Mỗi học sinh ở Nhật Bản ngày nay đều sử dụng máy tính bảng. Đồng thời các thiết bị số hiện cũng không thể thiếu. Trong khi mọi người thường cho rằng những thiết bị này khiến thị lực của trẻ em tiếp tục suy giảm, thì liệu các thiết bị số có thực sự gây hại nhiều hơn cho mắt so với sách hoặc truyện tranh truyền thống không?
Khi đánh giá tình trạng mỏi mắt, một yếu tố căn bản là khoảng cách giữa mắt và vật thể đang nhìn.
Học sinh xem thiết bị số gần hơn so với đọc sách
Một nghiên cứu năm 2015 do nhà nghiên cứu Naomi Nohara của Đại học Khoa học Sức khỏe Heisei đứng đầu, khảo sát 67 sinh viên trong độ tuổi từ 19 đến 31, đã phát hiện ra rằng khoảng cách xem trung bình khi đọc sách là 33,7 cm. Ngược lại, khi soạn email trên điện thoại thông minh, khoảng cách trung bình là 27,7 cm.
Bác sĩ nhãn khoa Takashi Fujikado, cũng là giáo sư tại Đại học Osaka, nhận xét, "Khi nhìn một vật ở khoảng cách 20cm, so với 30cm, con người cần phải tập trung nhiều hơn khoảng 1,7 lần. Điều này làm tăng áp lực lên mắt và chúng ta có thể nói rằng các thiết bị kỹ thuật số, thường được nhìn ở khoảng cách gần hơn so với giấy, có nhiều khả năng gây cận thị hơn".
Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã ghi nhận sự gia tăng, đặc biệt là ở các thế hệ trẻ, của một tình trạng về mắt được gọi là lác mắt hội tụ cấp tính, trong đó một mắt hướng vào trong, gây ra tình trạng nhìn một ra hai. Trong khi nguyên nhân vẫn chưa rõ ràng, nhưng theo Fujikado, việc nhìn các thiết bị số ở khoảng cách gần trong thời gian dài có thể là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng này.
Hiệp hội Mắt lác và nhược thị Nhật Bản và Hiệp hội Nhãn khoa cho bệnh nhi Nhật Bản đã phân tích 194 bệnh nhân trong độ tuổi từ 5 đến 35 bị lác hội tụ cấp tính và phát hiện ra rằng những người ở độ tuổi 16 là nhóm lớn nhất bị tình trạng này, với 16 bệnh nhân. Tiếp theo là 14 bệnh nhân ở độ tuổi 13 và 13 bệnh nhân ở độ tuổi 14. Những con số này cho thấy tỷ lệ mắc bệnh cao ở học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Trong số 194 bệnh nhân được báo cáo từ các cơ sở y tế trên toàn Nhật Bản, 156 người, sử dụng thiết bị số trong thời gian dài, đã được yêu cầu giảm thời gian sử dụng màn hình trong ba tháng để xem các triệu chứng của họ có cải thiện không.
Đối với những bệnh nhi tiểu học, thời gian sử dụng được giới hạn dưới một giờ mỗi ngày, trong khi đối với những bệnh nhân ở độ tuổi trung học cơ sở trở lên, thời gian sử dụng được giới hạn dưới hai giờ mỗi ngày. Mười người trong số họ đã khỏi bệnh và 58 người thấy các triệu chứng giảm bớt. Tuy nhiên, 88 bệnh nhân, hay gần 60%, thấy các triệu chứng của họ không thay đổi hoặc thậm chí trở nên tồi tệ hơn.
Fujikado giải thích, "Ở những người trẻ tuổi, một khi góc lệch mắt trở nên lớn, việc tự điều chỉnh trở nên khó khăn".
Vậy trẻ em nên làm gì để bảo vệ sức khỏe đôi mắt? Bác sĩ Fujikado khuyên nên chơi ngoài trời hai giờ mỗi ngày, giữ các thiết bị số cách mắt ít nhất 30 cm và tránh xa màn hình trong hai đến ba phút sau mỗi nửa giờ.
Minh Hoa