Hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu sẽ phải chịu thuế
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Quyết định có hiệu lực từ ngày 18/2/2025.
Từ ngày 18/2/2025, các loại hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Hàng hóa dưới 1 triệu từ nước ngoài vào Việt Nam sẽ phải chịu thuế đảm bảo sự cạnh tranh công bằng.
Theo ước tính, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử. Về thủ tục hải quan, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tiếp tục được triển khai, góp phần đơn giản hóa thủ tục và giảm tình trạng ùn tắc với hàng hóa tại cổng cảng, kho, bãi.
Hiện trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS).
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, quy định miễn thuế các hàng nhập khẩu giá trị nhỏ ở Việt Nam là xuất phát từ yêu cầu phải thực hiện theo Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (Công ước Kyoto) năm 1973 mà Việt Nam ký kết đồng ý tham gia. Trong công ước này có quy định hàng hóa giá trị nhỏ tối thiểu sẽ không thu thuế hải quan và các thuế khác.
"Việc này có ý nghĩa làm đơn giản hóa thủ tục, giúp cho thủ tục thông quan nhanh chóng, thuận tiện. Giai đoạn trước đây, việc kê khai thủ công mất thời gian. Tuy nhiên, hiện nay, việc này thực hiện rất đơn giản bởi áp dụng công nghệ không ảnh hưởng đến thời gian thông quan. Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định này, vậy chúng ta giữ làm gì, cần phải bỏ đi", PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Thực tế những năm gần đây, lượng thu thuế thương mại điện tử tăng lên một cách vượt bậc. Đặc biệt, những "ông lớn" lượng nộp thuế từ chỗ rất nhỏ đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, có thể thấy, doanh thu của những doanh nghiệp này trên thị trường Việt Nam là rất lớn nhưng lượng thuế họ nộp thực sự chưa tương xứng. Vì vậy, cần có giải pháp đồng bộ giữa các cơ quan khi có hàng hóa ra - vào quốc gia để thu đúng, thu đủ thuế.
Ngoài việc cần phải quản lý chặt chẽ hơn để xác định rõ doanh thu thực tế của các doanh nghiệp, từ đó kê khai thuế, nộp thuế chuẩn xác, thì một trong những vấn đề gây thất thoát lớn thuế là quy định miễn thuế đối với hàng hóa giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng hiện nay.
Liên minh châu Âu từ tháng 1/2021 đã bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro phải đóng thuế. Hay như nước Anh, 135 bảng Anh trước đây không phải đóng thuế, bây giờ phải đóng thuế. Thái Lan cũng đánh thuế đồng bộ tất cả hàng hóa ra - vào quốc gia mà đều phải chịu thuế suất 7%.
Cạnh tranh sòng phẳng để bảo hộ hàng sản xuất trong nước
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, riêng hàng hóa nhỏ chuyển qua biên giới dưới hình thức bưu kiện, linh kiện đang miễn thuế dưới 1 triệu là rất lớn. Thống kê từ tháng 1 - 6/2024, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn. Con số thất thoát rất lớn.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, phải xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử. Vì kho không chỉ phục vụ cho cơ quan thuế để thu đúng, thu đủ, mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như việc bảo vệ an sinh xã hội. Đây là việc làm cần thiết và cấp bách.
Đồng thời, cần ứng dụng công nghệ mới và công nghệ số để quản lý hoạt động thương mại điện tử. Tuyên truyền quy định pháp luật để người kinh doanh chủ động nộp thuế đúng, đủ cho nhà nước. Trên cơ sở như vậy, kể cả các chủ thể không có thể nhân ở Việt Nam nhưng người Việt Nam tiêu dùng hàng hóa của họ vẫn có đòi hỏi, buộc họ phải nộp thuế cho Chính phủ Việt Nam là một điều mỗi người dân cần phát huy điều đó.
Theo chuyên gia, cách nay 15 năm khi Chính phủ ban hành Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg để phù hợp quy định quốc tế cũng như thương mại điện tử chưa phát triển, hàng hóa nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh không nhiều. Đồng thời, việc hiện đại hóa ngành hải quan, thuế chưa mạnh nên chi phí tổ chức thực hiện (hành thu) để kiểm tra, thu thuế hàng giá trị nhỏ sẽ lớn.
Tuy nhiên, hiện nay hàng hóa ngày càng rẻ. Với mức 1 triệu đồng, nhiều người mua được nhiều sản phẩm khác nhau. Cùng với xu hướng thương mại điện tử phát triển mạnh, vận chuyển nhanh, quy định này lại bị nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng. Điều đó khiến Nhà nước bị thất thu thuế trong khi hàng hóa trong nước "lép vế" ngay trên sân nhà. Hơn nữa, đến nay việc kê khai hàng hóa xuất nhập khẩu của cá nhân hay doanh nghiệp, làm thủ tục hải quan và thuế đều được triển khai qua mạng, không mất nhiều thời gian. Vì vậy, chi phí tổ chức hành thu đối với tất cả hàng hóa nói chung hay hàng giá trị nhỏ không lớn như trước đây.
Việc miễn thuế các hàng nhập khẩu giá trị nhỏ ở Việt Nam xuất phát từ yêu cầu phải thực hiện theo Công ước quốc tế về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan (Công ước Kyoto) năm 1973 mà Việt Nam ký kết đồng ý tham gia. Trong công ước này có quy định hàng hóa giá trị nhỏ tối thiểu sẽ không thu thuế hải quan và các thuế khác.
Sau đó, mặc dù Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 và các Luật thuế sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng không đề cập, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13 không quy định về nội dung miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng, nhưng Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế lại quy định vấn đề này.
Tô Hội