Cùng dự hội thảo có Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công an, các học viện, trường CAND và Công an các đơn vị địa phương.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong lực lượng CAND.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo nhấn mạnh: Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19 tháng 5 năm 2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang hàng nhiệm vụ. Nghị quyết nêu rõ quan điểm đến năm 2030, đối với cán bộ lãnh đạo chỉ huy Quân đội, Công an “có số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; từ 20-30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”.
Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tỉnh hình mới cũng xác định mục tiêu “đến năm 2030, từ 20-30% lãnh đạo, chỉ huy đủ năng lực, điều kiện làm việc theo yêu cầu, nhiệm vụ trong môi trường quốc tế".
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại hội thảo.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ Công an các cấp, nhất là người đứng đầu đơn vị, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp Cục và tương đương trở lên, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”; trong đó đã xác định mục tiêu cụ thể và định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ Công an đủ năng lực, trình độ làm việc trong môi trường quốc tế.
Chia sẻ tại hội thảo, Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: Đối ngoại là sự tiếp nối của đối nội, các vấn đề về an ninh quốc gia, an ninh con người ngày càng được mở rộng về nội hàm, đòi hỏi sự tham gia của lực lượng Công an ngày càng sâu rộng.
Về các tiêu chuẩn, tiêu chí, yêu cầu đặt ra đối với cán bộ Công an trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành cho rằng, cán bộ Công an không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ công tác mà còn phải có tinh thần hội nhập, có bản lĩnh và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và môi trường xã hội công nghệ số; có khả năng sử dụng thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ, tiếng dân tộc, tin học, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm, thực tiễn quốc tế tốt nhất phù hợp với thực tiễn Việt Nam; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện năng lực công tác ngang tầm nhiệm vụ…
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại hội thảo.
Đại diện Cục Tổ chức cán bộ, Cục Đối ngoại và Công an TP Hồ Chí Minh, Công an TP Hải Phòng… đều khẳng định, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế là chủ trương lớn và quan trọng của Đảng, Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Và để triển khai thực hiện, trước hết phải định hướng mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ Công an đủ năng lực, trình độ làm việc trong môi trường quốc tế với các yêu cầu cụ thể.
Đó là ngoài các tiêu chuẩn về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, định hướng mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ Công an đủ năng lực, trình độ làm việc trong môi trường quốc tế cần đáp ứng các tiêu chí cơ bản như: Có kiến thức sâu rộng về truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, đất nước và con người Việt Nam; hiểu biết pháp luật, thông lệ quốc tế, các nội dung cam kết, thỏa thuận hiệp định, hiệp ước quốc tế đa phương, song phương giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế theo lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhiệm; có trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin; có khả năng giao tiếp, xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống nghiệp vụ, phong cách làm việc chuyên nghiệp; có kỹ năng thuyết trình, đàm phán, khả năng tổng hợp, dự báo, đánh giá được tình hình để tham mưu, đề xuất những vấn đề có tính chiến lược, dài hạn.
Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo phát biểu tại hội thảo.
Thượng tá, TS. Nguyễn Hồng Thái, Phó Giám đốc Học viện ANND cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cần thiết kế chương trình đào tạo, bồi dưỡng linh hoạt, gắn với từng đối tượng lãnh đạo, chỉ huy, tập trung bồi dưỡng các tư duy, kỹ năng và kiến thức nhằm tiếp cận nhanh với môi trường làm việc quốc tế. Trong đó, chú trọng nâng cao tư duy chiến lược và năng lực ra quyết định; kỹ năng lãnh đạo và phương hướng tổ chức; tăng cường cập nhật trao đổi về pháp luật quốc tế và các nội dung hợp tác quốc tế có liên quan đến lực lượng CAND. Ngoài ra cũng cần chú trọng đổi mới trong cách thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, xử lý các tình huống có thể xảy ra; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động lãnh đạo, quản lý nhằm bắt kịp với yêu cầu nhiệm vụ.
Thiếu tướng, TS. Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện CSND cũng nhấn mạnh, để đào tạo cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, cần cả kiến thức chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm. Do đó, Bộ Công an cần xây dựng chiến lược đào tạo cả về dài hạn và ngắn hạn. Trong đó, cần quan tâm đào tạo đội ngũ giảng viên nòng cốt để đội ngũ này có thể đào tạo được cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; sẵn sàng cử cán bộ, giáo viên đi học tập, đào tạo ở nước ngoài; xây dựng kế hoạch chương trình đào tạo ngày càng có sự chia sẻ, hội nhập với quốc tế; mở rộng liên kết các chương trình đào tạo chất lượng cao; tranh thủ mở rộng nguồn tuyển dụng được những học sinh có năng lực nổi trội về ngoại ngữ, khoa học kỹ thuật và công nghệ để vào đào tạo tại các học viện, trường CAND…
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ và các đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm gửi tới hội thảo, đồng thời khẳng định, các ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo đã làm rõ hơn về nhận thức đối với nội hàm của từ và cụm từ, về vị trí vai trò, và tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Hội thảo cũng đã thống nhất đánh giá một số thành tựu cơ bản của công tác giáo dục, đào tạo của lực lượng CAND thời gian qua nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế nói riêng. Đồng thời khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị, Công an các đơn vị, địa phương, các học viện trường CAND cần tiếp tục nâng cao nhận thức hơn nữa, hiểu sâu, hiểu thấu đáo hơn nữa về nội dung, nội hàm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Cùng với đó, khẩn trương khảo sát, đánh giá thực trạng toàn diện cán bộ, chiến sĩ về trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, khoa học công nghệ và năng lực làm việc, kỹ năng chuyên môn, phẩm chất, đạo đức và đề xuất Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo về xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch cụ thể về xuất mức độ, số lượng, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm đến năm 2030, có từ 20% đến 30% lãnh đạo, chỉ huy Công an có đủ năng lực, điều kiện làm việc trong môi trường quốc tế.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ cũng yêu cầu, trên cơ sở các tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ Công an đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế được xác định trong Đề án số 06, ngày 30/11/2022 của Bộ về “Xây dựng đội ngũ cán bộ Công an các cấp, nhất là người đứng đầu đơn vị, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp Cục và tương đương trở lên đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, Cục Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện tiêu chí về khung năng lực, trình độ, điều kiện làm việc theo môi trường quốc tế theo từng cấp Công an, từng đơn vị, từng lĩnh vực, vị trí công tác. Đồng thời, khảo sát, đánh giá thực tế đội ngũ cán bộ để xác định rõ số cán bộ đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn, phát huy được chuyên môn, sở trường làm việc trong môi trường quốc tế cũng như số cán bộ chưa đáp ứng được tiêu chí, tiêu chuẩn; số cán bộ đã đủ tiêu chuẩn nhưng bố trí phân công công tác trái ngành, trái nghề để tham mưu đề xuất đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ phù hợp, hiệu quả.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị Cục Đào tạo chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng và các học viện, trường CAND trong việc xây dựng tiêu chí đầu ra đối với người học nhằm đảm bảo đạo tạo được đội ngũ cán bộ đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế; tăng cường liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục có thế mạnh về ngoại ngữ, công nghệ và hội nhập quốc tế nhằm xây dựng các nội dung, học phần lồng ghép vào chương trình chính khóa; nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế chính sách, hành lang pháp lý liên quan.
Cục Đào tạo cũng cần khẩn trương hoàn thiện báo cáo tổng hợp, trong đó đề xuất các giải pháp phù hợp để Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nguồn nhân lực CAND, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Huyền Thanh