Đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn gặp khó

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn gặp khó
5 giờ trướcBài gốc
Nhiều máy móc cũ, hỏng tại nhà kho của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đại Từ.
Du lịch sinh thái và kỹ thuật chế biến món ăn là hai mã nghề đào tạo mới được cấp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Đại Từ. Trong đó, lớp đào tạo về du lịch sinh thái với 30 học viên mới hoàn thành cách đây không lâu. Do chỉ có một giáo viên cơ hữu tham gia đào tạo nghề này, Trung tâm phải thỉnh giảng thêm giáo viên mới đủ đáp ứng điều kiện giảng dạy. Thiếu địa điểm và cơ sở vật chất cần thiết, Trung tâm cũng phải thuê cơ sở kinh doanh du lịch sinh thái ở xã La Bằng (Đại Từ) và TP. Thái Nguyên để làm nơi học tập, thực hành cho học viên.
Tương tự với các lớp đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn, cùng với việc thuê thêm giáo viên, thì toàn bộ dụng cụ thực hành của học viên Trung tâm cũng đến từ các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng trên địa bàn. Hay như nghề chế biến chè xanh đòi hỏi nhiều dụng cụ, trang thiết bị, như: Máy vò chè, tôn quay…, để có đầy đủ máy móc, nhà xưởng cho học viên thực hành, Trung tâm đã phải liên hệ với một số cơ sở sản xuất, hợp tác xã chế biến chè trên địa bàn.
Năm 2024, Trung tâm đã mở 14 lớp đào tạo cho lao động nông thôn với trên 400 học viên. Theo quy định, phải cần 17 giáo viên tham gia giảng dạy nhưng do lực lượng giáo viên cơ hữu mỏng, nên trong năm, Trung tâm phải mời thêm 9 giáo viên tại một số trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh. Chính bởi không phải giáo viên của Trung tâm, nên lịch học tập phụ thuộc nhiều vào việc sắp xếp, bố trí lịch công tác của giáo viên tại các nhà trường. Nhiều giáo viên không thể lên huyện liên tục trong nhiều ngày mà lên theo đợt, đồng nghĩa với tiến độ đào tạo phải kéo dài hơn thông thường.
Thầy Nguyễn Ngọc Liêm, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Đại Từ: Việc mời thêm giáo viên gây khó khăn cho công tác quản lý của Trung tâm, không chủ động được việc điều phối giáo viên. Nhiều khi chúng tôi phải hỗ trợ, dạy thay để đảm bảo thời gian cũng như chất lượng học tập của học viên.
Không chỉ khó khăn trong sắp xếp thời gian, Trung tâm cũng gặp khó trong xác định định mức thù lao 1 giờ dạy đối với 1 giáo viên khi phải hợp đồng giáo viên thỉnh giảng. Theo lãnh đạo Trung tâm, hiện UBND tỉnh mới ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực GDNN, trong đó mới chỉ có định mức về thời gian giảng dạy, định mức thiết bị, vật tư và cơ sở vật chất, chứ chưa có định mức về thù lao đối với các trường hợp giáo viên thuê khoán.
Ngoài ra, như đã nói ở trên, việc thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Trung tâm. Không chỉ thiếu trang thiết bị, dụng cụ học tập đối với các nghề mới được cấp phép đào tạo, một số nghề được Trung tâm đào tạo thường xuyên, đông học viên như nghề may, sửa chữa máy nông nghiệp… cũng bị thiếu máy móc do phần lớn đã được đầu tư mua sắm từ lâu, nhiều máy đã cũ, hỏng.
Để rõ hơn về điều này, cán bộ Trung tâm đã dẫn chúng tôi đi thăm 3 khu vực nhà kho của Trung tâm với nhiều máy may, máy hàn, máy gặt… được mua sắm từ 15-20 năm trước. Trong số này, nhiều máy không thể hoạt động được, máy hoạt động được thì cũng đã lạc hậu về công nghệ, không còn được sử dụng trên thị trường, đồng nghĩa với không đáp ứng được việc học tập, nghiên cứu của học viên để áp dụng vào thực tiễn.
Ông Ngô Mạnh Thơ, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX: Từ năm 2023, Trung tâm GDNN-GDTX không thuộc đối tượng được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm trang thiết bị, máy móc từ nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đây là hạn chế đối với các đơn vị GDNN-GDTX như chúng tôi, bởi cơ sở vật chất hiện nay của Trung tâm còn thiếu, nhất là thiết bị phục vụ công tác dạy nghề, dẫn đến việc tổ chức cho học sinh thực hành nghề tại đơn vị gặp nhiều khó khăn.
Có thể thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp thiết thực để trang bị cho người lao động có nghề và chủ động tìm việc làm, chuyển đổi nghề phù hợp. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, kéo giảm hiệu quả tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Chính vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn về nhân lực, vật lực đối với Trung tâm GDNN-GDTX là cần thiết và cần sớm được các cấp, ngành, địa phương quan tâm.
Thu Huyền
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202412/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-con-gap-kho-b10364d/