Cán bộ ngành nông nghiệp tỉnh hướng dẫn nông dân thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao - Ảnh: T.A.M
Nâng cao chất lượng cán bộ - một yêu cầu cấp thiết
Trong quá trình phát triển, cùng với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo thì năng lực, phẩm chất đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ mang tính quyết định, là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh. Vì vậy, các cấp ủy và chính quyền địa phương luôn xác định không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ một cách toàn diện. Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trong giai đoạn 2020-2024, toàn tỉnh tổ chức khoảng 3.500 khóa đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, trong đó có bồi dưỡng về các nội dung liên quan đến chuyển đổi số và cải cách hành chính và hơn 85% cán bộ lãnh đạo được bồi dưỡng về các nội dung này. Tuy nhiên, trình độ cán bộ cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là về lĩnh vực công nghệ thông tin.
Nhằm cải thiện những “khoảng trống” trong trình độ cán bộ ở cơ sở, nhất là nâng cao khả năng tiếp nhận kiến thức về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp để không ngừng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, công chức, viên chức.
Tỉnh đã đầu tư mạnh mẽ vào việc ứng dụng công nghệ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ năm 2022 đến nay, hơn 80% khóa học tại tỉnh được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp mở rộng cơ hội học tập cho cán bộ ở vùng sâu, vùng xa, giúp hơn 4.000 lượt cán bộ tiếp cận kiến thức mới bằng hình thức đào tạo trực tuyến .
Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đào tạo cán bộ
Những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tạo nên những bước đột phá nâng cao chất lượng và số lượng cán bộ được đào tạo. Nền tảng quản lý học tập số hóa, kết nối đồng bộ với các cơ sở đào tạo được tỉnh triển khai có hiệu quả. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đào tạo giúp cán bộ, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, tiếp cận được các khóa học một cách linh hoạt, không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí học tập mà còn mở rộng cơ hội học tập cho các tầng lớp cán bộ ở mọi vùng miền .
Trong công tác đào tạo bằng hình thức trực tuyến, những năm qua, tỉnh đã tích hợp công nghệ vào quá trình quản lý đào tạo được xây dựng trên nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), giúp theo dõi toàn diện quá trình học tập và kết quả học tập của từng học viên.
Từ đó, có thể đánh giá cụ thể chất lượng đào tạo của từng lớp tập huấn hay cụ thể từng học viên. Qua đó, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của cán bộ và điều chỉnh nội dung đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế.
Tuy nhiên, việc đào tạo trực tuyến ở tỉnh còn gặp những khó khăn như: hạ tầng công nghệ thông tin ở vùng sâu, vùng xa còn yếu; tinh thần tự giác học tập của một số bộ phận cán bộ chưa cao, vẫn còn tâm lý e ngại trước sự thay đổi, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ, dẫn đến việc học tập mang tính đối phó; nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên khó mời được các giảng viên, chuyên gia từ trung ương, từ cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quốc tế có uy tín. Một số cán bộ có tài năng thực sự ít chấp nhận về làm việc tại tỉnh...
Những hướng đi cho tương lai
Công tác đào tạo, bồi dưỡng và ứng dụng chuyển đổi số mang lại cho tỉnh những kết quả tích cực trong việc nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, thời gian tới, trước yêu cầu cấp thiết của quá trình chuyển đổi số, tỉnh đối mặt với không ít thách thức, do đó, tỉnh đã đề ra những giải pháp đột phá.
Đó là, tăng cường đầu tư vào hạ tầng công nghệ công tin tại các địa phương khó khăn về lĩnh vực này. Xây dựng chính sách thu hút nhân tài từ các nơi về công tác tại tỉnh và gắn bó lâu dài tại địa phương như hỗ trợ về nhà ở, mức phụ cấp xứng đáng...
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và liên kết vùng, mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế uy tín và các trường đại học hàng đầu trong nước để tổ chức các khóa học chất lượng cao. Đồng thời, phát triển đội ngũ giảng viên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ để họ không chỉ làm công tác đào tạo mà còn hướng dẫn cán bộ ứng dụng kiến thức vào thực tiễn địa phương.
Hiện nay, cùng với cả nước, Quảng Trị đang thực hiện công tác tinh giản, sắp xếp, sàng lọc đội ngũ cán bộ, lựa chọn xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Sự lựa chọn, sắp xếp này là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để nhiều cán bộ đủ đức, đủ tài vươn lên làm chủ công nghệ, tiếp thu nhanh kiến thức để không chỉ hoàn thiện khả năng bản thân mà còn cống hiến tài năng phục vụ quê hương.
Với quyết tâm đổi mới, tập trung đầu tư vào công nghệ để thực hiện chuyển đổi số cùng với chiến lược đầu tư bài bản trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, tỉnh Quảng Trị sẽ có nguồn nhân lực đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và dẫn dắt sự phát triển bền vững tại địa phương.
Trần Anh Minh