Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam: Vừa thiếu, vừa yếu lại thêm nguyên tắc 'có vào thì sẽ có ra'

Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam: Vừa thiếu, vừa yếu lại thêm nguyên tắc 'có vào thì sẽ có ra'
7 giờ trướcBài gốc
Đào tạo tiến sĩ có ý nghĩa sống còn với các cơ sở giáo dục đại học
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN nhấn mạnh, đào tạo sau đại học (SĐH),đặc biệt là đào tạo tiến sĩ có ý nghĩa sống còn với các cơ sở giáo dục đại học, vì thông qua đào tạo sau đại học đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, qua đó tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ (KHCN), tăng cường công bố quốc tế và nâng cao ranking và uy tín, vị thế của nhà trường.
Đặc biệt sau những lùm xùm của dư luận về chất lượng đào tạo tiến sĩ và những chấn chỉnh của Bộ GD-ĐT, nhất là khi ban hành Quy chế tiến sĩ theo Thông tư 08 năm 2017, siết chặt đầu vào và đầu ra, cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng GS, PGS thông qua công bố quốc tế thì chất lượng đào tạo tiến sĩ được nâng lên rõ rệt.
Công tác tổ chức điều hành hoạt động đào tạo SĐH của các trường dần đi vào nền nếp; nhiều trường đã hình thành các nhóm nghiên cứu, và qua đó từng bước xây dựng, bổ sung, phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo; xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục; mở rộng liên kết với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế.
Không chỉ khắc phục tình trạng lực lượng cán bộ giảng dạy SĐH mỏng và dàn trải mà còn đã từng bước hình thành đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học tận tình, tâm huyết với giảng dạy và NCKH với chuyên môn sâu.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, kết quả đào tạo SĐH nói chung, chất lượng luận án tiến sĩ (TS) nói riêng, có bước tiến rõ rệt. Nhiều nghiên cứu sinh (NCS), đặc biệt là các NCS trong lĩnh vực KHTN, Kỹ thuật – Công nghệ, khi bảo vệ luận án đã có công trình, kết quả nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế ISI, góp phần mạnh mẽ đẩy Việt Nam từ vị trí gần như cuối trong ASEAN về công bố quốc tế 10 năm trước, lên vị trí thứ 4 vào năm 2022.
Thành tựu đào tạo đội ngũ tiến sĩ đã góp phần trực tiếp tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ khoa học và thúc đẩy họ hoạt động sáng tạo của các trường ĐH, viện nghiên cứu.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ TS trong các trường đại học trong cả nước đã đạt từ 14% (2014) lên 31% trong năm 2023.
Một số NCS có luận án TS đạt chất lượng cao, có nhiều công bố quốc tế, không chỉ góp phần nâng cao vị thế của nhà trường và của ngành giáo dục ĐH, mà còn góp phần giải quyết một số vấn đề trong khoa học cơ bản, công nghệ, sản xuất, quản lý kinh tế, xã hội.
Bên cạnh đó, sản phẩm của đào tạo SĐH của cả nước trong thời gian qua không chỉ là đội ngũ TS, mà chính là đã tạo nên đội ngũ cán bộ khoa học đông đảo và rộng khắp trên mọi lĩnh vực, góp phần để thúc đẩy KHCN Việt Nam hội nhập với chuẩn mực và trình độ quốc tế.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ TS trong các trường đại học trong cả nước đã đạt từ 14% (2014) lên 31% trong năm 2023
Nghiên cứu sinh không có thời gian nghiên cứu
Bên cạnh những kết quả cơ bản như trên, GS Nguyễn Đình Đức đã chỉ ra những hạn chế, bất cập cần khắc phục của công tác đào tạo SĐH hiện nay sau một cuộc khảo sát. Cụ thể:
Giai đoạn 2020-2021, nhóm nghiên cứu của GS Đức đã tiến hành khảo sát và lấy ý kiến của 463 NCS của hơn 40 cơ sở đào tạo đại học trong cả nước. Kết quả cho thấy, tuy đánh giá cao về việc được tham gia sinh hoạt khoa học ở Bộ môn thường xuyên, nhưng công tác Tạo điều kiện cho NCS tham gia công tác trợ giảng và hỗ trợ đào tạo lại được các NCS đánh giá cơ sở giáo dục chưa thực hiện tốt.
