Người dân làng đào tất bật vặt búp lá để cây dồn chất nuôi hoa. Ảnh: Văn Đoan
Ghi nhận tại làng đào Nhật Tân, các nhà vườn đang khẩn trương hoàn thiện việc tuốt lá, đánh chuyển và chăm sóc từng gốc đào, chạy đua với thời gian để mang đến thị trường những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Anh Đỗ Đức Chiến (46 tuổi), chủ vườn đào Đức Chiến cho biết, những công đoạn chăm sóc cơ bản đã hoàn thành. Thời điểm này, người dân chỉ tập trung chuyển cây lên chậu, tưới nước và bón phân cho nụ hoa nở đúng dịp Tết.
Tùy vào giống đào và thời tiết nên thời gian tuốt lá sẽ khác nhau. Hiện nay, người dân chỉ tập trung chăm sóc nụ hoa. Thông thường, khoảng 3 đến 4 ngày sẽ tưới nước một lần cho nụ hoa to và đều, bên cạnh đó tại các gốc đào bị nấm, rầy sẽ được xử lý bằng thuốc và vôi để cây đào được khỏe mạnh” - anh Đỗ Đức Chiến chia sẻ.
Anh Đỗ Đức Chiến cho biết thêm, do ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (bão Yagi) nên số lượng đào năm nay giảm đáng kể so với các năm trước. Dù vậy, người dân vẫn có thể yên tâm vì giá đào năm nay được dự kiến sẽ không tăng nhiều. Giá bán tại vườn dao động từ 500 nghìn đồng đến vài chục triệu đồng tùy loại.
Công đoạn tuốt lá đào đòi hỏi kinh nghiệm của người thợ. Ảnh: Văn Đoan
Để đảm bảo hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán, nhiều nhà vườn đã áp dụng phương pháp chăm sóc đặc biệt. Những cây đào có giá trị cao sẽ được chuyển vào phòng kín, trang bị điều hòa hai chiều và nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ, tạo ra môi trường lý tưởng cho cây phát triển và ra hoa đúng thời điểm.
Theo các chủ vườn, các gốc đào đẹp, trồng lâu năm được các thương lái đặt mua từ sớm và ủy thác chăm sóc tại vườn. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc cho số lượng đào đã được đặt mua, các chủ vườn buộc phải thuê thêm nhân công trong dịp cuối năm.
Những gốc đào được chuyển vào phòng điều hòa, theo dõi nhiệt độ để đảm bảo cho cây nở hoa đúng thời điểm Tết. Ảnh: Văn Đoan
Cơn lũ lịch sử hoàn lưu sau bão Yagi đã nhấn chìm hàng nghìn gốc đào Nhật Tân, rễ cây hư hại, nhiều cây bị thối rễ, chết hoàn toàn. Nhằm “gỡ” các gốc đào còn sót lại, người dân tích cực ghép mắt, trồng mới hàng trăm gốc đào, quyết tâm phục hồi diện tích vườn đào bị chết do ngập úng. Tính đến nay, hơn 60% tổng diện tích bị thiệt hại đã được hồi sinh, tại các luống đào mới trồng, người dân trồng thêm các loại cây hoa màu ngắn ngày để tăng thêm thu nhập.
Hoa màu được trồng tại các luống đào chết do bão lũ. Ảnh: Văn Đoan
Chị Đỗ Thu Huyền, chủ vườn đào bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3 chia sẻ: “Nhà tôi gần như mất trắng, thiệt hại vô cùng lớn. Gia đình đã trồng cây đào mới và trồng thêm hoa cúc và các loại hoa ngắn ngày khác để bán vào dịp Tết”.
Làng đào Nhật Tân đã “hồi sinh” sau bão lũ. Tết này, sắc đào thắm tươi, tô điểm cho một mùa Xuân rộn ràng, hạnh phúc.
Để hồi sinh lại vườn đào, người dân Nhật Tân đã không ngần ngại đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua giống mới, ghép mắt đào. Không chỉ vậy, họ còn phải cải tạo lại vườn, nâng cao luống trồng, đảm bảo cây không bị ngập úng trong những mùa mưa lũ tiếp theo.
Quá trình trồng và chăm sóc đào là một hành trình gian nan, đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ. Trung bình, phải mất từ 3 đến 5 năm, tùy thuộc vào giống, cây đào mới có thể cho hoa đẹp. Những gốc đào yếu, được người dân giữ lại để chăm sóc với hy vọng một ngày nào đó sẽ được thấy những bông hoa đào nở rộ trở lại.
Những đôi bàn tay chai sạn, những giọt mồ hôi rơi xuống, đó là hình ảnh quen thuộc của người dân làng đào. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, họ vẫn không nản lòng, luôn hy sinh thời gian và sức lực để chăm sóc từng gốc đào. Tất cả vì mong muốn mang đến cho mọi người những cái Tết thật ý nghĩa với sắc đào tươi thắm.
Mộc Miên - Văn Đoan