Đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về đường lối phát triển kinh tế của Đảng - Khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân chung tay đưa kinh tế Việt Nam vượt 'cơn gió ngược'

Đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về đường lối phát triển kinh tế của Đảng - Khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân chung tay đưa kinh tế Việt Nam vượt 'cơn gió ngược'
4 giờ trướcBài gốc
Kỳ 1:
Nhận diện những âm mưu thủ đoạn của thế lực thù địch nhằm phá hoại nền kinh tế Việt Nam
Chiêu trò đưa các thông tin, báo cáo sai lệch bịa đặt, vu cáo, phiến diện về kinh tế Việt Nam
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam. Thế nhưng các thế lực thù địch và cơ hội chính trị lại ra sức xuyên tạc đường lối đúng đắn này.
Theo các báo cáo và các con số, mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 là rất khả quan so với tình hình kinh tế thế giới và là điểm sáng trong khu vực, nhưng các thế lực thù địch dùng nhiều thủ đoạn, xoáy sâu, đánh tráo khái niệm, so sách khập khiễng vào điểm thấp của tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Việt Nam với những thông tin như: “một năm khó khăn Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng”; “tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 dừng ở mức 5,05% thấp hơn mục tiêu đề ra là 6,5% và thấp hơn mức tăng trưởng bình quân mỗi năm 5,87% trong thập niên trước”; “Việt Nam đang bước vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng”; “Việt Nam lợi dụng các ưu đãi thương mại để tìm cơ hội lách luật, gian lận tạo ra những báo cáo kinh tế vĩ mô đẹp nhanh chóng, sự tăng trưởng giả tạo”; “Việt Nam vẫn muốn duy trì một bức tranh bề ngoài có vẻ đẹp để thuyết phục các nhà đầu tư”… Tất cả các thông tin trên đều bịa đặt, vu cáo, sai lệch, phiến diện được các trang tin phản động tung ra thời gian gần đây bất chấp đúng sai. Mục tiêu của chúng là gieo rắc tin xấu độc càng nhiều càng tốt để gây hoang mang tâm lý bất ổn đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các thế lực thù địch và các thành phần phản động chống phá vẫn luôn lợi dụng những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, kinh tế thế giới để tung ra những luận điệu xuyên tạc, cố tình đi ngược lại sự cố gắng của các doanh nghiệp nước nhà, làm xấu đi bức tranh nền kinh tế - xã hội Việt Nam, từ đó nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ. Ngoài ra, các thế lực thù địch còn lợi dụng các vấn đề thời sự nóng hổi, tung ra những quan điểm chính trị lệch lạc, lồng ghép những nhận định sai trái, lộ rõ mục đích chống phá, như: “bản chất chế độ không thay đổi thì đất nước không có tương lai”; “muốn tăng trưởng kinh tế bền vững cần cải cách thể chế mạnh mẽ theo hướng dân chủ”… Mục tiêu của chúng là gieo rắc những thông tin xấu độc càng nhiều càng tốt để gây hoang mang và tâm lý bất ổn đối với các nhà đầu tư cùng với nhân dân trong và ngoài nước.
Cụ thể như chúng thường dùng các thủ đoạn, thông tin đã được đăng tải trên mạng như hai nhà đầu tư nước ngoài điều chỉnh kế hoạch sản xuất và đầu tư ở Việt Nam - những trang tin xấu độc đã tung tin suy luận vô căn cứ rằng “các nhà đầu tư nước ngoài đang tháo chạy khỏi Việt Nam do năng lực chính phủ điều hành không thực tế”… hay tung ra những nhận định gây hoang mang dư luận, khiến các nhà đầu tư thận trọng và quan ngại về nền kinh tế Việt Nam.
