Danh tiếng Phạm Thoại không thể sống bằng sự mập mờ

Danh tiếng Phạm Thoại không thể sống bằng sự mập mờ
2 ngày trướcBài gốc
Phạm Thoại im lặng. Một sự im lặng kỳ lạ và kéo dài, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh ồn ào, xốc nổi, thậm chí lắm lúc có phần phô trương mà công chúng từng quen biết ở một TikToker triệu lượt theo dõi. Từ một người nổi tiếng với những clip livestream cười ra nước mắt, Phạm Thoại giờ đây lại khiến xã hội... cạn sạch nước mắt vì nghi ngờ, giận dữ và thất vọng. Vụ quyên góp hơn 16 tỷ đồng cho bé Bắp – một bé gái 4 tuổi mắc ung thư máu, từ hành động thiện chí, giờ thành một cơn địa chấn truyền thông mà trung tâm của nó là hai cái tên: Phạm Thoại và mẹ bé Bắp - chị Lê Thị Thu Hòa.
Phạm Thoại không thể im lặng mãi. Từ thiện không miễn trừ trách nhiệm. Khi lòng tốt bị lạm dụng, hậu quả là niềm tin đổ vỡ.
Cần phải nói rõ: Người dân Việt Nam chưa bao giờ ngừng tin vào lòng tốt. Chính vì tin mà họ chuyển tiền, san sẻ từng trăm ngàn bạc lẻ cho những trường hợp khốn khó mà mình chẳng quen. Nhưng chính vì thế, niềm tin ấy – một khi bị xâm hại – lại càng đau đớn và khó tha thứ. Phạm Thoại đã kêu gọi cộng đồng giúp đỡ bé Bắp, đứng tên tài khoản nhận tiền, đại diện truyền thông. Nhưng khi cơn bão dư luận nổi lên, thứ công chúng thấy chỉ là một buổi livestream đọc số tài khoản, một bản sao kê sơ sài, rồi sau đó là một… khoảng lặng đến khó hiểu. Không một lời giải thích cụ thể, không một bước tiếp theo để thuyết phục, càng không có sự làm việc minh bạch với cơ quan chức năng. Và càng đáng nói hơn: Sự im lặng ấy lan sang cả người mẹ – người đang giữ quyền sử dụng phần lớn số tiền từ cộng đồng.
Chị Lê Thị Thu Hòa hiện vẫn đang cùng bé Bắp ở Singapore. Dù biết đó là hành trình chữa bệnh đầy gian nan và cảm xúc, nhưng không thể vì thế mà quên trách nhiệm trước hàng vạn người đã góp tiền. Một bài đăng cảm ơn không thể thay thế cho bản sao kê ngân hàng. Một lời “tôi không rành công nghệ” không thể thay thế cho trách nhiệm minh bạch tài chính. Không ai ép chị phải báo cáo như một tổ chức nhà nước, nhưng với tư cách là người thụ hưởng tiền từ công chúng, chị có nghĩa vụ phải đối diện và làm rõ. Việc chị âm thầm gỡ bỏ số tài khoản khỏi trang cá nhân, không đưa ra bất kỳ lịch trình nào về minh bạch tài chính, không phối hợp cùng Phạm Thoại để làm rõ thông tin, khiến toàn bộ vụ việc rơi vào trạng thái mập mờ nguy hiểm.
Dưới góc độ pháp lý, câu chuyện từ thiện không thể chỉ nhìn dưới lăng kính đạo đức xã hội. Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 93/2021/NĐ-CP, cá nhân kêu gọi đóng góp tự nguyện có nghĩa vụ công khai, minh bạch kết quả tiếp nhận và sử dụng tiền, tài sản đóng góp. Việc không công khai, không sao kê đầy đủ, né tránh báo cáo có thể bị xem xét là hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua lạm dụng tín nhiệm, theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), nếu có dấu hiệu gian dối.
Đặc biệt, trong bối cảnh số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng và có hàng vạn người tham gia đóng góp, việc không công bố rõ ràng quá trình sử dụng, phân phối, chuyển tiếp tài khoản… có thể đặt người kêu gọi vào vùng rủi ro pháp lý rất lớn. Khi đã đứng ra nhận tiền của cộng đồng – dù là danh nghĩa “giúp người” – thì trách nhiệm phải gắn liền với quyền lợi, không thể nửa vời hay tùy hứng.
Từ thiện không miễn trừ trách nhiệm. Danh xưng “thiện nguyện” không phải là lá chắn để né tránh công khai tài chính. Trong xã hội hiện đại, minh bạch là yêu cầu tối thiểu với bất kỳ ai đứng ra nhận tiền quyên góp, bất kể người đó là nghệ sĩ, doanh nhân hay TikToker. Cộng đồng không thể bị xem là… chiếc máy ATM vô điều kiện cho bất kỳ chiến dịch cảm xúc nào. Mỗi đồng tiền là mồ hôi, là tin tưởng, là cả khát khao được sẻ chia đúng chỗ. Không ai có quyền lạm dụng nó – kể cả nhân danh lòng tốt.
Hệ lụy của vụ việc lần này là quá rõ. Hình ảnh Phạm Thoại trong mắt công chúng đã không còn là “chiến thần livestream” nữa. Các nhãn hàng bắt đầu né tránh. Người theo dõi thẳng tay bỏ kênh. Những dòng bình luận từng tung hô giờ hoài nghi, chỉ trích. Từ một biểu tượng viral, Phạm Thoại có nguy cơ trở thành điển hình… cho bài học về thiếu minh bạch và khinh suất trách nhiệm cộng đồng. Sự nghiệp đang tuột dốc, không vì khán giả ác nghiệt, mà vì chính sự im lặng, nửa vời của người trong cuộc.
Sự thật thì không thể im lặng. Sự minh bạch thì không thể trì hoãn. Nếu Phạm Thoại thực sự không làm gì sai, nếu chị Lê Thị Thu Hòa thực sự trân trọng đồng tiền người dân gửi cho con mình – thì cách tốt nhất để bảo vệ mình, bảo vệ niềm tin xã hội, là công khai toàn bộ tài chính. Không mập mờ, không úp mở, không vòng vo. Chỉ có minh bạch mới cứu được danh dự. Chỉ có sự thẳng thắn mới vá lại được lòng tin đã rách.
Hãy dũng cảm đối diện. Bởi đôi khi, điều tử tế nhất không phải là kêu gọi từ thiện, mà là biết chịu trách nhiệm với lòng tốt của người khác.
Đại Anh
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/danh-tieng-pham-thoai-khong-the-song-bang-su-map-mo-380829.html