Nhằm đáp ứng yêu cầu học nghề, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tích cực phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dạy nghề giúp nông dân có thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng vào sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Hội viên nông dân xã Hải Anh (Hải Hậu) phát triển nghề mộc mỹ nghệ.
Hàng năm, HND các cấp tiến hành điều tra khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn nghề cho người lao động nâng cao nhận thức về nghề nghiệp, việc làm. Trên cơ sở đó, các cấp Hội phối hợp, liên kết với các đơn vị tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Các lớp đào tạo nghề chủ yếu được mở tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Nội dung học lý thuyết đi đôi với hướng dẫn thực hành của giảng viên tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn, giúp học viên dễ dàng tiếp nhận kiến thức, học hỏi được cách làm, hướng đi, kinh nghiệm của các nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Sau thời gian học nghề, nhiều học viên đã được tuyển dụng vào các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất với mức thu nhập ổn định. Từ việc tham gia các lớp đào tạo nghề, hội viên nông dân cũng từng bước thay đổi phương thức canh tác truyền thống lạc hậu, manh mún, chuyển sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức, kỹ năng, phương pháp mới vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Nhiều học viên chủ động triển khai vào thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi học nghề, hội viên nông dân còn tập hợp những người có chung ngành nghề thành những tổ liên kết, có cơ hội tiếp cận vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư mở rộng sản xuất. Đến nay đã có 178 tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp và 6 hợp tác xã (HTX) được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (bình quân 1 tổ hợp tác hay tổ hội nghề nghiệp được vay 500 triệu đồng).
Xác định hoạt động dạy nghề giúp hội viên nông dân tiếp thu được kiến thức mới, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, HND các cấp trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 658 lớp đào tạo nghề cho 23.030 lao động nông thôn, trong đó Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức được 85 lớp cho 2.870 lao động nông thôn. Tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định đạt 85%. Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm được các cấp HND quan tâm, chú trọng đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đời sống của hội viên, nông dân ngày càng ổn định, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2024, HND các cấp đã thành lập câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp tỉnh với 59 thành viên tham gia và 3 câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở. Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn, với số vốn hàng tỷ đồng, thu nhập hàng năm từ vài trăm triệu đồng trở lên, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động. Tiêu biểu như các hộ gia đình: ông Lê Văn Bản, xã Xuân Phúc (Xuân Trường); ông Đỗ Duy Bắc, ông Nguyễn Thanh Giang, xã Nam Điền (Nam Trực); bà Đào Thị Hà, phường Lộc Hòa (thành phố Nam Định); ông Đinh Văn Thuận, xã Hải Đông (Hải Hậu); ông Lương Văn Trường, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng); ông Vũ Tuấn Hiệp, xã Hồng Thuận (Giao Thủy)…
Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề, các cấp HND trong tỉnh còn chú trọng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về nguồn vốn sản xuất, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, HTX. Trong năm 2024, các cấp Hội đã hướng dẫn, thành lập được 5 HTX, 21 tổ hợp tác, nâng tổng số mô hình HTX nông nghiệp lên 19 mô hình với 203 thành viên tham gia; 210 tổ hợp tác với 2.979 thành viên tham gia. HND tỉnh ban hành hướng dẫn tổ chức và hoạt động câu lạc bộ “Khoa học kỹ thuật nhà nông”; phối hợp với Ban Tuyên giáo (Trung ương Hội) tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng và đề xuất giải pháp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp tích hợp đa giá trị”. Tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức về kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp cho 220 hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Hải Hậu, Xuân Trường. Các cấp Hội trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 100 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 13 nghìn lượt hội viên, nông dân. Trong đó, HND tỉnh tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Nam Trực. HND huyện Ý Yên phối hợp với Công ty TNHH Sinh học Nhiệt đới tổ chức 9 lớp tập huấn cho 1.047 cán bộ, hội viên nông dân về sử dụng chế phẩm sinh học ET và AMINO 6DD. HND xã Minh Thuận (Vụ Bản) phối hợp tổ chức hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa tiết kiệm nước tạo tín chỉ Cacbon cho 40 hội viên nông dân…
Các cấp Hội cũng đã tuyên truyền, vận động nông dân đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; thực hiện tốt liên kết “6 nhà” giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Hiện nay, HND 9/9 huyện, thành phố đều có Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đang quản lý là 38,68 tỷ đồng cho cho vay 297 dự án với 1.470 hộ vay. Các cấp Hội còn chủ động phối hợp, tín chấp, nhận ủy thác từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường khai thác các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân vay vốn đầu tư sản xuất và tái sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Nam Định và Bắc Nam Định là 13.552 tỷ đồng cho 35.506 hộ vay thông qua 1.653 tổ vay vốn; ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.824 tỷ đồng cho 38.560 hộ vay thông qua 1.074 tổ vay vốn. Ngoài ra, HND tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tiếp tục triển khai “Thỏa thuận hợp tác giữa HND Việt Nam và Bưu điện Việt Nam về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025” tại tỉnh Nam Định. Đến nay, HND các huyện, thành phố đã phối hợp với Bưu điện huyện hỗ trợ nông dân đưa gần 500 nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử POSTMART.
Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề gắn với nhu cầu thực tiễn của nông dân, giúp hội viên tiếp cận được những kiến thức mới, từ đó áp dụng vào phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Bài và ảnh: Lam Hồng