Sau 2 ngày chiếu hạn chế và 3 ngày công chiếu toàn quốc, “Địa đạo: Mặt Trời trong bóng tối” đã thu gần hơn 60 tỷ đồng tiền vé (theo thống kê từ Box Office Vietnam). Phim hướng đến dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, được xếp suất chiếu lớn nhất tại các cụm rạp, chiếm trung bình 52-60% số suất.
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là phim điện ảnh chiến tranh Việt Nam đầu tiên do tư nhân đầu tư kinh phí, không sử dụng ngân sách Nhà nước. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực hiện, kiêm đồng sản xuất và viết kịch bản, mang theo những đặc trưng trong cách làm phim của ông: Xoáy vào hiện thực, tâm lý nhân vật thông qua nhiều yếu tố, trong đó có cả “cảnh nóng.”
Để hiểu thêm về bộ phim cũng như các dụng ý và thông điệp, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus gửi đến những chia sẻ, quan điểm của đạo diễn đối với tác phẩm điện ảnh chiến tranh đầu tiên về Củ Chi - vùng đất thép anh hùng.
Câu chuyện khiến đạo diễn “điên lên”
- Đã 11 năm kể từ khi anh lên ý tưởng, xây dựng kịch bản cho “Địa đạo: Mặt Trời trong bóng tối” đến nay mới hoàn thiện. Điều gì khiến anh kiên trì với một dự án về đề tài lịch sử - dòng phim vốn dễ vấp phải các phản ứng, mà trên thực tế từng vấp phải những phản ứng trái chiều từ khán giả lẫn giới chuyên môn trong quá khứ?
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Bởi vì tôi thấy câu chuyện này hay và đáng giá. Có trường hợp một đạo diễn viết kịch bản, nhưng để lâu không dựng sẽ mất hứng, một phần là bởi câu chuyện đó không đủ mạnh. Nếu câu chuyện không làm đạo diễn phát điên lên, thì đừng hy vọng làm cho người khác cũng điên lên vì nó. Những câu chuyện trong địa đạo Củ Chi thực sự rất đặc biệt. Ở đó tôi thấy tinh thần của người Việt Nam rất rõ nét, giống như một món rượu để càng lâu càng ngon.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Tôi bắt đầu viết kịch bản năm 2014, viết rất nhanh và tập trung. Sau đó tôi tiếp tục chỉnh sửa và nhờ một nhà văn miền Nam - chị Nguyễn Thị Minh Ngọc - chỉnh thoại cho ra chất Nam Bộ. Đến 2016 thì kịch bản hoàn thiện, tôi tìm cách làm phim. Sau bao nhiêu năm vẫn chưa thực hiện được nên tôi chuyển qua làm “Tro tàn rực rỡ” (ra mắt 2022) nhưng “Địa đạo” vẫn ở đấy và vẫn nguyên vẹn sự hào hứng, thậm chí còn nhiều hơn.
Hồi đó tôi đi tìm các quỹ đầu tư cả trong và ngoài nước. Người giúp tôi chuyển kịch bản sang tiếng Anh nói: ‘Em chưa đọc kịch bản nào về chiến tranh và hấp dẫn như thế.’ Có một người bạn khác - một nhà biên kịch Hollywood sau khi đọc kịch bản cũng cũng gửi cho tôi một email rất dài, nhận xét đây là một câu chuyện xuất sắc, sẽ trở thành một bộ phim rất hay.
Chính anh cũng là người tìm cho tôi một công ty của Úc về sản xuất phim. Các nhà đầu tư ấy tin vào câu chuyện chiến tranh không giống ai cả, về người Việt Nam đặc biệt như thế. Tôi đã làm việc với họ trong khoảng 2 năm và đã nghĩ sẽ làm phim ở nước ngoài. Sau đó vì COVID-19 mà chúng tôi phải dừng lại hết.
Nhưng chính những chia sẻ như thế làm tôi càng tin tưởng vào câu chuyện của mình. Tôi biết nó không còn là góc nhìn chủ quan của mình nữa, mà đã được thứ kiểm nghiệm khách quan, nên sớm hay muộn gì mình cũng sẽ làm, chỉ là làm ở đâu hay như thế nào thôi.
Đến năm 2022 tôi quyết tái khởi khởi động dự án vì nghĩ phim cần 2-3 năm để làm, kịp dịp kỷ niệm năm nay. Tôi biết chừng nào chưa làm, tôi còn nợ các cô chú du kích, những người anh hùng đã hy sinh.
- Khi kể câu chuyện lịch sử và khắc họa về cái chết, anh có lo ngại gặp phản ứng trái chiều về sự bi quan, tiêu cực không?
