Đạo diễn Nguyễn Phương Điền trên phim trường Mẹ biển
Để phim chạm đến đời
PHÓNG VIÊN: Đề tài những phận đời khó khăn tiếp tục được anh khai thác trong Mẹ biển. Bộ phim này có gì khác so với các tác phẩm trước đó?
Đạo diễn NGUYỄN PHƯƠNG ĐIỀN: Tuy đã có kinh nghiệm trong cách triển khai kịch bản và dàn dựng bối cảnh, nhưng khi nhìn lại hành trình thực hiện Mẹ biển, tôi thấy mình dũng cảm hơn trước nhiều. Để tái hiện chân thực khung cảnh ngôi làng chài, tôi dựng mới hoàn toàn những ngôi nhà trong phim. Một thử thách khác là các phân cảnh ngư dân chống chọi với cơn bão trên biển, việc ứng dụng kỹ xảo dựng phim sao cho hợp lý cũng là điều khiến tôi trăn trở. Tuy nhiên, tôi nhận ra mình đã làm được những thứ mà nhiều người cho rằng phim truyền hình không làm được.
Trong quá trình thực hiện đại cảnh cơn bão giữa biển - một trong những cảnh phim ấn tượng nhất của Mẹ biển, anh gặp những khó khăn nào?
Đó là cảnh ấn tượng nhất nhưng cũng khó khăn nhất. Khó khăn trước hết là đoàn phim không có đủ điều kiện. Thay vì sử dụng một phim trường rộng lớn, một hệ thống ròng rọc câu tàu lên và kết hợp bàn nâng cho diễn viên thực hiện các cảnh té ngã do tàu chao đảo, chúng tôi làm bằng một phương thức thủ công nhất: mang tàu ra biển! Giữa biển khơi, chúng tôi gắn xung quanh tàu hàng chục thiết bị quay phim, rồi liên tục đổ vào tàu 7 khối nước. Mất đến ròng rã 16 giờ để thực hiện cảnh quay này và điều khó nhất là do quay ngoài biển nên bắt buộc phải chọn ngày biển lặng để quay nhằm bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, biển lặng mà quay cảnh bão lại tạo thành khó khăn mới. Từng cái nghiêng ngả, cách té, cách đi đứng của diễn viên vì thế đều phải tính toán sao cho hợp lý, chân thật và không trùng lặp, tạo cho khán giả cảm giác tàu đang chao đảo trong cơn bão thật sự.
Thông điệp tâm huyết mà anh muốn truyền tải qua Mẹ biển là gì?
Cơn bão càng khủng khiếp, hệ lụy để lại càng nặng nề. Trong bối cảnh phim, dân làng chài đã trải qua nhiều thế hệ, hàng trăm năm mưa thuận gió hòa. Họ cứ nghĩ làm sao có bão ở đây được. Chính tâm thế chủ quan đó là một trong những lý do dẫn đến bi kịch. Khi thấy chớm bão, họ càng muốn ra khơi với hy vọng được mùa tôm cá, bởi biển động sẽ có cá nhiều. Tôi muốn khắc họa các cảnh phim sao cho chân thực nhất để vừa thể hiện sự thấu hiểu đối với những khó khăn trong đời sống ngư dân, vừa phần nào lên tiếng cảnh tỉnh về những hiểm họa khôn lường của thiên nhiên.
Đừng lấy nghề làm công cụ
Vừa tái hiện chân thực cuộc sống, vừa tạo chất riêng, anh có nghĩ đó là những thách thức lớn nhất của phim truyền hình?
Nói đến chất riêng, dễ thấy rằng phim truyền hình hiện nay đang có dấu hiệu bão hòa về đề tài. Nhiều phim xoay quanh một số vấn đề quen thuộc; một lượng lớn phim chuyển thể từ kịch bản nước ngoài, không mang chất Việt Nam nữa. Vì vậy, tôi vẫn luôn nỗ lực để tìm ra chất riêng cho phim của mình, không để nó đi theo lối mòn. Làm phim truyền hình áp lực lớn nhất không phải là yếu tố kinh doanh mà phải làm sao giữ chân được khán giả cho đến cùng.
Anh làm thế nào để xây dựng được tệp khán giả cho riêng mình?
Đối với tôi, nghề đạo diễn là nghề sáng tạo. Vì thế, tôi luôn mong làm được điều gì của riêng tôi, riêng về Việt Nam, như cách tôi từng làm trong Mẹ rơm, Cha rơi và hiện tại là Mẹ biển. Tôi dần nhận ra rằng, mình cũng có thể làm được điều gì đó cho riêng mình. Văn hóa và lối sống của người dân Việt Nam không thiếu tiềm năng để phát triển thành kịch bản hay. Những cuộc sống yên bình, những con người bình dị, những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ..., tất cả đều rất thu hút nếu được khai thác trong phim truyền hình. Tôi cũng mạnh dạn nói rằng, kịch bản Việt Nam không hề kém cạnh kịch bản chuyển thể, miễn là được thực hiện đúng cách.
Vậy theo anh, đâu là yếu tố làm nên của một đạo diễn giỏi?
Tôi tâm niệm, tên mình luôn gắn liền với tác phẩm, nên tôi đặt hết tâm huyết và không cho phép mình cẩu thả. Mọi khó khăn xảy đến, tôi nghĩ đến tên mình trước và buộc mình phải vượt qua, vì đó là danh dự, là cái tôi nghệ thuật của mình. Khi chọn kịch bản, tôi hiểu khán giả và ưu tiên yếu tố nhân văn, có chiều sâu và gần gũi với người xem, thay vì chú trọng vào các tình tiết gay cấn. Tôi muốn câu chuyện mình kể phải lắng đọng và giúp khán giả phần nào nhìn thấy cuộc đời họ trong đó. Vì thế, tôi vẫn hay tự nhủ và dặn dò các học trò của mình, hãy luôn hết lòng với nghề, đừng chi ly chuyện lời lãi. Quan trọng là lý do mình đến với tác phẩm và những điều mình đặt vào tác phẩm mà thôi.
Anh định nghĩa thành công của mình bằng chính những cảm xúc để lại trong lòng khán giả?
Điều khiến tôi đau đầu nhất là làm sao để phim tiếp cận các bạn trẻ mà vẫn giữ được giá trị cốt lõi. Tôi luôn đặt câu hỏi cho chính mình và nỗ lực đi tìm lời giải đáp. Không phải chỉ cần tạo trend (trào lưu, xu hướng) và đi theo xu hướng. Điều thực sự quan trọng đối với tôi là làm sao để giữ chân được khán giả, để giá trị nhân văn của tác phẩm được lưu lại trong lòng người xem, chứ không chỉ là vài ba phân đoạn hài hước. Tôi sẽ luôn cố gắng để hòa hợp 2 yếu tố có vẻ mâu thuẫn này. Tôi tin sự kiên trì với nghề và những cảm xúc chân thật sẽ chạm đến khán giả ở mọi độ tuổi.
HỒNG ÂN thực hiện