Những ngôi nhà gỗ sơn màu rực rỡ tạo nên bản sắc riêng cho phố cổ Odunpazari. Ảnh: Thanh Thu
Tên gọi “Odunpazari” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là “chợ gỗ”, gợi nhắc về thời kỳ nơi đây từng là trung tâm giao thương gỗ sầm uất. Ngày nay, Odunpazari là một trong hai quận trung tâm của thành phố Eskişehir, đô thị lớn của vùng Trung Anatolia.
Một góc phố lát đá, với ban công gỗ truyền thống nhô ra – hình ảnh quen thuộc của di sản đô thị Anatolia thế kỷ 18. Ảnh: Thanh Thu
Trung tâm lịch sử Odunpazari được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới tạm thời từ năm 2012, với giá trị nổi bật về quy hoạch đô thị và kiến trúc truyền thống thời Ottoman. Nhiều con phố lát đá uốn lượn, những ngôi nhà gỗ màu sắc rực rỡ với ban công gỗ nhô ra, phản ánh đặc trưng của kiến trúc dân gian Anatolia thế kỷ 18 - 19.
Odunpazari sở hữu hệ thống bảo tàng phong phú, trong đó nổi bật là Odunpazari Modern Museum (OMM) - trung tâm nghệ thuật đương đại quy mô lớn do kiến trúc sư Nhật Bản Kengo Kuma thiết kế, khai trương năm 2019.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Odunpazari. Ảnh: Thanh Thu
Ngoài ra, còn có Bảo tàng Nghệ thuật Thủy tinh Đương đại trưng bày các tác phẩm điêu khắc thủy tinh của nghệ sĩ trong và ngoài nước; Bảo tàng Sáp Yılmaz Büyükerşen với hàng trăm tượng sáp mô phỏng danh nhân, chính trị gia, nghệ sĩ; và Bảo tàng máy đánh chữ Tayfun Talipoğlu, nơi lưu giữ bộ sưu tập máy đánh chữ cổ do nhà báo nổi tiếng cùng tên sưu tầm....
Một góc phố cổ Odunpazari. Ảnh: Thanh Thu
Những công trình tôn giáo cổ kính như nhà thờ Hồi giáo Alaeddin (thế kỷ 13, thời Seljuk) hay tổ hợp kiến trúc Kurşunlu Külliyesi (thế kỷ 16, thời Ottoman) tạo nên chiều sâu tín ngưỡng cho khu vực. Sự kết hợp giữa di sản kiến trúc và không gian tâm linh khiến Odunpazari trở thành một bảo tàng sống giữa lòng đô thị hiện đại.
Những chú mèo hoang bên thềm nhà - hình ảnh quen thuộc, gợi cảm giác thanh bình nơi phố cổ. Ảnh: Thanh Thu
Một nét đặc trưng đáng yêu của Odunpazari, cũng là hình ảnh quen thuộc khắp Thổ Nhĩ Kỳ là sự hiện diện của những chú mèo hoang. Người dân địa phương thường xuyên chăm sóc, cho ăn và làm chỗ trú ẩn cho chúng như một phần của đời sống cộng đồng.
“Mắt quỷ” nazar boncuğu xuất hiện khắp nơi – từ tiệm lưu niệm đến cánh cửa gỗ, biểu tượng văn hóa mang đậm niềm tin dân gian Anatolia. Ảnh: Thanh Thu
Biểu tượng “mắt quỷ” (nazar boncuğu) cũng xuất hiện khắp các cửa tiệm, tường nhà và quà lưu niệm. Đây là bùa hộ mệnh truyền thống, được tin là giúp xua đuổi vận rủi và ánh mắt ghen tỵ, một niềm tin lâu đời trong văn hóa dân gian Anatolia.
Odunpazari không chỉ là khu bảo tồn lịch sử, mà còn là trung tâm sáng tạo với nhiều không gian nghệ thuật ấn tượng. Ảnh: Thanh Thu
Ngày nay, Odunpazari không chỉ là khu bảo tồn lịch sử, mà còn là trung tâm sáng tạo với nhiều không gian nghệ thuật, viện nghiên cứu, các hoạt động văn hóa cộng đồng thường xuyên được tổ chức và mở cửa miễn phí cho công chúng. Trong sự giao thoa giữa cổ kính và hiện đại, khu phố trở thành điểm dừng chân hấp dẫn qua đối với những ai yêu lịch sử, nghệ thuật và đời sống văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ.
Thanh Thu