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi có một người bạn Việt Nam là công dân Áo, làm trong ngành ngoại giao ở châu Âu. Anh từng dẫn một đoàn đại biểu quốc tế đi Củ Chi. Khi trở về, họ kể họ nhớ mãi về những trưng bày, các loại bẫy, không khí ngột ngạt không thở nổi trong địa đạo. Họ còn kể về hai khách du lịch Mỹ ôm nhau ngồi khóc, đó là hai quân nhân từng chiến đấu ở Củ Chi và có thể mường tượng ra cuộc chiến đấu ở đó kinh khủng thế nào.
Bình thường quân dịch của Mỹ kéo dài ít nhất 1 năm, nhưng “lính chuột cống” chỉ đi 3 tháng đã được về, cho thấy mức độ căng thẳng và nguy hiểm trong nhiệm vụ dưới địa đạo của họ.
Có người khách quốc tế từng hỏi: ‘Tôi không hiểu tại sao xem phim chiến tranh của các bạn giống như niềm vui thế, chẳng khổ sở gì cả?’ Chiến tranh khủng khiếp lắm chứ! Tôi giải thích thời đó chúng tôi cần làm vậy để khích lệ tinh thần người lính.
Nhưng giờ hòa bình rồi, chúng ta cần nhìn lại nó một cách rõ ràng để thấy những gì cha ông ta đã trải qua. Chiến tranh không phải là một cuộc chơi, cũng không phải là một thứ để chúng ta đi phấn khởi lên đường. Chúng ta cần nhìn thấy nó thực sự thảm khốc như thế nào để có thể thấu hiểu được hy sinh của những người đi trước. Một trong những nhà đầu tư của phim, anh Nguyễn Thành Nam, lần nào nhắc đến chuyện này cũng muốn khóc.
Một trong các nhà đầu tư - ông Nguyễn Thành Nam nói lý do bỏ tiền làm phim trong buổi họp báo tại Hà Nội. (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)
- Để xây dựng tình huống về đội quân báo trong phim, anh có lấy cảm hứng dựa trên câu chuyện có thật nào không, chẳng hạn như từ Đại tá Tư Cang?
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Đó là bối cảnh thông thường trong giai đoạn này tại Củ Chi. Chính đường dây tình báo H63 có điệp viên Phạm Xuân Ẩn, do Đại tá Tư Cang (Đại tá tình báo Tư Cang - Nguyễn Văn Tàu) dẫn đầu, từ 1962-1971, cũng từng sống dưới tại địa đạo.
Ông Tư Cang từng nhiều lần đi lại giữa Củ Chi và Sài Gòn. Dù chủ yếu ở Sài Gòn nhưng ông cũng có không ít thời gian phải đến Củ Chi. Có khi chính nhóm tình báo phải tự đào địa đạo để ở. Đội của ông từng phải tự đào khoảng 200m để ở lại làm nhiệm vụ, và cũng chính trong đường hầm đó, họ từng giết 3 lính Mỹ.
Phân đoạn Bảy Theo (Thái Hòa, phải) nhận nhiệm vụ tình báo từ cấp trên. (Ảnh từ phim)
Song song với Đại tá tình báo Tư Cang, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã tham khảo nhiều nhân chứng lịch sử từng chiến đấu tại Củ Chi, nổi bật có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực - Cỗ máy phá tăng, chuyên sửa về tự chế quân khí cho quân du kích, trong đó có mìn gạt phá xe tăng địch. Ông là nguyên mẫu cho nhân vật Tư Đạp trong phim.
Kinh phí khủng nhưng không áp lực doanh thu?
- Bộ phim gây chú ý và tranh cãi về “cảnh nóng” giữa những người lính du kích trẻ tuổi. Với anh, những tình tiết đó có mục đích gì và tác động thế nào đến bộ phim?
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Những chuyện đó mang một cảm giác chung về sức sống của con người khi ở cận kề cái chết. Sự sống khi đó rất đặc biệt, bởi họ ham sống kinh khủng.
Chính ông Tư Cang đã kể cho tôi. Đội quân báo của ông từng ẩn náu trong một căn cứ giống Bình An Đông trong phim, ở xã Phú Hòa Đông, Củ Chi. Trên mặt đất khi đó các miệng địa đạo đã bị lính Mỹ bật lên gần hết và chặn phía trên. Ở dưới địa đạo vẫn còn 200 con người mà không còn một cửa nào để thoát. Sau 1-2 ngày, họ thì quyết định phải đào để đi ra nhánh địa đạo xa nhất, gần bờ sông rồi mới bắt đầu đào lên để đêm chui ra và thoát thân.
Việc đào mất rất nhiều thời gian. Ban đầu ông kể khi đó tất cả đều nghĩ ‘Kỳ này chết rồi.’ Ông bắt đầu bắt gặp các đôi ôm nhau, âu yếm nhau. Ông còn dí dỏm trêu ‘Tao mà ra khỏi chỗ này thì chúng bây chết với tao,’ ý là báo cáo lên cấp trên kỷ luật, vì chuyện hủ hóa trong thời chiến bị nhìn nhận rất kinh khủng.
