Ở Sở Chỉ huy BĐBP tỉnh hiện có phòng thờ anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Được biết, đây là đơn vị đầu tiên, duy nhất trong các tỉnh, thành biên phòng phía Nam có hoạt động này. Vào dịp lễ, Tết, ngày truyền thống đơn vị, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ tề tựu về thắp nén nhang tưởng nhớ 130 liệt sĩ hy sinh trong giai đoạn khốc liệt ấy. Mỗi lần dâng hương lại là một lần thế hệ sau tự nhắc nhở mình phải ra sức cống hiến, làm tốt hơn nữa trọng trách trong thời bình.
Lịch sử không thể nào quên, đêm 30/4/1977, Pol Pot huy động toàn bộ quân chủ lực, quân địa phương đóng dọc biên giới đối diện tấn công biên giới An Giang, mở đầu cuộc chiến tranh quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Một số đồn, trạm và điểm chốt của CAND vũ trang An Giang (Tịnh Biên, Vạt Lài, Mương Hội Đồng, Vĩnh Hội Đông, Bắc Đai…) bị địch tập trung binh lực, hỏa lực mạnh, đánh phá mang tính hủy diệt. Ý đồ của chúng là dùng hỏa lực mạnh kiềm chế, sử dụng bộ binh thọc sâu vào biên giới nước ta; âm mưu “nhổ” hết đồn, trạm, chiếm đất làm bàn đạp đánh sâu vào nội địa.
Cựu chiến binh Đinh Văn Dữ (người có mặt từ khi thành lập Đồn CAND vũ trang Vĩnh Xương) nhớ lại: “Đêm 30/4, rạng sáng 1/5/1977, Pol Pot huy động 1 tiểu đoàn đánh vào Trạm CAND vũ trang Đồng Đức (đóng tại xã Phú Hữu, huyện An Phú ngày nay), chốt Chùa Thầy Bảy (Đồn CAND vũ trang Vĩnh Xương). Chúng chia làm 3 mũi (mỗi mũi khoảng 10 - 25 tên), dùng súng B40, B41, M72, M79, lựu đạn… đánh vào trạm, chốt CAND vũ trang”.
Phân đội 2 cơ động, Đồn Công an nhân dân vũ trang Long Bình đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1979
Nhưng mọi ý đồ đều bị thất bại bởi sự phản công quyết liệt, sự chiến đấu ngoan cường, quật khởi của quân và dân An Giang nói chung, lực lượng CAND vũ trang nói riêng. Tại Trạm CAND vũ trang Đồng Đức, quân số ít, vũ khí hạn chế, nhưng chuẩn bị từ trước, cán bộ, chiến sĩ vẫn bình tĩnh đánh trả. Sau đòn phủ đầu, địch tiếp tục bò lên. Ta để chúng vào gần, bất ngờ tung lựu đạn, đồng loạt nổ súng. Thấy vậy, chúng rút về. Sau 30 phút chiến đấu, ta diệt, bắn bị thương nhiều tên. Trận này, hạ sĩ Đặng Ngọc Bửu (22 tuổi) hy sinh, 1 chiến sĩ bị thương. Thành tích xuất sắc giúp Trạm CAND vũ trang Đồng Đức được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Trải qua gần 2 năm bám trụ, chiến đấu, CAND vũ trang An Giang đánh 637 trận lớn, nhỏ; tiêu diệt, bắt sống hơn 1.000 tên địch; bắt, gọi hàng đối với hàng trăm tên tàn quân, phản động, thám báo…; thu trên 400 khẩu súng, hàng chục tấn đạn các loại. Trên tấm bia khắc tên 130 liệt sĩ tại Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, bảng vàng ghi danh 19 liệt sĩ Đồn CAND vũ trang Vĩnh Xương, tên của liệt sĩ Hoàng Kim Long (sinh năm 1959, quê quán tỉnh Thái Bình) luôn đứng đầu tiên. Anh là người duy nhất của CAND vũ trang An Giang được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Câu chuyện về tấm gương liệt sĩ binh nhất Hoàng Kim Long được khắc sâu trong lòng cán bộ, chiến sĩ hậu bối. Là xạ thủ hỏa lực ĐKZ82, anh mày mò nghiên cứu cách bắn ĐKZ không cần chân, ứng dụng linh hoạt ở mọi địa hình, điều kiện. Chưa đầy 1 năm (tháng 7/1977 đến tháng 4/1978), anh chiến đấu 35 trận, một mình diệt 9 hỏa điểm địch, góp phần cùng đơn vị diệt 50 tên Pol Pot. Chỉ riêng ngày 7/4, anh liên tục cơ động, bắn 17 phát, diệt 4 cụm hỏa lực địch. Quả đạn thứ 17 vừa bắn ra, anh bị trúng pháo địch, hy sinh ngay trận địa, khi hơn 1 tháng nữa mới bước vào tuổi 19…
Suốt chiều dài lịch sử chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc và xây dựng đơn vị, BĐBP An Giang có 3 tập thể, 1 cá nhân vinh dự được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đơn vị 3 lần được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa; được tặng thưởng 2 Huân chương Quân công; 825 Huân chương Chiến công các loại; 8 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 207 Huân chương Quân kỳ quyết thắng, cùng nhiều khen thưởng của các cấp, ngành, địa phương.
Máu đào, sự hy sinh lớn lao của anh hùng liệt sĩ toàn đơn vị đã “xây lũy đắp thành”, giữ biên cương không còn bóng giặc thù. Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, các hoạt động của BĐBP An Giang bước vào giai đoạn mới, với những bước chuyển biến toàn diện và sâu sắc trên tất cả mặt công tác. Đơn vị đã tham mưu Bộ Tư lệnh BĐBP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều chủ trương biện pháp trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc; tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở biên giới, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương; thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng; xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt.
“Để giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH cho thế hệ trẻ; giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh hôm nay luôn vững vàng ý chí, kiên định mục tiêu lý tưởng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn; ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện, huấn luyện đạt kết quả cao nhất; luôn sẵn sàng chiến đấu, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao" - thượng tá Nguyễn Văn Hiệp (Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh) khẳng định.
GIA KHÁNH