Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ủng hộ phiên bản điện ảnh của “Kính Vạn Hoa”
PV: “Kính Vạn Hoa” phiên bản điện ảnh có nhiều điểm khác biệt so với bản truyền hình cũng như truyện vốn đã rất thành công và nhận được sự yêu mến của khán giả. Anh có lo ngại những thay đổi này có thể khiến người xem phản ứng?
Đạo diễn Võ Thanh Hòa: Khi một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm gốc nhưng đi quá xa hoặc sáng tạo quá mức so với nguyên tác, khán giả thường cảm thấy bị phản bội. Đặc biệt, những người yêu mến tác phẩm gốc sẽ cảm thấy không hài lòng khi bộ phim không còn giữ được tinh thần cốt lõi ban đầu. Vì thế, nguyên tắc mà chúng tôi áp dụng trong dự án này là “80-20”: 80% bám sát câu chuyện gốc và 20% dành cho sự sáng tạo.
Bộ ba Quý - Long - Hạnh phiên bản truyền hình
Cụ thể, chúng tôi đã thay đổi và sáng tạo ở phần câu chuyện về ba nhân vật chính khi trưởng thành. Thay vì phá vỡ hình tượng sâu đậm trong lòng khán giả, nhất là những người yêu mến phiên bản truyền hình, chúng tôi chọn cách kế thừa những gì tinh tế nhất. Ví dụ như bộ ba Quý, Long, Hạnh – chúng tôi đặt câu hỏi: “20 năm sau, những nhân vật này sẽ như thế nào giữa những bộn bề của cuộc sống?”
Một điểm quan trọng trong kịch bản lần này là đưa Hạnh trở lại hành trình, mặc dù trong nguyên tác gốc và phiên bản truyền hình, Hạnh không xuất hiện trong chuyến về quê này. Chúng tôi nhận thấy rằng, nếu thiếu Hạnh, bộ phim sẽ mất đi một phần đặc sắc của “Kính Vạn Hoa”. Do đó, chúng tôi đã xin phép tác giả Nguyễn Nhật Ánh và được đồng ý để thêm Hạnh vào câu chuyện.
Hành trình này sẽ mang đến đủ mọi tình huống thú vị: những cuộc cãi vã, những khoảnh khắc trẻ con đánh nhau rồi lại làm lành, khám phá những điều mới mẻ, và cả những mâu thuẫn vì ích kỷ. Nhưng điều quan trọng nhất mà chúng tôi muốn truyền tải là lòng dũng cảm để nói lời xin lỗi. Nhân vật Quý đã làm được điều đó – dám chạy theo bạn bè để xin lỗi, dù không biết có được chấp nhận hay không. Đây cũng chính là thông điệp về sự chân thành mà bộ phim mong muốn gửi gắm.
Nguyên tắc “80-20” giúp chúng tôi cân bằng giữa việc giữ trọn tinh thần của tác phẩm gốc và mang đến những sáng tạo mới mẻ, phù hợp với điện ảnh, tạo nên một hành trình ý nghĩa và đáng nhớ cho khán giả.
PV: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có ý kiến gì khi anh đưa “Kính Vạn Hoa” lên màn ảnh rộng?
Đạo diễn Võ Thanh Hòa: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nói với tôi: "Văn học là ruộng của anh, điện ảnh là ruộng của em. Ruộng nhà ai thì người đó cày. Anh rất ủng hộ em, nên anh không can thiệp gì, chỉ mong em làm tốt nhất những gì mình có thể”.
PV: Anh nghĩ gì về thách thức khi chuyển thể một tác phẩm gốc thành phim mà vẫn giữ được sự cân bằng giữa sáng tạo và tôn trọng nguyên tác?
Đạo diễn Võ Thanh Hòa: Thật ra, không có bộ phim nào có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Tuy nhiên, việc chuyển thể từ tác phẩm gốc đòi hỏi một tài năng riêng. Những người yêu thích tác phẩm gốc sẽ mang lại cả lợi ích lẫn thách thức, và nhiệm vụ của chúng tôi là cân bằng điều đó.
Lý do tôi muốn thực hiện bộ phim này là vì “Kính Vạn Hoa” là một câu chuyện đẹp về tình bạn. Thực sự, chúng ta chưa có nhiều tác phẩm dành riêng cho lứa tuổi thiếu niên ở Việt Nam.
Ở Nhật Bản, truyện tranh và manga về tuổi thiếu niên rất phổ biến vì chúng định hình nhân cách và thế giới quan của con người từ giai đoạn này. Tuổi thiếu niên là thời điểm học hỏi nhiều nhất, xây dựng nhận thức, chuẩn bị cho tuổi trưởng thành và dậy thì. Thế nhưng, ở Việt Nam, chúng ta lại thiếu những tác phẩm điện ảnh dành riêng cho độ tuổi này. Đây chính là lý do chúng tôi quyết tâm thực hiện bộ phim, dù biết rằng đây là một hướng đi mạo hiểm.