Đại tá tình báo Tư Cang - nguyên cụm trưởng cụm tình báo quân sự H63 trong buổi họp báo phim tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đoàn phim cung cấp)
Cảnh của nhân vật Út Khờ với người thanh niên giấu mặt, trong phim khi đó Mỹ đang tấn công giai đoạn 2, có cả máy bay B52 trên đầu, chúng rải thảm và đánh đúng mục tiêu rất rõ ràng. Không ai nghĩ mình có thể sống cả. Đó là lý do vì sao tôi để cô này khi biết tin mình mang thai lại bắt đầu ngồi hát. Một người phụ nữ mang thai trong tình huống ở địa đạo thì chỉ có chết thôi. Tôi nghĩ về tâm lý thông thường, cô ấy khi đã biết chuyện đó thì nghĩ chết đi còn nhẹ nhàng hơn, đó là con đường để cô ấy giải thoát.
Nhân vật Ba Hương cũng rất thương người yêu mình. Có những người thắc mắc sức lực của một cô gái sao đâm nổi tên lính Mỹ như trong phim. Tôi nghĩ trong giờ phút ấy Ba Hương đâm cả 3 tên lính Mỹ còn được. Bạn nhớ câu chuyện về bà Ngô Thị Tuyển chỉ hơn 40kg mà vẫn vác hòm đạn nặng gần 100kg không? Đó là sức mạnh từ ý chí và tinh thần. Tôi nghĩ những người ở Củ Chi vẫn còn tồn tại là nhờ ý chí, tinh thần bằng thép và sức sống thực sự mãnh liệt như vậy.
- Phim này được làm hoàn toàn từ nguồn vốn tư nhân. Một số nguồn cho biết tổng kinh phí có đạt tới con số 55 tỷ đồng. Anh có thấy áp lực về doanh thu không?
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Hiện chúng tôi chưa có con số chính thức, nhưng vì phát sinh nên có thể cao hơn nhiều. May là tôi gặp được những nhà đầu tư như anh Nam, anh Hà, chị Hoa và nhiều người nữa - những nhà đầu tư không đặt nặng chuyện phải phải thu hồi vốn vì mọi người cũng hiểu rằng đây là bộ phim chưa từng có tiền lệ.
Và nhà đầu tư không lo thì tôi cũng không tự đem áp lực cho chính mình, vì công việc sản xuất phim cũng đã rất vất vả rồi, không còn tâm trí nào để mình lo cho việc đấy nữa.
Nhưng không phải tôi không nghĩ về khán giả. Tôi vẫn luôn tin rằng bộ phim này còn có những yếu tố rất hấp dẫn về thị giác, cảnh hành động và thính giác. Nếu nhìn một góc độ nào đấy thì nó giống như phim thảm họa, trong đó con người phải sinh tồn. Việc quân đội Mỹ đổ bộ, rải bom đạn chính là một thảm họa. Người xem cảm thấy ngạt thở, lo lắng, hồi hộp, giống như cái thú khi xem phim kinh dị, phim sinh tồn vậy…
"Địa đạo" không chỉ có những pha cháy nổ tấn công trên mặt đất, mà còn cả đánh giáp lá cà, đối đầu trực tiếp giữa "lính chuột cống" của Mỹ và du kích Việt Nam. (Ảnh minh họa từ phim)
Đó là chủ ý của tôi, bởi những người du kích này không có cơ sở gì để đánh nhau với người Mỹ cả. Những cô cậu du kích bắn toàn trượt vì không có kinh nghiệm, làm sao mà đấu được được một đội chuyên nghiệp về kỹ năng chiến đấu và khí tài như thế.
Bác Hồ từng nói là “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào,” nghĩa là mình đâu thể thắng được, chỉ đánh để bẻ gãy ý chí xâm lược cho chúng tự về nước. Chúng ta đã phải xác định rất rõ mục tiêu của mình thì mới thắng được, và Củ Chi cũng nằm trong chiến lược như vậy.
Địa đạo Củ Chi là một trong những căn cứ chiến lược quan trọng trong chiến tranh tại Việt Nam, cao trào là giai đoạn từ 1961 trở đi. Nổi bật với hệ thống địa đạo dài khoảng 250km, đây là nơi trú ẩn, tổ chức tấn công và cung cấp hậu cần cho quân Giải phóng.
Nơi đây không chỉ giúp quân dân miền Nam tránh bom đạn Mỹ, là biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất trước các đợt tấn công bắn phá ác liệt, mà còn đóng quan trọng trong các chiến dịch tấn công, phục kích và góp phần lớn vào thắng lợi của cả cuộc kháng chiến.
(Vietnam+)