thì không phải nộp thuế.
PHƯƠNG MINH