Hầu hết các dòng phim hiện nay tập trung vào các thể loại giật gân, hành động, hoặc kinh dị – phục vụ những đối tượng khán giả khác. Khi phụ huynh đưa con trẻ đi xem phim, lựa chọn thường là các bộ phim hoạt hình, nhưng phần lớn lại là nội dung từ nước ngoài, không mang câu chuyện hay văn hóa của người Việt. Vì vậy, chúng tôi muốn làm một bộ phim phục vụ cho lứa tuổi thiếu niên, đồng thời để khán giả trưởng thành cũng tìm thấy cảm xúc khi xem.
Bộ phim không chỉ dành cho thiếu niên mà còn khơi gợi tuổi thơ cho những người trung niên – những khán giả từng yêu thích “Kính Vạn Hoa” phiên bản ngày xưa. Giữa cuộc sống bộn bề của người lớn, họ có thể tìm lại ký ức và cảm xúc mà bộ truyện đã mang lại, như một cách để kết nối lại với chính mình.
“Kính Vạn Hoa” là một bộ phim tươi trẻ, giàu màu sắc, và mang lại cảm giác chân thành, tươi đẹp. Chúng tôi hy vọng rằng, bộ phim sẽ được khán giả đón nhận và lan tỏa những giá trị tích cực đó đến mọi người.
Phim doanh thu cao không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chất lượng tốt
PV: Anh thành công với thể loại hài, sau đó làm phim kinh dị, rồi bây giờ là phim thiếu nhi. Điều gì khiến anh quyết định bước ra khỏi vùng an toàn để thực hiện một bộ phim thiếu nhi như “Kính Vạn Hoa”?
Đạo diễn Võ Thanh Hòa: Tôi thường xuyên nhận được lời mời làm phim hài, không chỉ từ kịch bản của chính mình mà còn từ các nhà sản xuất khác. Họ muốn tôi đảm nhận vai trò đạo diễn cho những dự án này. Tuy nhiên, tôi mong muốn tạo dựng một dòng phim hài mang dấu ấn riêng của bản thân, nên tôi quyết định quay về công ty mình và bắt đầu tự sản xuất phim. Dự án đầu tiên chính là “Siêu Lừa Gặp Siêu Lầy”.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa (phải)
Sau thành công đó, tôi chia sẻ với các bạn trong công ty rằng mình muốn thử sức với thể loại phim kinh dị. Phản ứng ban đầu là sự hoài nghi: “Anh điên à? Đang làm phim hài thắng lớn, tại sao lại chuyển qua phim kinh dị?” Thị trường lúc đó chưa có nhiều phim kinh dị thành công, và doanh thu cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 50-60 tỷ đồng. Nhưng tôi tin rằng thể loại này có chỗ đứng rất quan trọng trong nền điện ảnh. Bởi lẽ, nỗi sợ là điều chung của tất cả mọi người, chỉ là chúng ta chưa khai thác đúng cách mà thôi.
Tôi luôn nhắc nhở đội ngũ của mình rằng khi làm phim, không chỉ cần làm tốt hơn hôm qua, mà còn phải biết cách làm khác đi. Thị hiếu của khán giả luôn thay đổi theo thời gian, và người làm phim không thể mãi đứng yên trong một vòng lặp. Khán giả đôi khi muốn cười thoải mái với một bộ phim hài, lúc khác lại tìm kiếm cảm giác hồi hộp với phim kinh dị, hoặc có khi chỉ đơn giản muốn một bộ phim nhẹ nhàng, dễ chịu như “Kính Vạn Hoa”.
Với “Kính Vạn Hoa”, tôi và đội ngũ đã đầu tư rất kỹ lưỡng, từ kịch bản, quay phim, đến thử nghiệm cảm nhận với khán giả. Tôi cho biết mình đã dựng bộ phim không dưới 30 lần và test nhiều lần với các khán giả bình thường. Hầu hết phản hồi đều tích cực, không ai cảm thấy khó chịu hay xa lạ với nội dung.
Việc thực hiện “Kính Vạn Hoa” cũng là một bước ra khỏi vùng an toàn của tôi. Lẽ ra, tôi có thể tiếp tục phát triển các dự án kinh dị hoặc giật gân mà mình đã chuẩn bị từ trước. Nhưng tôi chọn dừng lại, tập trung đầu tư cho một bộ phim thiếu nhi hiếm hoi với sự chỉn chu cao nhất. Đây là bộ phim mà tôi tự hào, không chỉ vì kỹ thuật quay đẹp nhất trong sự nghiệp, mà còn bởi nó mang đầy đủ dư vị cảm xúc – từ hỉ, nộ, ái, ố. Đã có nhiều khán giả rơi nước mắt khi xem phim trong các buổi chiếu.
