Đào đổi đời

Đào đổi đời
một ngày trướcBài gốc
Bỏ mía trồng đào
Năm 1999, gia đình bà Ngô Thị Miến, 70 tuổi, thôn 6, xã Xuân Du nhận thầu hơn 2 ha đất của lâm trường Như Thanh (cũ) để trồng mía. Hơn 10 năm đánh vật với cây mía nhưng thu nhập không đáng kể. Bà Miến nói, có những năm cả sào mía chỉ lời được dăm triệu đồng, không đủ tiền nuôi 5 người con ăn học. Chưa kể, có vụ mía gặp sâu bệnh hoặc rớt giá, coi như hòa vốn.
Năm 2010, gia đình bà quyết định bỏ hẳn mía, chuyển hướng sang trồng đào phai. Dù trồng đào muộn hơn so với người dân địa phương nhưng đến thời điểm hiện tại, gia đình bà Miến (bao gồm cả gia đình 5 người con) sở hữu tổng cộng 5 ha diện tích trồng đào với khoảng 6.000 gốc đào cảnh.
Anh Hồ Nhữ Chiến, 43 tuổi, con trai bà Miến nói, so với trồng mía trước đây, trồng đào vất vả hơn, đòi hỏi kỹ thuật cao hơn.
“Nhiều người cứ nghĩ trồng đào như chơi hoa nhưng thực sự không phải như vậy. Ngoài thời gian, nhân công, phân bón, điều quan trọng hơn cả là kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được qua các mùa vụ. Trong đó, việc theo dõi thời tiết để quyết định tuốt lá vào thời điểm nào để hoa đào nở đúng vào dịp cận Tết Nguyên Đán là khâu then chốt”, anh Chiến chia sẻ.
Anh Hồ Nhữ Chiến bên vườn đào tiền tỷ của gia đình
Từ đầu tháng 12 âm lịch, thương lái đã đến đặt nhiều gốc đào đẹp để kinh doanh. Dù thị trường có nhiều loại đào như: đào kép, đào huyền…nhưng đào phai Xuân Du vẫn là một thương hiệu nổi tiếng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Năm nay, theo anh Chiến, do khu vực trồng đào ở các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng bởi bão Yagi nên đào Xuân Du có cơ hội lớn để chiếm lĩnh thị trường. Chưa kịp thống kê thu nhập nhưng anh Chiến sơ bộ cho biết, nghề trồng đào năm nay mang về cho gia đình khoảng trên 500 triệu đồng.
Sau hơn 10 năm trồng đào theo hướng hàng hóa, cả bà Miên và anh Chiến đều thừa nhận, nếu không có nghề này, cuộc sống không thể thay đổi như bây giờ.
Đổi đời nhờ đào
7 năm trước, đang là công nhân vận hành máy, anh Nguyễn Văn Hiếu (thôn 5, xã Xuân Du) bỏ nghề về quê làm nghề buôn đào. Đi buôn một thời gian, nhận thấy nghề trồng đào ở quê đang phát triển, anh quyết định chuyển sang trồng đào. Anh Hiếu ví von đó là cách vừa sản xuất vừa kinh doanh để thu nhập từ đầu vào đến đầu ra.
Hơn 2ha đất lúa được anh thuê lại của người dân địa phương để khởi nghiệp bằng nghề trồng đào. Khác với đa số các hộ gia đình ở Xuân Du thường trồng đào phai, anh Hiếu tìm hướng đi khác, đó là trồng đào ghép.
“Nhiều năm đi buôn đào, tôi nhận thấy đào ghép mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trồng đào phai tự nhiên. Vì thế, dù đầu tư lớn hơn, rủi ro cao hơn nhưng tôi vẫn quyết định trồng đào ghép”, anh Hiếu kể.
Anh Nguyễn Văn Hiếu đổi đời nhờ trồng đào
Khác với đào phai phải trồng 3 năm trở lên mới cho thu hoạch, đào ghép năm nào cũng cho thu nhập. Ghép đào bông kép với nhiều thế độc đáo, thời gian chơi Tết lâu hơn nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Chỉ tay vào 3 gốc đào cổ thụ đã bật gốc, khô héo nằm ngổn ngang trong vườn, anh Hiếu nói đó chính là “học phí” phải trả khi khởi nghiệp nghề trồng đào ghép vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
Không nản chí, Hiếu đi học khắp nơi, từ những vùng trồng đào nổi tiếng trong tỉnh như: Quảng Chính (Quảng Xương), Hợp Lý (Triệu Sơn) đến những “vựa đào” nổi tiếng tại Sơn La, Điện Biên, Hà Nội. Ngoài kỹ thuật, theo Hiếu, việc nắm bắt nhu cầu thị trường, thị hiếu của khách hàng cũng rất quan trọng để thành công. Năm nay, 600 gốc đào của gia đình anh Hiếu đã được thương lái đặt cọc hết từ đầu tháng 12 âm lịch.
