Pháp: Đánh thuế mạnh tay với người giàu
Ngày 13/4, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Eric Lombard thông báo sẽ chuyển đổi quy định thuế tạm thời đang áp dụng với nhóm người giàu thành một khoản thuế cố định của chính phủ, nhằm hướng tới nền tài chính công “công bằng hơn”. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Pháp đang vật lộn với núi nợ công. Đây là một trong các biện pháp góp phần tạo ra 40 tỷ euro (45 tỷ USD) cho năm tới hướng đến mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 4,6% GDP vào năm 2026.
Nếu mức thuế 2% trên tài sản của các tỷ phú nắm giữ được áp dụng, mỗi năm sẽ có khoảng 200-250 tỷ USD tiền thuế được thu về.
Theo quy định trên, trong năm nay, cá nhân có thu nhập trên 250.000 euro (285.000 USD/năm) và các cặp đôi có thu nhập chung trên 500.000 euro (570.000 USD/năm) sẽ chịu mức thuế thu nhập cá nhân tối thiểu 20%. Dù năm 2024, chính phủ từng thông báo khoản đóng góp đặc biệt này chỉ mang tính tạm thời, song phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Lombard cho biết chính sách này sẽ được duy trì lâu dài. Theo ông, nguồn thu này đã mang lại 2 tỷ euro cho ngân sách nhà nước trong năm 2024.
Bộ trưởng Lombard nhấn mạnh đây chỉ là một loại thuế đánh vào thu nhập, đồng thời cho biết thêm rằng mục tiêu của chính sách mới này là tối ưu hóa thuế, tức là giúp các cá nhân giảm thiểu nghĩa vụ thuế một cách hợp pháp. Ông này cũng cho biết thêm: "2 tỷ euro, một con số khá lớn, không chỉ là câu chuyện về nguồn tài chính mà là câu chuyện của sự đóng góp công bằng". Ông kêu gọi mọi người dân cùng nỗ lực hết sức.
Theo số liệu chính thức, nợ công của Pháp đang ở mức báo động. Năm 2024, nợ công đã tăng thêm 202,7 tỷ euro, lên 3.300 tỷ euro (3.550 tỷ USD), tương đương 113% GDP, cho thấy sự bất ổn của nền tài chính quốc gia. Bộ Kinh tế đã bắt đầu nghiên cứu để chứng minh rằng cơ chế đánh thuế thu nhập cao được áp dụng một cách công bằng hơn. Theo Bộ Kinh tế Pháp, đây chính là cách giúp giảm thuế cho nhóm người giàu nhất.
Cụ thể, chính phủ sẽ ngừng áp khoản thuế đặc biệt đối với các công ty lớn, từng mang lại nguồn thu 8 tỷ euro cho ngân sách nhà nước và thay vào đó sẽ tập trung đánh thuế nhóm có thu nhập cao. Bộ trưởng Lombard tuyên bố không muốn tăng thuế đối với các doanh nghiệp vì lo ngại tác động tiêu cực đến việc làm.
2% thuế từ giới siêu giàu có thể thay đổi cục diện toàn cầu
Nhiều nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy tầng lớp siêu giàu đang gánh chịu mức thuế thấp hơn rất nhiều so với khả năng thực tế của họ. Một báo cáo do Nhà Trắng công bố năm 2021 tiết lộ rằng 400 gia đình tỷ phú giàu nhất nước Mỹ chỉ phải trả thuế thu nhập liên bang với tỷ lệ trung bình là 8,2%. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức thuế trung bình 13% mà đa số người nộp thuế ở Mỹ đang phải gánh chịu.
Không chỉ tại Mỹ, bất bình đẳng tài sản cũng đang gia tăng mạnh trên quy mô toàn cầu. Theo Tổ chức Oxfam, nhóm 1% giàu nhất thế giới đã tích lũy hơn 42.000 tỷ USD tài sản mới chỉ trong một thập niên qua. Hiện tại, họ đang nắm giữ lượng tài sản nhiều hơn toàn bộ khối tài sản của 95% người nghèo nhất cộng lại - một thực tế khiến nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ lo ngại về sự bền vững trong mô hình tăng trưởng hiện tại.
Trước thực trạng đó, cuối năm 2021, hơn 140 quốc gia đã đạt được đồng thuận trong việc áp dụng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, theo sáng kiến của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chính sách này nhằm ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có thuế suất cực thấp. OECD ước tính, cải cách này có thể mang lại khoảng 200 tỷ USD doanh thu bổ sung mỗi năm, góp phần tăng tính công bằng trong hệ thống thuế toàn cầu.
Đến năm 2024, nỗ lực cải cách thuế toàn cầu bước sang một giai đoạn mới, với sự chủ trì của Brazil - quốc gia giữ chức Chủ tịch G20 từ tháng 12/2023 đến tháng 11/2024. Trong nhiệm kỳ này, Brazil đã mạnh mẽ thúc đẩy một đề xuất táo bạo là đánh thuế tài sản toàn cầu. Đề xuất này đã được thông qua bằng sự đồng thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 18, tổ chức tại Rio de Janeiro vào tháng 11/2024, và được chính thức ghi nhận trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo.
Cụ thể, Brazil kiến nghị áp mức thuế tối thiểu 2% mỗi năm đối với tài sản mà các tỷ phú trên thế giới đang nắm giữ. Theo tính toán được đưa ra trong một nghiên cứu do nhà kinh tế học Gabriel Zucman chủ trì được chính phủ Brazil ủy quyền thực hiện đã chỉ ra rằng, nếu mức thuế 2% này được áp dụng trên phạm vi toàn cầu, 200-250 tỷ USD tiền thuế sẽ được tăng lên mỗi năm từ khoảng 3.000 cá nhân siêu giàu. Nếu bao gồm cả những cá nhân có thu nhập ở mức trung bình cao, tổng số thu thuế có thể tăng thêm 100 - 140 tỷ USD nữa.
Điểm đặc biệt của đề xuất này là không yêu cầu các quốc gia phải ký kết một hiệp ước đa phương chính thức. Thay vào đó, mỗi quốc gia có thể tự điều chỉnh và triển khai trong khuôn khổ luật pháp nội địa. Việc áp dụng có thể linh hoạt dưới nhiều hình thức, như: thuế tài sản trực tiếp, thuế thu nhập mở rộng (bao gồm cả thu nhập chưa hiện thực hóa), hoặc các mô hình thuế dựa trên ước tính tài sản. Chính sự linh hoạt này được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho nhiều quốc gia tham gia hơn, đồng thời đảm bảo tôn trọng chủ quyền tài khóa của mỗi nước.
Dự kiến, nội dung đánh thuế tài sản toàn cầu sẽ tiếp tục là trọng tâm đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu COP do Brazil đăng cai vào năm 2025.
Ngân Giang