Một phần nguyên nhân do mô hình đào tạo tiến sĩ không phải là toàn thời gian – tức là – NCS vừa tham gia học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo, lại vừa làm việc tại một đơn vị khác, khiến cho việc bố trí thời gian thường xuyên để tham gia công tác trợ giảng và hỗ trợ đào tạo gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ học bổng cho NCS/ hỗ trợ công bố quốc tế/hỗ trợ NCS tham gia hội nghị hội thảo cũng không được đánh giá cao – hầu hết NCS phải tham gia các đề tài với giảng viên hướng dẫn hoặc đề tài tại nơi làm việc mới có kinh phí hỗ trợ cho công bố quốc tế hoặc tham gia hội nghị, hội thảo trong nước.
“Đây cũng là một vấn đề khiến cho công bố quốc tế trong quá trình làm NCS không đạt được kỳ vọng như mong muốn do NCS vừa phải đóng học phí, vừa phải tự trang trải cuộc sống thường nhật nên khó có thể dành thời gian cũng như kinh tế để tham gia hội thảo ở nước ngoài hoặc công bố quốc tế” – GS Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khảo sát đã cho thấy, số lượng nhóm nghiên cứu (NNC) trong các trường đại học còn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của NCS.
Cũng theo kết quả khảo sát, hơn 64% thấy rằng, chỉ có 166 NCS (35,9%) đã từng tham gia vào các NNC; trong số 297 NCS chưa từng tham gia NNC (64,1% số NCS được khảo sát) có tới 247 NCS nói rằng họ chưa có cơ hội tham gia NNC; hoặc cơ sở giáo dục không tạo được môi trường làm việc trong NNC hoặc không tìm được NNC phù hợp.
Ngoài ra, có thể thấy nhóm NCS đã tham gia NNC có số công bố (cả trong nước và quốc tế) đều cao hơn so với nhóm những NCS chưa tham gia NNC khác biệt với số công bố trong tạp chí thuộc hệ thống ISI/Scopus.
Nhà khoa học không có đủ trình độ, năng lực để hướng dẫn NCS
Cũng theo kết quả khảo sát, nhiều NCS đánh giá: Nhà khoa học không có đủ trình độ, năng lực để hướng dẫn NCS được các NCS đánh giá có tác động lớn nhất đến chất lượng đào tạo tiến sĩ.
Đặc thù của bậc đào tạo TS là nghiên cứu chuyên sâu do vậy chương trình đào tạo NCS đòi hỏi hàm lượng NCKH cao hơn so với chương trình đào tạo ĐH hay cao học. NCS học tiến sĩ, nghiên cứu đề tài về thực chất là gắn liền việc học tập với NCKH, dưới sự dìu dắt của thầy hướng dẫn. Nếu người thầy không đủ giỏi, không đủ tốt sẽ không thể định hướng tốt cho NCS trong quá trình nghiên cứu.
Nghiên cứu cũng đã đưa ra việc công bố quốc tế của Việt Nam khá mạnh trong các lĩnh vực Kỹ thuật, CNTT, Vật lý, Khoa học Vật liệu, Hóa học và Toán học trong thời gian vừa qua.
Hình 3. Biểu đồ công bố quốc tế của ĐHQGHN, Việt Nam và Thế giới giai đoạn 2016-2021
Theo đó, số lượng công bố lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ của một số quốc gia, gồm: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, lấy tổng theo các lĩnh vực được xem có công nghệ cao gồm: Medicine; Computer Sciences; Energy; Engineering; Environmental Science; Material Science; Physics and Astronomy; Earth and Planetary Sciences; Neuroscience; Biochemistri, Genetics and Molecular Biology; Pharmacology, Toxicology and Pharmaceutics; Immunology and Microbiology.
Kết quả thống kê và so sánh trong giai đoạn 10 năm 2014-2023 được biểu diễn như sau:
Hình 6. Số lượng công bố hàng năm của từng quốc gia theo lĩnh vực trong giai đoạn 2014-2023
GS. Đức phân tích, các thống kê trên cho thấy những năm qua, lĩnh vực Engineering có công bố nhiều nhất, tăng nhanh nhất, trong đó Việt Nam không là ngoại lệ. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu của Việt nam vẫn còn rất thấp so với các nước phát triển trong khu vực như Hàn Quốc. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến nước ta thường đứng ở vị trí cuối hoặc nửa cuối bảng xếp hạng về một số chỉ số công nghệ quan trọng.
Đào tạo theo nguyên tắc “có vào thì sẽ có ra”
Kết quả khảo sát còn cho thấy, NCS cũng đánh giá năng lực ngoại ngữ có ảnh hưởng lớn nhất đối với chất lượng đào tạo Tiến sĩ. Yếu về khả năng ngoại ngữ sẽ hạn chế khả năng hội nhập quốc tế trong khoa học, xu hướng nghiên cứu trên thế giới không được cập nhật, từ đó dẫn đến cách tiếp cận và phương pháp của các nhà nghiên cứu không theo chuẩn mực quốc tế.