Thành công với thể loại hài, sau đó làm phim kinh dị, Võ Thanh Hòa muốn bước ra khỏi vùng an toàn khi thực hiện "Kinh Vạn Hoa"
PV: Trước nay, các phim điện ảnh chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh đều đạt mức doanh thu cao, song, sau 1 thời gian ra rạp, “Kính Vạn Hoa” lại không đạt doanh thu như kỳ vọng. Liệu có phải bộ phim thiếu đi những tình tiết drama, kịch tính thu hút khán giả ?
Đạo diễn Võ Thanh Hòa: Thật ra, chúng ta không nên "bắt một con cá phải leo cây". Một bộ phim không thể gói gọn tất cả mọi thứ trong cuộc đời vào trong nó. Mỗi bộ phim đều mang một góc nhìn, một ý nghĩa riêng. Với “Kính Vạn Hoa”, nếu khán giả chờ đợi những yếu tố như drama nặng nề hay kịch tính giật gân, chắc chắn bộ phim sẽ không có những điều đó.
Điều quan trọng nhất là tôi đã tách bạch rất rõ ràng giữa việc làm phim và kinh doanh phim. Về mặt làm phim, chúng tôi đã nỗ lực hết sức để tạo ra một bản phim đầy đủ nhất có thể. Chúng tôi hiểu rằng, nếu cắt gọn phim đi một chút, nhịp phim sẽ nhanh hơn, khán giả sẽ không cảm thấy phim dài, và các rạp cũng dễ dàng sắp xếp suất chiếu hơn. Nhưng điều đó có thể làm mất đi những chi tiết nhỏ nhưng đầy tinh tế – những yếu tố mà chúng tôi muốn giữ lại để truyền tải trọn vẹn ý nghĩa của bộ phim, thay vì chỉ chạy theo nhu cầu thị trường.
Còn về mặt kinh doanh, việc quảng bá phim hiện vẫn chưa thực sự tiếp cận được đúng nhóm khán giả tiềm năng. Chẳng hạn, nhiều phụ huynh không quan tâm đến mạng xã hội hoặc không thường đọc báo có thể chưa biết rằng, rạp đang chiếu một bộ phim phù hợp để dẫn con cái đi xem. Đây là điều mà chúng tôi đang cố gắng cải thiện, nhằm đưa bộ phim đến gần hơn với những người thực sự cần nó.
Đáng mừng là, những khán giả lớn tuổi, từ 40 đến 50 tuổi, khi xem “Kính Vạn Hoa”, đều cảm thấy rất thoải mái và vui vẻ. Nhiều khán giả đã chia sẻ với tôi rằng họ đến rạp với suy nghĩ "xem một bộ phim vui vẻ là đủ". Nhưng khi rời rạp, điều họ nhận được lại nhiều hơn thế. Họ cảm thấy những cảm xúc sâu sắc – từ vui, buồn, đến cả nước mắt. Bộ phim không chỉ mang lại tiếng cười mà còn đánh thức những hồi ức đẹp đẽ trong họ, khiến trải nghiệm trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều.
“Kính Vạn Hoa” là bộ phim thứ 10 mà tôi tham gia sản xuất. Tôi đã sản xuất 8 phim, đạo diễn 2 phim, chưa kể hàng loạt tác phẩm khác mà tôi đảm nhiệm vai trò biên kịch hoặc sáng tạo nội dung. Tuy nhiên, tôi không đếm những con số đó để khoe thành tích, mà quan trọng hơn, tôi hiểu rằng mình cần thử nghiệm rất nhiều để từ từ tạo ra những điểm đặc sắc riêng của bản thân.
Kinh doanh chỉ là một phần, doanh thu cao không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với chất lượng tốt. Điều tôi đặt nặng hơn là làm sao để mỗi năm trôi qua, tôi đều giỏi hơn, có thể thực hiện được những dự án đặc biệt hơn và đóng góp nhiều hơn cho điện ảnh Việt Nam.
“Kính Vạn Hoa” là một cột mốc quan trọng, và tôi hy vọng rằng sau dự án này, mình sẽ tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để làm tốt hơn ở những dự án tiếp theo. Về độ tuổi, tôi vẫn còn khá trẻ trong vai trò đạo diễn. Năm nay tôi mới 35 tuổi, nên còn rất nhiều thời gian phía trước để hoàn thiện bản thân và tiếp tục cố gắng.
PV: Xin cảm ơn anh!
Hà Phương/VOV.VN