Video: Cận cảnh đập dâng đầu tiên trên sông Tô Lịch
Hà Nội đang triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm cải tạo môi trường sông Tô Lịch, với trọng tâm là việc xây dựng hệ thống đập dâng giúp giữ nước và điều tiết dòng chảy. Công trình đầu tiên được thực hiện tại khu vực cầu Quang (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) với nỗ lực hồi sinh con sông huyết mạch của Thủ đô.
Hiện tại, đập dâng đầu tiên được xây trên sông Tô Lịch đang được khẩn trương hoàn thành kết cấu bê tông ở phần lòng đập và xung quanh. Trong lòng đập dâng, các đơn vị thi công đang huy động máy móc, nhân lực để làm sàn và bê tông bao quanh.
Đập dâng đầu tiên ở sông Tô Lịch nằm ở phía trên cầu Quang xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Đây là 1 trong 3 đập dâng sẽ được xây dựng trên sông Tô Lịch để phục vụ việc bổ cập nước làm sạch dòng sông.
Mục đích của đập dâng là để khi nước từ sông Hồng được dẫn vào sông Tô Lịch, các đập sẽ giữ được nước và duy trì độ sâu mực nước trên sông Tô Lịch theo phương án đã được duyệt.
Theo ghi nhận của phóng viên sáng 7/5, công nhân đang khẩn trương thi công trên công trường để đảm bảo đúng tiến độ.
Sông Tô Lịch dài khoảng 14,6 km, chảy qua 6 quận và huyện Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì. Sông Tô Lịch là một trong những trục thoát nước chính của thành phố, giúp điều hòa nước và giảm nguy cơ ngập lụt.
Các công trình này sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì mực nước, tránh tình trạng khô cạn như những năm trước.
Theo kế hoạch, ngoài con đập đầu tiên tại cầu Quang, Hà Nội cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm các đập dâng tại cầu Cót (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) và cầu Dậu (khu vực Linh Đàm, quận Hoàng Mai).
Vị trí đập dâng giữ nước đầu tiên sông Tô Lịch trên bản đồ Google maps.