Một tiết học với giảng viên quốc tế tại Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: Nguyễn Ngọc
Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế của TPHCM được kỳ vọng sẽ phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho thành phố và cả nước trong quá trình hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, đề án còn góp phần đổi mới toàn diện giáo dục, đáp ứng xu thế toàn cầu hóa về lực lượng lao động.
Nỗ lực nghiên cứu và dự báo nhu cầu
Tháng 7/2021, UBND TPHCM phê duyệt Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020 - 2035 và đại học chia sẻ. Đề án tổng thể này có 9 đề án thành phần, bao gồm:
Ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM chủ trì); Ngành Cơ khí - Tự động hóa (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM); Ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM); Ngành Quản trị doanh nghiệp và ngành Tài chính - Ngân hàng (Đại học Kinh tế TPHCM); Ngành Y tế (Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch); Ngành Du lịch (Trường Đại học Sài Gòn); Ngành Quản lý đô thị (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM); Đại học chia sẻ (Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TPHCM).
Dựa trên việc phân tích dữ liệu từ khảo sát và các nguồn khác, nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) dự báo: Tỷ lệ tăng trưởng nhân lực ngành AI trong giai đoạn 2021 - 2025, 2026 - 2030 và 2031 - 2035 tương ứng là 20%, 15% và 10%/năm. Với tỷ lệ tăng trưởng này, TPHCM sẽ cần số nhân sự ngành AI cho ba giai đoạn trên tương ứng là 5.500, 11.000 và 18.000 người.
Đề án nhằm góp phần phát triển lực lượng lao động có chất lượng cao từ đó giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế cho TPHCM và cả nước trong quá trình hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu; đáp ứng đổi mới toàn diện giáo dục và xu thế toàn cầu hóa lực lượng lao động.
Các đề án thành phần được TPHCM đặt hàng cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu xây dựng theo nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Đến nay, có 6 đề án thành phần được nghiệm thu, 2 đề án đang nghiên cứu sẽ nghiệm thu trong năm 2025 và 1 đề án đang thẩm định giao nhiệm vụ.
Trong quá trình triển khai các đề án thành phần của Đề án tổng thể, các trường đại học tại TPHCM đã tích cực nghiên cứu và dự báo nhu cầu nhân lực quốc tế trong các ngành mũi nhọn. Một ví dụ điển hình là đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Trí tuệ nhân tạo (AI), do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) chủ trì.
Nhóm nghiên cứu do PGS.TS Nguyễn Văn Vũ - Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên làm chủ nhiệm. Nhóm đã tiến hành tổng hợp và phân tích nguồn thông tin, dữ liệu chính bao gồm nhiều báo cáo về nhu cầu nhân lực ngành AI trên thế giới, ở Việt Nam và từ khảo sát các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Nhóm cũng nghiên cứu năng lực đào tạo nhân lực ngành AI của các đơn vị đào tạo trên địa bàn TPHCM thông qua thu thập dữ liệu tuyển sinh và khảo sát thực tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Vũ, kết quả nghiên cứu cho thấy, nguồn nhân lực ngành AI trên địa bàn TPHCM hiện chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng. Nhu cầu của các doanh nghiệp tăng từ 10% đến 20%/năm trong khi chỉ tiêu đào tạo ngành AI của các cơ sở đào tạo trên địa bàn chỉ tăng từ 5% đến 10%/năm. Chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu. Đề án của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên không chỉ phản ánh thực trạng hiện tại mà còn đề xuất các giải pháp khoa học và thực tiễn để thúc đẩy đào tạo nhân lực AI trong thời gian tới.
Lãnh đạo các trường đại học ký kết hợp tác về phối hợp đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, tháng 12/2024. Ảnh: Mạnh Tùng
Nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Tháng 12/2024, Đại học Kinh tế TPHCM chính thức triển khai Đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính - Ngân hàng. Đây là một trong những chương trình trọng điểm hướng đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2035. Chương trình được thiết kế nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đồng thời trang bị nền tảng về kinh tế và quản lý.
Chương trình nhấn mạnh vào sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp sinh viên phát triển các kỹ năng nghề nghiệp thiết yếu, đáp ứng yêu cầu việc làm quốc tế. Sinh viên được đào tạo để có khả năng thích nghi nhanh chóng với thị trường lao động toàn cầu, đáp ứng xu hướng phát triển công nghệ và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại học Kinh tế TPHCM dự kiến tuyển chọn 30 - 40 sinh viên tham gia chương trình, chủ yếu từ nguồn đại học chính quy tập trung trúng tuyển năm 2024 (khóa 50) thuộc các lớp Tài chính, Tài chính quốc tế và Đầu tư tài chính. Sinh viên tham gia phải có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 6.0 trở lên hoặc chứng chỉ tương đương và tự nguyện cam kết hoàn thành khóa học.
