Đối diện nhiều khó khăn
Theo báo cáo nhanh của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 121 thôn, 22 xã, khiến hơn 7.000 con lợn buộc phải tiêu hủy, tổng trọng lượng gần 423 tấn.
Trong khi dịch bệnh bùng phát, nguồn nhân lực mỏng, kinh phí eo hẹp, sự thiếu ý thức của một bộ phận người chăn nuôi khiến cuộc chiến phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại Quảng Trị gặp khó khăn.
Thời gian gần đây, hiện tượng xác lợn chết do dịch bệnh bị vứt bừa bãi ra ruộng đồng, kênh mương, thậm chí cả sông suối đang gia tăng tại nhiều địa phương phía Bắc tỉnh Quảng Trị.
Người dân phát hiện xác lợn chết trôi nổi trên sông Nhật Lệ (Đồng Hới), và bao tải chứa xác lợn trôi trên sông Đào, đoạn giáp ranh giữa xã Đông Trạch và xã Bố Trạch (Quảng Trị). Theo người dân địa phương, ngày đầu số lượng ít, các ngày tiếp theo số xác lợn trôi về tăng thêm, gây ô nhiễm môi trường.
Xác lợn chết vứt ra kênh mương khiến công tác phòng chống dịch thêm khó khăn, gây ô nhiễm môi trường.
Chính quyền địa phương thừa nhận tình trạng vứt xác lợn ra môi trường có xảy ra, phần lớn là do người dân thiếu hiểu biết hoặc ngại báo chính quyền.
Ông Võ Hải Quân, Chủ tịch UBND xã Đông Trạch, cho biết, chính quyền xã Đông Trạch đã chủ động phân công lực lượng ứng trực, tăng cường tuần tra dọc tuyến sông để giám sát, xử lý kịp thời.
"Địa phương đã chủ động huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức thu gom, trục vớt, tiêu hủy xác lợn theo đúng quy trình xử lý môi trường và dịch bệnh", Chủ tịch UBND xã Đông Trạch cho biết.
Cán bộ thú y lấy mẫu để đưa đi xét nghiệm.
Quảng Trạch là xã thiệt hại lớn nhất do dịch tả lợn Châu Phi gây ra. Địa phương hiện gặp nhiều khó khăn về nhân lực, kinh phí và vật tư phòng chống dịch. Quảng Trạch tiếp giáp nhiều xã khác nên nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi rất cao.
Các vùng đất đồi cứng, người dân không thể tự đào hố, phải thuê máy móc chuyên dụng đào rãnh dài để tập kết tiêu hủy. Các thôn trên địa bàn xã đã hợp đồng đơn vị máy đào, chọn điểm xa khu dân cư. Có lúc lợn chết quá nhiều, không kịp chôn tay, phải đào rãnh dự phòng…
Trong lúc kinh phí chưa được phân bổ, chủ yếu xin hỗ trợ hóa chất từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Trị, Quảng Trạch đã phải huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, thanh niên, phụ nữ, nông dân, dân quân, thậm chí đề xuất lực lượng công an, quân sự tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch.
Khẩn trương dập dịch
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, cho biết, việc vứt xác động vật chết ra môi trường là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ gây ô nhiễm mà còn làm lây lan mầm bệnh.
"Chúng tôi đã yêu cầu các xã tiến hành thu gom, tiêu hủy toàn bộ xác lợn theo đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời khuyến cáo người dân khi phát hiện lợn chết cần báo ngay cho chính quyền hoặc cán bộ thú y để được hỗ trợ", ông Trần Công Tám nhấn mạnh.
Người dân đào hố, rắc vôi xử lý lợn chết do dịch bệnh.
Ngành thú y tỉnh này khẳng định, nếu lợn chết do dịch bệnh, sau khi được lấy mẫu xét nghiệm xác nhận, người chăn nuôi sẽ được Nhà nước hỗ trợ theo chính sách hiện hành. Do đó, việc chủ động khai báo và phối hợp xử lý là biện pháp vừa bảo vệ cộng đồng, vừa đảm bảo quyền lợi người dân.
Cùng với đó, tỉnh đã cung ứng được trên 6.000 lít hóa chất tiêu độc khử trùng cho các địa phương, đặc biệt ưu tiên các khu vực đang có dịch. Sở Nông nghiệp và Môi trường đã cử cán bộ có trình độ chuyên môn trong toàn ngành hỗ trợ các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thiết lập đường dây nóng để kịp thời hỗ trợ các các vướng mắc, khó khăn trong phòng chống dịch; thường xuyên đi kiểm tra tình hình thực tế tại các địa phương có dịch, chưa có dịch liền kề với các địa phương có dịch để chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch, biện pháp bao vây dập dịch kịp thời.
Bên cạnh đó, tăng cường cán bộ, kịp thời kiểm tra xác minh ngay sau khi có tin báo và tổ chức lấy mẫu và gửi xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh, cấp hóa chất và hướng dẫn thực hiện tiêu độc khử trùng, xây dựng nội dung tuyên truyền về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Song song đó, tăng cường kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn tại các lò mổ và các điểm buôn bán thịt lợn; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, buôn bán lợn trên địa bàn, thực hiện cập nhật diễn biến dịch bệnh hàng ngày.
Ngô Thị Huyền