GS Nguyễn Đình Đức cho biết, phương châm đào tạo hiện nay vẫn theo nguyên tắc bất thành văn là “có vào thì sẽ có ra” mà chưa có sự sàng lọc chặt chẽ, trong khi việc tuyển đầu vào NCS có phần dễ dãi hơn nhiều so với trước đây phải thi cử. Việc quy định học viên, NCS tham gia NCKH cũng còn lỏng lẻo, chưa phát huy khả năng tìm tòi, ứng dụng kiến thức của người học.
Thực trạng công tác quản lý đào tạo SĐH cũng tồn tại nhiều tầng các cấp quản lý, cả chính thức và không chính thức. Tình trạng phổ biến là các lớp SĐH nằm dưới bộ máy quản lý trung gian là chủ yếu mà không phải trực thuộc đơn vị chuyên môn. Trong nhiều cơ sở đào tạo, vai trò của các bộ môn trong đào tạo và quản lý NCS về sinh hoạt khoa học, chuyên môn và tiến độ thực hiện luận văn, luận án.
Trong khi đa số các cơ sở đào tạo chấp hành tốt quy chế, lấy kết quả đào tạo làm đầu thì có một số nơi vẫn chạy theo số lượng, quản lý lỏng lẻo, dễ dãi trong thực hiện quy chế, chất lượng TS không cao, không thực chất.
GS Nguyễn Đình Đức cho biết, phương châm đào tạo hiện nay vẫn theo nguyên tắc bất thành văn là “có vào thì sẽ có ra” mà chưa có sự sàng lọc chặt chẽ
Mỗi năm chỉ tuyển được 30% chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều năm, từ 2021 đến nay, cả nước mỗi năm chỉ tuyển được khoảng 30% chỉ tiêu NCS. Kinh phí dành cho đào tạo sau đại học, trong đó có đào tạo NCS thấp, và rất thấp so với các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng tiếp theo là chất lượng người hướng dẫn luận án. Nhiều cán bộ hướng dẫn NCS, không có công trình khoa học công bố trên các tạp chí uy tín, không có đề tài, hạn chế ngoại ngữ giao tiếp, hạn chế hợp tác quốc tế...
Một số cơ sở đào tạo chưa chấp hành nghiêm quy chế đào tạo tiến sĩ; chuẩn đầu ra còn dễ dãi, du di; thành lập hội đồng bảo vệ thiếu khách quan. Bên cạnh đó một số quy định hiện hành về mở ngành, quy trình đào tạo, quy định về kinh phí đào tạo... không còn phù hợp khiến cho cơ sở đào tạo không huy động được nguồn lực cho đào tạo tiến sĩ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng đào tạo TS của Việt Nam hiện nay, mặc dù đã được cải thiện và từng bước hội nhập quốc tế, nhưng trong nhiều ngành chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội và nhiều ngành có chuẩn đầu ra về công bố của các NCS còn rất xa so với chuẩn mực quốc tế.
GS Đức cho rằng: “Thực trạng đào tạo TS của một số cơ sở nhanh và dễ dàng cho thấy chất lượng các nghiên cứu, chất lượng luận án chưa thực sự đảm bảo. Việc thực hiện các chuyên đề TS còn mang tính hình thức, chưa coi trọng phương pháp nghiên cứu. Tính sáng tạo, những đóng góp mới, thiết thực có giá trị khoa học và thực tiễn của các luận văn, luận án trong thời gian gần đây tuy đã có tiến bộ song chưa nhiều.
Không ít các luận án đều qua công nghệ “xào nấu” hay một số đề tài luận án TS chỉ như các đề tài khoa học ứng dụng, chưa đủ tầm khoa học hoặc chưa giải quyết được các vấn đề học thuật mới.
Nhiều NCS chỉ có số bài viết đủ mức quy định tối thiểu hoặc viết đối phó để lấy công trình, nên chất lượng bài báo cũng chưa cao. Sau đào tạo nhiều cán bộ khoa học vẫn chưa hình thành được khả năng độc lập nghiên cứu và có thể xem đây là hạn chế căn bản của đào tạo SĐH”.
Theo GS Đức,mặc dù đào tạo SĐH ở Việt Nam đã triển khai được gần 4 thập kỷ, song người học SĐH sau khi được cấp bằng vẫn chưa được quan tâm đãi ngộ xứng đáng, thậm chí còn nhiều bất hợp lý trong bố trí sử dụng. Trên phương diện tổng thể, hiện nay chúng ta vẫn thiếu vắng một cơ chế sử dụng và đãi ngộ nhân tài phát huy trí tuệ khoa học, do đó chưa thực sự khuyến khích người học phấn đấu trong học tập nghiên cứu.
