Đạo luật 'giải phóng' tiềm lực Thủ đô

Đạo luật 'giải phóng' tiềm lực Thủ đô
3 giờ trướcBài gốc
Nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội
Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024, có hiệu lực từ 1/1/2025 (trừ 5 nội dung có hiệu lực từ 1/7/2025). So với Luật Thủ đô 2012, Luật 2024 có nhiều nội dung mới, hướng đến phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực; có nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước và của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, đánh giá Luật Thủ đô 2024 đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá, thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết 15-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2045”. Luật cũng giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế gặp phải trong suốt thời gian dài; có giải pháp mạnh mẽ giúp TP khắc phục các hạn chế về kiến trúc cảnh quan, giao thông, ô nhiễm môi trường.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với 462/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (Ảnh: quochoi.vn)
Để cụ thể hóa, đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống, tại 2 kỳ họp trong năm 2024, HĐND TP Hà Nội đã thông qua 17 Nghị quyết về triển khai thi hành Luật Thủ đô. Hiện có hơn 30 tờ trình nghị quyết được đăng ký trình HĐND TP xem xét, thông qua vào các kỳ họp tới. UBND TP cũng đang tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để cụ thể hóa nội dung Luật Thủ đô.
Luật Thủ đô 2024 tạo ra nhiều thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại Hà Nội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù. Đạo luật này dành riêng Điều 31 quy định về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), gồm quy hoạch hệ thống ĐSĐT và khu vực TOD, đầu tư phát triển ĐSĐT và các cơ chế thu phí giá trị thặng dư từ đất trong khu vực TOD. Các quy định này tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho các dự án ĐSĐT.
Tàu điện Nhổn - ga Hà Nội (Ảnh Tạ Hải)
Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển đặt rất nhiều kỳ vọng với chính sách phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trong Luật Thủ đô. Cơ chế này giao quyền cho Hà Nội được làm chủ, quyết định toàn bộ dự án ĐSĐT, giúp đẩy nhanh tiến độ. “Với Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ có thể hoàn thành mục tiêu phát triển ĐSĐT đã đề ra”, ông Đông đánh giá.
Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, ở những nơi có giao thông công cộng đi qua mới có thể phát triển khu đô thị nén. Bất động sản từ các khu đô thị nén này sẽ tăng giá trị, sẽ tạo nguồn vốn phát triển giao thông công cộng. Ông Đông nhấn mạnh, điều này phải được người dân ủng hộ, và để người dân đồng thuận, Nhà nước phải đáp ứng được nhu cầu đi lại cho người dân bằng phương tiện công cộng.
Cung Thiếu nhi Hà Nội (Ảnh: VGP)
Tăng cường vai trò dẫn dắt, đi đầu, lan tỏa
Nhận xét về những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô, GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 – 2029, nói: “Cả nước đang đứng trước ngưỡng cửa kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; và chúng ta cũng thấy rõ đó là kỷ nguyên số, kỷ nguyên xanh. Muốn làm được việc này thì chúng ta phải có những thay đổi có tính đột phá. Hà Nội có nhiều tiềm năng hoàn thành tốt công cuộc này, vì Thủ đô là nơi tập trung nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, là cơ sở, tiềm năng để Thủ đô tạo ra đột phá”.
Theo đó, Luật Thủ đô 2024 đã quy định cho phép Hà Nội sử dụng ngân sách để phát triển khoa học - công nghệ, vượt qua khuôn khổ vốn có là cho phép nghiên cứu khoa học có rủi ro, để Hà Nội có thể làm những gì mới nhất, tiên phong nhất. Đồng thời, Luật đưa ra những cơ chế nhằm thu hút những nhà khoa học, nhân tài với cơ chế đãi ngộ vượt trội.
Một góc Hà Nội (Ảnh: VGP)
Đạo luật cũng cho phép Hà Nội phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học, trung tâm công nghệ AI, nghiên cứu công nghệ bán dẫn... tập trung vào việc xây dựng khu vực lắp ráp và hướng tới sẽ xây dựng được khu vực sản xuất.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu tại Đồng bằng sông Hồng, và theo
GS Cường, Hà Nội sẽ tập trung vào những sản phẩm công nghệ khoa học công nghệ cao. Sản xuất công nghiệp cũng vậy, không mang tính đại trà, mà tập trung vào những sản phẩm công nghệ then chốt để lan tỏa cho các tỉnh, thành cả nước.
Hà Nội sẽ tập trung vào những sản phẩm công nghệ then chốt (Ảnh: Gia Huy)
Những yếu tố trên sẽ tạo cho Hà Nội vai trò dẫn dắt, đi đầu, lan tỏa trong quá trình phát triển. “Chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng với những cơ chế đặc thù tại Luật Thủ đô 2024, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường vai trò dẫn dắt, đi đầu, lan tỏa”, GS Cường nói.
Luật Thủ đô 2024 cũng đã cho phép TP khai thác hai bên bờ sông Hồng, sẽ giúp Hà Nội xây dựng TP bên sông. TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, từ 1958, Học viện Thủy lợi đã tổ chức nghiên cứu vấn đề này. Năm 1994 đã có quy hoạch toàn bộ sông Hồng được đồng ý nghiệm thu nhưng chưa phê duyệt do vướng mắc về an toàn thoát lũ và nhiều ý tưởng khác chưa thành hiện thực. Đến nay, Hà Nội đã có Quy hoạch Phân khu sông Hồng và quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ về an toàn thoát lũ. Với Luật Thủ đô, Hà Nội được quyền xây cả tuyến đê mới, ra quyết định phê duyệt các dự án ở bãi sông.
Hoàng Thư
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/dao-luat-giai-phong-tiem-luc-thu-do-post538557.html