Đạo đức Phật giáo góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn

Đạo đức Phật giáo góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn
2 giờ trướcBài gốc
Trước khi có sự du nhập của Phật giáo, tại Việt Nam đã có một nền văn hóa với các tín ngưỡng bản địa khá phong phú. Một trong những nguyên nhân khiến Phật giáo dễ dàng được tiếp nhận, có sức sống lâu bền tại Việt Nam vì trong nó chứa đựng những nội dung nhân sinh quan phù hợp với tâm thức, bản sắc văn hóa người Việt.
Khi du nhập vào Việt Nam cách đây trên dưới 2000 năm, Phật giáo đã hòa nhập vào đời sống dân tộc không phải chỉ trong một giai đoạn, một thời đại mà trong suốt cả trường kỳ lịch sử lâu dài.
Trải qua nhiều triều đại phong kiến, mối quan hệ giữa Phật giáo và nhà nước luôn được củng cố vì chúng song hành cùng tồn tại và phát triển.
Vì vậy, Phật giáo không chỉ ăn sâu vào đời sống tâm linh mà còn đi vào văn hóa dân tộc, trong đó có đạo đức con người Việt Nam.
1. Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến con người Việt Nam
Người Việt tiếp nhận Phật giáo không phải ở những lý thuyết cao siêu như vô thường, vô ngã, luân hồi…Đại đa số người dân không thuộc kinh Phật ngoài mấy câu tụng niệm quen thuộc như Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát,…song họ đều cảm thấy rất mãn nguyện, họ đến chùa, hướng về Phật với niềm tin mọi đau khổ, bất trắc sẽ được tiêu trừ.
Rất nhiều giá trị đạo đức của dân tộc đã hòa quyện với tư tưởng Phật giáo trở thành các giá trị đạo đức điển hình như: tinh thần yêu nước, lòng thương người, tinh thần đoàn kết, tinh thần lao động,…Trong các giá trị đó, nổi bật là tinh thần yêu nước. Là chuẩn mực đạo đức cao nhất, thấm nhuần tư tưởng “cứu khổ cứu nạn” xuất phát từ tâm từ bi, hướng thiện của Phật giáo.
Tinh thần yêu nước thấm nhuần đạo đức Phật giáo đó là lòng vị tha, nhân hậu và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ dù mang tội lỗi nhưng biết quay đầu hối cải lỗi lầm.
Phật giáo đã chứng tỏ tính ưu việt, thời kỳ Lý, Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, đã trở thành quốc giáo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp trị nước, an dân. Các vị vua tài đức đã xây dựng được những triều đại vững mạnh lấy đức từ bi làm căn bản cho chính trị nên đã có được sự ủng hộ to lớn từ nhân nhân, vua tôi đồng lòng, cả nước chung sức bảo vệ và xây dựng giang sơn. Chính vì thế, đạo đức Phật giáo đã trở thành luân lý sống của các Phật tử và đông đảo các tầng lớp trong xã hội, từ vua chúa, thiền sư, quan lại đến quần chúng nhân dân.
Theo giáo sư Trần Văn Giàu, trong bảng giá trị truyền thống Việt Nam, tư tưởng yêu nước là giá trị đạo đức tinh thần hàng đầu, được hình thành trong quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Biểu hiện đầu tiên, rõ rệt nhất của lòng yêu nước là tinh thần độc lập dân tộc, ý thức đòi quyền tự chủ, tự do và bình đẳng cho nước nhà. Lòng yêu nước còn thể hiện ở sự anh dũng, bất khuất trước kẻ thù, sẵn sàng hy sinh tính mạng cá nhân để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Có thể nói, ảnh hưởng lớn nhất của Phật giáo tới đời sống xã hội Việt Nam là ở lĩnh vực đạo đức. Phật giáo đưa ra những chuẩn mực đạo đức rất cụ thể để con người rèn luyện. Những chuẩn mực đạo đức phổ biến nhất là 5 giới: “không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu” và 10 điều thiện: “3 điều thuộc về thân: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm; 3 điều thuộc về ý thức: không tham lam, không thù hận, không si mê; 4 điều thuộc về nói năng: không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai chiều, không nói điều ác”. Những chuẩn mực đạo đức này, cũng chính là những nguyên tắc ứng xử phù hợp giữa người với người, nhằm xây dựng đạo đức xã hội tốt đẹp hơn.
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta đến nay, giáo lý nhân quả cùng với tư tưởng từ bi, cứu khổ, cứu nạn, tinh thần hòa hiếu,…hoàn toàn phù hợp với những giá trị đạo đức truyền thống, tâm linh của người dân Việt Nam. Người dân tiếp thu Phật giáo không phải với tư cách là một hệ tư tưởng cao siêu, mà là những điều rất gần gũi với tâm tư, tình cảm của mình. Phật giáo từ chỗ là tôn giáo ngoại sinh đã nhanh chóng lan tỏa, ảnh hưởng và tạo lập được cơ sở vững chắc trong cộng đồng. Tư tưởng đạo đức Phật giáo hòa quyện với tư tưởng đạo đức truyền thống của người Việt đã làm phong phú và sâu sắc thêm hệ giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Tư tưởng đạo đức truyền thống của người Việt được thể hiện ra dù rất đỗi bình thường: “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” hay "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng" nhưng bao hàm trong đó là cả một hệ giá trị nhân văn cao cả. Người Việt tin rằng sống có đạo đức thì sẽ gặp những điều tốt lành, sống vô đạo đức, trái luân thường đạo lý, ắt sẽ bị quả báo.