GS Nguyễn Đình Đức phát biểu tại tọa đàm “Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, đào tạo luật và công tác tuyển sinh” chiều 29.9, tại Nhà Quốc hội do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Giải pháp nào để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ?
Từ những kết quả phân tích, khảo sát như trên, GS. Nguyễn Đình Đức đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ như sau:
Một là, Nhân tố người thầy là yếu tố hàng đầu để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động đào tạo tiến sĩ, vì vậy cần xây dựng, quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ khoa học, đảm bảo chuẩn quy định, đồng thời có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với thầy hướng dẫn, tạo động lực cho đào tạo sau đại học phát triển.
Hai là, các chương trình đào tạo tiến sĩ phải vừa có tính chất cơ bản, hiện đại và thực tiễn, đồng thời gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo sau đại học thông qua các nhóm nghiên cứu, các đề tài/dự án nghiên cứu để có bước thay đổi thực sự trong năng lực tư duy và tự nghiên cứu của người học.
Ba là, nhóm nghiên cứu mạnh là xương sống của hoạt động nghiên cứu khoa học, thậm chí là của cả hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học trong trường đại học. Điều này đã được chứng minh qua thực tiễn hoạt động của nhiều nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học ở các nước phát triển. Nhóm nghiên cứu mạnh là hình thức tổ chức phổ biến để tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học, thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo sau đại học. Vì vậy, các đơn vị cần tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tư liệu phục vụ cho hoạt động học tập nghiên cứu cho các PTN và các nhóm nghiên cứu mạnh; gắn kết luận án của nghiên cứu sinh với các nhóm nghiên cứu, với các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo tiến sĩ.
Bốn là, các trường đại học, đơn vị nghiên cứu cần siết chặt chất lượng đầu vào, và xác lập chuẩn đầu ra của các học viên cao học và NCS về công bố khoa học, đảm bảo sản phẩm đầu ra có năng lực nghiên cứu tốt, có đóng góp mới trong luận án.
Năm là, Các quy định, chính sách, thể chế cần xem NCS là nguồn nhân lực, tiềm lực KHCN của nhà trường.
Sáu là, Tăng cường hợp tác quốc tế. Cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục rườm rà, có cơ chế tạo điều kiện cho học viên và NCS hội nhập quốc tế thông qua các hình thức như tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; các khóa trao đổi trong thời gian làm NCS. Hợp tác quốc tế là hướng quan trọng để thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu quốc tế, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, và rút ngắn dần trình độ khoa học Việt Nam so với thế giới.
Bảy là, cần có chính sách tăng kinh phí cho hoạt động đào tạo TS, đồng thời sửa đổi Luật, để bên cạnh học phí còn có kinh phí hỗ trợ đào tạo như trước đây (nguồn kinh phí từ Nhà nước, nhà trường và các nguồn khác để nghiên cứu sinh không phải đóng học phí) trong quá trình đào tạo NCS. Chúng ta không thể có NCS giỏi, không thể có chất lượng luận án tốt với nhiều công bố quốc tế hoặc sản phẩm KHCN có uy tín nếu duy trì mãi nguồn kinh phí đào tạo tiến sĩ ít ỏi như hiện nay.
Tám là, phải quy định và quản lý chặt chẽ đào tạo NCS. Làm luận án TS phải là đào tạo chính quy, toàn thời gian, và có chế độ hỗ trợ về học bổng/lương dành cho NCS.
Chín là đẩy mạnh tự chủ đại học. Tự chủ để tăng nguồn lực, tăng cường hội nhập quốc tế và cởi trói cho giáo dục đại học, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các trường và từ đó tăng nguồn lực hỗ trợ đào tạo và NCKH cho thầy và trò trong quá trình làm luận văn, luận án.
Mười là, tăng cường năng lực ngoại ngữ trong quá trình đào tạo NCS. Quy định bắt buộc tất cả các NCS khi tốt nghiệp đều phải thông thạo 1 ngoại ngữ. Hiện nay mặc dù đã quy định NCS phải có B2 ngoại ngữ đầu vào, nhưng nhiều NCS còn yếu ngoại ngữ và do đó không thể hội nhập với quốc tế.
Hồng Hạnh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/dao-tao-tien-si-o-viet-nam-vua-thieu-vua-yeu-lai-them-nguyen-tac-co-vao-thi-se-co-ra-post391799.html