Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu mới

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu mới
2 ngày trướcBài gốc
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn và lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh Đồng Nai tìm hiểu cuốn sách của Tổng Bí thư Tô Lâm Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân - Sáng ngời tư cách người công an cách mạng. Ảnh:P.Hằng
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược trong kỷ nguyên mới, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực, trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) phải được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng, đổi mới tư duy, tầm nhìn, phương pháp, phong cách làm việc, hội tụ đầy đủ phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực, uy tín.
Tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Tại Hội nghị Toàn quốc triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC năm 2025 ngày 25-3, PGS-TS Nguyễn Duy Bắc, Phó giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết tính đến nay, có gần 90% CBCCVC ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định; khoảng 87% CBCCVC được cập nhật kiến thức pháp luật; hơn 60% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ.
Qua đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ CBCCVC được trang bị thêm nhiều kiến thức, phương pháp tiếp cận và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, nhất là được rèn luyện và bổ sung kỹ năng nghiên cứu tổng kết thực tiễn, kỹ năng hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện; kỹ năng kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả quyết định quản lý, kỹ năng phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin, nghiên cứu và dự báo tình hình…
Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, công tác đào tạo, bồi dưỡng thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế; nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng chưa bắt kịp sự đổi mới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chưa bám sát yêu cầu của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đến nay, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương thuộc tỉnh, huyện của Đồng Nai được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo quy định. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát cử cán bộ đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo quy định và chú trọng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ theo từng lĩnh vực công tác nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh và tình hình mới của đất nước.
Báo cáo của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hội nghị Toàn quốc công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2025 nêu rõ, việc đào tạo, bồi dưỡng thời gian qua còn có phần coi trọng số lượng mà chưa coi trọng chất lượng, hiệu quả. Các chương trình, tài liệu bồi dưỡng mặc dù đã được cập nhật, bổ sung nhưng vẫn nặng tính học thuật.
Việc mở rộng các cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC thời gian qua chưa được quản lý chặt chẽ, nhiều nơi còn buông lỏng quản lý, có thể dẫn đến xu hướng “thương mại hóa” hoạt động này.
Đổi mới để đáp ứng tình hình mới
Trước bối cảnh, yêu cầu của tình hình mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC cần tiếp tục được hoàn thiện và đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
PGS-TS Nguyễn Bá Chiến, Giám đốc Học viện Hành chính và quản trị công, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong kỷ nguyên mới yêu cầu cán bộ phải có trách nhiệm cao hơn, chuyên nghiệp hơn trong công việc; phải chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản trị công hiện đại, hướng tới kết quả cụ thể.
CBCCVC phải thích nghi nhanh với công nghệ số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC cần được chú trọng hơn. Tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung, cập nhật, hoàn thiện hệ thống các chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC theo hướng liên thông, kết nối, không trùng lắp, chồng chéo về nội dung, tiết giảm thời gian học tập cho CBCCVC.
Mỗi chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC cần có đội ngũ giảng viên là chuyên gia, giảng viên có kiến thức chuyên sâu, phương pháp giảng dạy chuyên nghiệp và giảng viên kiêm nhiệm là cán bộ lãnh đạo quản lý có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2025, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng chúng ta đang sống trong một “thế giới phẳng” với biến đổi rất nhanh và khó lường. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng nằm trong bối cảnh đó, có nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình thực tiễn.
Trước hết, trong từng bài giảng, giảng viên phải cập nhật nhanh, sống động các văn bản mới của Đảng, Nhà nước để giảng dạy phù hợp thực tế. Giảng viên phải giỏi, nội dung bài giảng phải mang hơi thở thực tiễn để tạo sức hấp dẫn cho người học.
Chấm dứt tình trạng thương mại hóa trong đào tạo, bồi dưỡng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng hiện nay tuyệt đối phải lấy chất lượng yêu cầu nâng cao công việc để học tập. Trong từng tiết học phải có sự tương tác giữa thầy và trò, thảo luận nhóm để người đi học chỉ có học, chứ không phải đi học để đối phó, ngồi lướt điện thoại.
Tiếp tục thực hiện nghiêm việc lấy kết quả học tập của người học làm cơ sở để đánh giá cán bộ. Từ đó xây dựng ý thức cho CBCCVC, được đi đào tạo, bồi dưỡng là vinh dự, trách nhiệm để phục vụ chính cho bản thân và công việc...
Phương Hằng
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202503/dao-tao-boi-duong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-dap-ung-yeu-cau-moi-3465ca5/