“Năm nay đào được giá. Có những gốc đào cho thu nhập trên 10 triệu. Loại trung bình cũng 2 đến 3 triệu đồng. Dự kiến thu nhập khoảng 900 triệu đồng trừ chi phí”, anh Hiếu thông tin.
Không dừng lại ở đó, mới đây, Hiếu cùng anh em trong gia đình quyết định mở rộng diện tích, hướng tới thu nhập tiền tỷ trong những năm tới.
Thừa nhận, nghề trồng đào đã làm thay đổi cuộc đời mình, anh Hiếu nói, từ một thanh niên đi lang thang khắp nơi nay đây mái đó làm đủ nghề nhưng thu nhập không ổn định, 5 năm trở lại đây, anh đã trở thành một trong những chủ vườn đào ghép lớn nhất, nhì ở địa phương.
Gia đình chủ tịch xã cũng…trồng đào
Nhắc đến nghề trồng đào, ông Hoàng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Du phấn khởi cho biết, đây là thương hiệu lớn nhất của địa phương.
“Trước đây, cây đào chỉ được người dân trồng để chơi Tết. Khoảng từ năm 2002, một số hộ gia đình đầu tiên bắt đầu trồng đào theo hướng hàng hóa nhưng quy mô nhỏ lẻ. Lúc đó đời sống của bà con rất nghèo vì chỉ trông chờ vào cây lúa và rau màu. Tuy nhiên, khoảng năm 2010 đến nay, nghề trồng đào phát triển mạnh. Đến nay toàn xã có 280 ha diện tích trồng đào.”, ông Sơn thông tin.
Đào kép Xuân Du đang dần chiếm lĩnh thị trường
Theo vị Chủ tịch xã Xuân Du, yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp chỉ là điều kiện cần. Vấn đề là từ chỗ chỉ vài trăm hộ ban đầu, sau hơn chục năm, xã Xuân Du đã có tới 1.200 hộ gia đình trên tổng số 1.700 hộ trồng đào thì là cả một quá trình nỗ lực bền bỉ của người dân và chính quyền địa phương. Ông Sơn nói, dịp cận Tết Nguyên Đán, xã Xuân Du như một rừng hoa đào. Giữa tháng 12 âm lịch, không khí Tết đã tràn ngập khắp các cánh đồng, đường làng, ngõ xóm. Kẻ mua người bán tấp nập, gia đình nào cũng đón Tết ấm no, vui vẻ nhờ trồng đào. Người không trồng đào cũng có cơ hội kiếm thêm thu nhập từ các dịch vụ khác như vận chuyển, tuốt lá, ghép đào…
Gia đình ông Sơn cũng có 4 sào đất trồng đào. Thừa nhận thu nhập …cao hơn lương của chủ tịch xã, ông Sơn vui vẻ cho biết, Tết này, đào mang lại cho gia đình mình hơn 100 triệu đồng.
Tháng 10/2024, lần đầu tiên, xã Xuân Du thành lập nghiệp đoàn trồng đào với 104 thành viên ban đầu. Chủ tịch xã Hoàng Ngọc Sơn cho hay, đây là bước đi đầu tiên để liên kết, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi giữa các hộ gia đình trông đào tại địa phương, góp phần xây dựng nghề trồng đàophát triển theo hướng bền vững.
Về tổng thu nhập từ nghề trồng đào, ông Sơn nói thống kê chưa thể đầy đủ, chủ yếu dựa trên báo cáo của các hộ. Năm 2024, thu nhập từ đào ở Xuân Du đạt gần 60 tỷ đồng nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn gấp nhiều lần.
Chủ tịch xã Xuân Du thông tin, số hộ gia đình thu từ 500 triệu/ năm trở lên từ trồng đào chiếm khoảng 10%; từ 100 triệu/năm chiếm khoảng 60%. Đó là cơ sở để đào Xuân Du sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
“Cây đào đã thay đổi diện mạo của cả một vùng đất, giúp nhiều gia đình đổi đời. Dù diện tích không thể mở rộng thêm do phải đảm bảo đất trồng lúa, giữ an ninh lương thực nhưng tới đây, chúng tôi sẽ đồng hành, hỗ trợ bà con về kỹ thuật, thị trường, nâng cao giá trị của đào Xuân Du, nhất là theo hướng đào ghép, đào thế để tăng giá trị kinh tế”, ông Sơn nói.
Quang Duy
Nguồn Gia Đình VN : https://giadinhonline.vn/dao-doi-doi-d204283.html