Đạo đức Phật giáo hướng con người đến những giá trị nhân bản cao cả, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện đạo đức cá nhân.
Tinh thần từ bi – hỷ xả trong Phật giáo không chỉ hướng đến con người mà còn đến muôn vật, cỏ cây. Phật giáo kêu gọi lòng nhân đạo, yêu thương, bảo vệ sự sống. Đặc biệt trong quan hệ giữa người với người, tình yêu thương phải biến thành hành động xoa dịu nỗi đau, cứu giúp con người, gìn giữ hòa bình.
Như vậy, đạo đức Phật giáo có nhiều điểm tương đồng với đạo đức người Việt. Những phạm trù cơ bản của đạo đức Phật giáo đã ảnh hưởng sâu đậm vào đời sống người Việt hiện nay. Do tuân thủ những điều răn dạy về đạo đức của Phật giáo, người Việt đã sống và ứng xử đúng đạo lý, góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Có thể nói, đạo đức Phật giáo đã thực sự ăn sâu vào đạo lý truyền thống dân tộc, ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, lối sống, phong tục, tập quán của con người Việt Nam.
Phật giáo dễ thâm nhập và thấm sâu vào tâm thức người Việt. Mối quan hệ giữa đạo đức Phật giáo với những giá trị đạo đức Việt Nam truyền thống là mối quan hệ hai chiều: Phật giáo ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức truyền thống, và ngược lại, những cơ sở, điều kiện kinh tế - xã hội bản địa đã tạo nên nhiều nét đặc thù của Phật giáo Việt Nam.
Ảnh sưu tầm
2. Ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến con người Việt Nam hiện nay
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa, tính thường biến của xã hội trở nên cao hơn rất nhiều so với những thời kỳ lịch sử trước đó. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, đời sống vật chất của con người được nâng cao và cùng với nó, nhu cầu tinh thần của con người cũng có nhiều thay đổi. Trong cuộc sống hàng ngày, con người gặp quá nhiều cám dỗ vật chất, đồng thời phải đối mặt với không ít hiện tượng và hành vi chi phối cuộc sống. Những vấn đề về số phận con người, về hạnh phúc, về đau khổ, về những may rủi trong cuộc đời đến nay vẫn là những trăn trở của mỗi cá nhân và của toàn xã hội. Điều đó giải thích vì sao tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng vẫn còn là một nhu cầu tâm linh, một “liều thuốc" tinh thần giúp con người có được sự cân bằng tâm lý trong một xã hội đầy biến động.
Đạo Phật đã tạo dựng cho các phật tử một niềm tin vào luật nhân quả, vào vô thường, vô ngã…niềm tin ấy chi phối ý thức đạo đức của con người, không chỉ ảnh hưởng đối với phật tử mà đã lan tỏa ra và tác động đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nó tạo ra cho con người một sức mạnh tinh thần để vượt lên những cám dỗ vật chất, những trắc trở trong cuộc sống, hướng họ vào một lý tưởng sống tốt đẹp, vị tha. Nói cách khác, niềm tin mà đạo đức Phật giáo tạo dựng đã làm hình thành trong mỗi phật tử ý thức hướng thiện, trừ ác, có lối sống khiêm nhường, yêu thương đồng loại, chúng sinh. Chính niềm tin ấy là cơ sở tạo nên tính tự giác, tự nguyện và tự do của đạo đức. Tình thương và lòng nhân ái có thể giúp con người hạn chế bớt tính ích kỷ, từ bỏ lòng tham, sân, si - cội rễ của những thói xấu, của những mâu thuẫn, xung đột và bạo hành trong xã hội.
Ảnh sưu tầm
Trong thời đại mới, phát huy tinh thần nhập thế, tư tưởng từ, bi của nhà Phật có điều kiện đi sâu vào cuộc sống thực tiễn bằng những hoạt động rất cụ thể. Đến nay, nhiều chùa có phòng thuốc Đông y - Nam y từ thiện chữa bệnh miễn phí, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi lần lượt ra đời. Các hoạt động cứu trợ đồng bào bị thiên tai, xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, trường học, trạm y tế... diễn ra thường xuyên trong những năm qua có ý nghĩa sâu sắc, xuất phát từ tư tưởng từ, bi, cứu khổ, cứu nạn của đạo Phật. Những việc làm ấy không chỉ nêu gương tốt cho giới Tăng ni, Phật tử mà còn có sức cảm hóa đối với mọi người trong xã hội. Ngoài ra, với những giá trị nhân bản sâu sắc, Phật giáo cũng góp phần xoa dịu những mâu thuẫn trong xã hội, hoan nghênh mọi phong trào hòa bình và động viên phật tử tích cực tham gia vào các phong trào đó.