Đối với trường hợp nhận học bổng từ nhà tài trợ phải thực hiện nghĩa vụ làm việc hoặc thực tập tại các vị trí phù hợp trong ngành Tài chính - Ngân hàng. Chương trình kéo dài 3,5 năm với tổng cộng 124 tín chỉ, sử dụng 100% tiếng Anh trong giảng dạy. Sau khi hoàn thành chương trình, sinh viên được cấp bằng cử nhân Tài chính - Ngân hàng (Chương trình đào tạo nhân lực trình độ quốc tế).
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cam kết các chính sách hỗ trợ các trường đại học tại Hội nghị công bố kết quả đề án thành phần, tháng 12/2024. Ảnh: Mạnh Tùng
Đề án này nằm trong khuôn khổ Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020 - 2035 và đại học chia sẻ theo kế hoạch của UBND TPHCM ban hành năm 2021. Đại học Kinh tế TPHCM được giao chủ trì Đề án thành phần 5 về đào tạo nhân lực ngành Tài chính - Ngân hàng.
GS.TS Sử Đình Thành - Giám đốc Đại học Kinh tế TPHCM, chia sẻ: “Trong quá trình xây dựng và triển khai đề án, nhà trường đã tập trung thiết kế chương trình chất lượng cao, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và gắn kết lý thuyết với thực tiễn. Đồng thời, nhà trường cũng đầu tư vào đội ngũ giảng viên, trong đó có sự tham gia của các giảng viên đến từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới”.
Theo GS.TS Sử Đình Thành, hợp tác giữa trường và các doanh nghiệp là điểm nhấn quan trọng, tạo điều kiện cho sinh viên tham quan, kiến tập, thực tập và tìm kiếm việc làm phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp.
Dự báo nhân lực ngành Trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2021 - 2025, 2026 - 2030 và 2031 - 2035 tại TPHCM. Ảnh: Chụp báo cáo
Đồng hành cùng nhà trường
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, nguồn nhân lực được xác định là yếu tố quan trọng cho sự phát triển đột phá của thành phố giai đoạn tới. Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố đang tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ hiện đại giá trị cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cùng với việc triển khai nhiều đề án như xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, phát triển đường sắt đô thị…, các cơ sở đào tạo được giao triển khai các đề án thành phần cần khẩn trương hoàn thiện chương trình.
Các trường cần đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp cả trong việc thiết kế chương trình, lựa chọn phương thức và triển khai để đào tạo sát thực tế; chủ động đầu tư về đội ngũ và cơ sở vật chất.
Để nhân lực được đào tạo đáp ứng yêu cầu trình độ quốc tế, theo ông Phan Văn Mãi, nhân lực được đào tạo phải có cả ngoại ngữ, kiến thức pháp lý quốc tế và kỹ năng về kinh doanh. Các đơn vị cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế hợp tác giữa chính quyền, trường đại học và doanh nghiệp sử dụng lao động ở các ngành này.
Cùng với cam kết hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển để phát huy kết quả đề án, thành phố cũng đầu tư nguồn lực xứng đáng cho chương trình đào tạo. Ngoài các trường đã tham gia đề án, thành phố khuyến khích sự tham gia của đại học khác trên địa bàn, kể cả trường quốc tế.
Doanh nghiệp phỏng vấn tuyển dụng sinh viên tại Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH
Để làm được việc này, Chủ tịch UBND TPHCM nêu 3 nội dung cần triển khai. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa chính quyền, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Thứ hai, cùng với Đại học Quốc gia TPHCM, các cơ sở đào tạo khẩn trương hoàn thiện chương trình theo hướng đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế.
Các cơ sở đào tạo nên có hợp tác quốc tế trong xây dựng chương trình, đẩy mạnh tương tác với các cơ sở đào tạo khác để có được chương trình tiên tiến, hiện đại và phối hợp với doanh nghiệp để nắm được nhu cầu thị trường nhằm có chương trình phù hợp, đáp ứng ngay với nhu cầu thực tế. Thứ ba, cùng với chương trình, đội ngũ giảng viên, hợp tác với doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo cần đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm,… để triển khai đào tạo có hiệu quả.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho rằng, vấn đề quan trọng khác trong đào tạo nguồn nhân lực mà các cơ sở đào tạo cần lưu ý để đáp ứng toàn diện nhân lực là ngoại ngữ, sự hiểu biết pháp lý quốc tế và ý thức, kỹ năng về kinh doanh. Ông Mãi bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tham gia đóng góp, phối hợp thực hiện và đặt hàng để việc đào tạo nhân lực sát với thực tế nhất.
Để triển khai các đề án, chương trình hiệu quả trong thời gian tới, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh 3 cam kết của thành phố: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường quản trị, tạo thuận lợi để các chương trình hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều thành phần tham gia, phát huy hiệu quả các chương trình không chỉ ở cơ sở đào tạo mà còn trong thành phố hoặc phát triển ra nước ngoài.
Đồng thời, thành phố cam kết đầu tư nguồn lực xứng đáng để phát triển các chương trình, đào tạo giảng viên, đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại… Cuối cùng, TPHCM sẽ cùng các bên giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình thời gian tới.
Mạnh Tùng