Hoàn thành khóa học kể từ cuối năm 2023 nhưng đến nay, nhiều học viên theo học các lớp đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh VB2.12, VB2.13 (A, B), VB22.01 vẫn chưa nhận được bằng tốt nghiệp theo quy định. Các học viên đã không ít lần gửi đơn kiến nghị tới Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ với mong muốn được nhà trường giải quyết thỏa đáng.
Anh V.D, một trong những học viên tham gia lớp văn bằng 2, cho biết khi thấy thông báo tuyển sinh của trường, anh đã quyết định dự tuyển và trúng tuyển. Trong quá trình học, anh thực hiện đúng nghĩa vụ, đóng đầy đủ học phí, tham gia đầy đủ chương trình học, qua môn và đã bảo vệ tốt nghiệp theo quy định. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, anh và các học viên khác vẫn chưa nhận được bằng tốt nghiệp theo đúng quy chế đào tạo.
“Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và tâm lý các học viên. Việc không trả bằng tốt nghiệp là sai quy định, phải bồi thường, hoàn trả lại tiền. Nhưng đến nay, chúng tôi cũng chưa được nhận lại học phí. Trường hợp không được giải quyết, chúng tôi sẽ khởi kiện”, anh nói.
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Về phía nhà trường, đại diện trường khẳng định từ năm 2020-2021 đến nay, nhà trường không tổ chức tuyển sinh đầu vào văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, cũng không tổ chức đào tạo hay ký hợp đồng hợp tác đào tạo với bất cứ đơn vị nào ngoài trường. Việc tuyển sinh, đào tạo các lớp văn bằng 2 này là do các cơ sở ngoài trường kết nối với một số cá nhân trong trường tổ chức sai quy định.
Sau khi phát hiện vụ việc, nhà trường đã tổ chức thanh tra, kiểm tra vụ việc và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền là Bộ GD-ĐT, cơ quan Công an PA03 thành phố Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hai Bà Trưng.
“Kết quả cho thấy từ khâu tuyển sinh, chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, tổ chức kiểm tra, đánh giá, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp của các lớp văn bằng 2 này đều không đúng quy định của Bộ GD-ĐT và của nhà trường. Chẳng hạn, chương trình được lập trên cơ sở chương trình đào tạo ban hành năm 2017 với 90 tín chỉ đã hết hiệu lực hoặc việc tổ chức đào tạo online 100% trong 2 năm liên tục cũng sai quy định của Bộ GD-ĐT - là chỉ được giảng online 30% thời lượng”, đại diện nhà trường cho hay.
Vì lý do đó, vị này cho rằng, nhà trường không đủ căn cứ pháp lý để công nhận kết quả đào tạo văn bằng 2 này.
Liên quan đến việc giải quyết quyền lợi của người học, PGS.TS Lê Văn Một, Phó trưởng ban thường trực Thanh tra pháp chế (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cho hay, vì nhà trường không mở lớp, không thu và quản lý, sử dụng học phí đối với các lớp văn bằng 2, người học muốn giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi, kể cả học phí, cần trực tiếp làm việc với các cá nhân, cơ sở đã mở lớp và tổ chức đào tạo, thu học phí để giải quyết việc này.
Kể từ năm 2017 đến nay, đã có nhiều lùm xùm đào tạo ‘chui’ liên quan đến Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Chẳng hạn năm 2020, dù không được Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu đào tạo, trường vẫn tuyển sinh chui hàng trăm chỉ tiêu văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh.
Trong quá trình tuyển sinh, đào tạo các năm 2017, 2018, 2019, trường này cũng đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan đến đào tạo chui ngành Dược và các lớp thạc sĩ ngoài trụ sở chính của trường khi chưa được phép của cơ quan quản lý.
Riêng vụ việc tuyển sinh “chui” hơn 3.000 sinh viên ngành Dược, nhà trường đã bị phạt hơn 100 triệu đồng và buộc dừng tuyển sinh liên thông trong 2 năm.
Thúy Nga