Không những thế, trong thế kỷ 21, con người còn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang tính chất toàn cầu, đang đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của mọi hình thái sống trên trái đất - cuộc khủng hoảng môi trường. Do đó, vấn đề đạo đức môi sinh cũng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm sâu sắc. Với tinh thần tôn trọng sự sống, Phật giáo cũng kêu gọi con người sống hài hòa và bảo vệ sự sinh tồn của hết thảy chúng sinh. Muốn chấm dứt đau khổ, con người phải sống đúng theo chính pháp, tức là sống theo quy luật tự nhiên hay luật nhân duyên sinh khởi. Theo quy luật này, con người, loài vật, cỏ cây cùng tồn tại trong mối liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau. Thiên nhiên cung cấp môi trường sống cho loài người và động vật. Ngược lại, con người phải có ý thức bảo vệ thiên nhiên để giữ môi trường trong sạch và cân bằng sinh thái.
Giáo lý Phật giáo luôn khuyên răn con người cần phải sống hài hòa với tự nhiên, tôn trọng tự nhiên, không hủy hoại và phá vỡ sự mất cân bằng sinh thái. Vì mọi loài sinh ra đều mang trong mình sự sống, nên cần được tôn trọng và bảo vệ. Con người không được sát sinh các loài một cách vô tội vạ, khai thác tài nguyên theo cách tận thu, tận diệt mà không để có thời gian tái tạo. Con người không nên tham lam, tàn ác, không mù quáng trong hành động, đó cũng là cách hữu hiệu để bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống con người.
Ngày nay, Phật giáo cũng đang không ngừng góp phần tuyên truyền và giáo dục phật tử, nhân dân nêu cao ý thức bảo vệ môi sinh bằng việc thực hiện nghiêm giới luật, khuyến khích ăn chay, trồng cây xanh, tổ chức các lễ phóng sinh... Phật giáo luôn hướng con người tới lối sống sạch sẽ, cẩn thận, không xả rác bừa bãi, các chất thải cần được xử lý đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Những hoạt động trên không chỉ thể hiện đạo đức tôn giáo, đạo đức môi trường mà còn mang ý nghĩa đạo đức xã hội sâu sắc.
Ngày nay trong giới trẻ đó đây phát sinh nhiều vấn đề xã hội nóng và bức xúc dư luận, trong đó nổi bật nhất là: suy đồi về tư tưởng đạo đức, trào lưu hưởng thụ, tham lam về vật chất, ích kỷ cá nhân,…Trong hoàn cảnh như vậy, một bộ phận người Việt Nam tìm đến đạo Phật không chỉ vì cảm thấy hạnh phúc, an lạc nơi cửa Phật mà còn vì họ tiếp nhận được những giá trị đạo đức ẩn chứa trong đạo lý Phật giáo.
Hiện nay, để đáp ứng thực tiễn đời sống xã hội, trong đó việc giáo dục tư tưởng hướng thiện cho tầng lớp thanh thiếu niên đã được các cấp giáo hội Phật giáo Việt Nam hết sức quan tâm. Trong đó việc thành lập các câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử, gia đình Phật tử đã thực sự thu hút được số lượng Phật tử trẻ tham gia. Thông qua hoạt động của CLB thanh thiếu niên Phật tử, công tác phật sự được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và kịp thời. Từ đó giúp phật tử và quần chúng nhân dân nâng cao thêm sự hiểu biết phật pháp, đưa giáo lý đạo Phật trở thành môn giáo dục nhân cách cho thanh thiếu niên, khơi dậy lòng nhân ái, từ bi – hỷ xả trong ứng xử hằng ngày cho mọi người.
Bên cạnh đó, các hoạt động phật sự như: Khóa tu an lạc, khóa tu mùa hè, Hội trại Phật giáo với tuổi trẻ,…Các hoạt động nhân đạo từ thiện, vu lan báo hiếu,…có sự tham gia đông đảo của các phật tử trẻ đã góp phần nâng cao giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ. Được tiếp cận lắng nghe và thấu hiểu những điều bổ ích về đạo, về đời, về lý tưởng sống đã giúp các bạn trẻ định hướng đúng đắn về lý tưởng sống, biết tự tu dưỡng bản thân để hướng tới chân - thiện - mỹ.
Trải nghiệm các hoạt động phật sự giúp cho một bộ phận người trẻ biết hướng thiện, biết giữ gìn tam quy ngũ giới, hành thập thiện, biết làm những việc đem lại lợi ích cho mình, cho xã hội. Hoạt động của các tổ chức Phật giáo dành cho thanh niên Phật tử của Giáo hội đã đóng góp cho xã hội những người công dân tốt, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, văn minh.
Tóm lại, nội dung giáo lý Phật giáo thể hiện một triết lý về sự công bằng, giáo dục con người phải biết sống lành mạnh, khuyến khích con người làm nhiều việc tốt, việc thiện, lánh xa điều ác, tránh làm những việc bất nhân, phi nghĩa, để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trịnh Kim Diệu
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/dao-duc-phat-giao-gop-phan-xay-dung-xa-hoi-tot-dep-hon.html