Trước việc Việt Nam đang có các biện pháp lành mạnh hóa thị trường tài chính tiền tệ, các thế lực thù địch đã không bỏ lỡ cơ hội lợi dụng những vụ án tham nhũng đang được các cơ quan điều tra, xét xử hay những vấn đề nóng đang dư luận chú ý (tình hình thiếu điện, cắt điện mùa cao điểm; giá xăng dầu, điện nước tăng cao…) để tung tin xuyên tạc. Những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2024, cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra một số vụ án hình sự liên quan đến sai phạm của những cá nhân từng là các doanh nhân nổi tiếng trong giới tài chính, kinh tế như ông Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng… Đại đa số nhân dân và doanh nghiệp đều bày tỏ quan điểm đồng tình, ủng hộ, góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư, lành mạnh các thị trường tài chính, tiền tệ; thể hiện rõ pháp luật là nghiêm minh, bình đẳng, không có bất kỳ ngoại lệ nào. Nhưng, vẫn lối đi ngược dòng dư luận với mục tiêu chống phá, một số cá nhân mượn danh dân chủ và một số đối tượng thù địch đã tung ra những luận điệu xuyên tạc bản chất của sự việc, tranh thủ nói xấu chế độ, chính quyền, hướng lái vụ việc gây tâm lý hoài nghi, làm giảm niềm tin của các doanh nghiệp vào sự công minh của pháp luật.
Các thế lực thù địch thường xuyên dùng chiêu bài rêu rao trên các trang mạng xã hội cho rằng: “khởi tố, điều tra các bị can trên là nhắm vào giới doanh nhân, giới siêu giàu”, “chiến dịch đánh tư sản bắt đầu”; “những quân bài chính trị đang bị đưa ra mổ xẻ”… từ đó điều hướng, suy diễn sự việc nhiều tỷ phú , doanh nhân bị đồn đoán bị bắt trong thời gian tới…; đổ lỗi do chính quyền buông lỏng quản lý hoặc những tập đoàn đó cấu kết với một nhóm lợi ích quan chức trong chính quyền để tiến hành hành vi thu hút vốn, tham nhũng. Thậm chí chúng còn bịa đặt, cho rằng những cá nhân bị khởi tố là có ý đồ chính trị để bẻ lái xuyên tạc các vụ án hình sự sang nghi vấn đấu đá quyền lực nội bộ…
Tất cả đều là những thông tin không có căn cứ đó nhằm lèo lái dư luận theo hướng lệch lạc mà không quan tâm đến sự thật là những doanh nghiệp, tập đoàn trên đã có những sai phạm nghiêm trọng gây nhiều hệ lụy với thị trường tài chính tiền tệ trong nước, làm mất niềm tin của người dân và các nhà đầu tư. Sự quyết liệt này của Đảng và Nhà nước ta cho thấy vai trò quan trọng cùng với quyết tâm trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, sàng lọc bộ máy, sàng lọc đội ngũ doanh nhân - những người đứng đầu doanh nghiệp.
Thực tế đã thấy rõ, Chính phủ Việt Nam điều tra về tội trạng của các cá nhân, tổ chức đã gian dối trong việc phát hành mua bán trái phiếu trái quy định, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là điều hoàn toàn đúng đắn, đúng luật pháp nhằm làm minh bạch cộng đồng doanh nghiệp và phát triển bền vững thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán Việt Nam; góp phần bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đó cũng là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta và là câu trả lời đanh thép trước các thế lực thù địch rằng không thể bôi đen bức tranh kinh tế xã hội của Việt Nam. Những quan điểm luận điệu sai trái của các thế lực thù địch cần phải có sự đấu tranh phản bác một cách kịch liệt, toàn diện, trực diện.
Vạch trần các thủ đoạn, âm mưu thế lực thù địch lợi dụng để phá hoại nền kinh tế Việt Nam
Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước có vị trí, vai trò đặc biệt trong đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Doanh nghiệp Nhà nước làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, nền tảng, then chốt trong nền kinh tế; là công cụ vật chất quan trọng để định hướng và điều tiết vĩ mô; đồng thời là lực lượng chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp Nhà nước đang trở thành mục tiêu để các thế lực thù địch hướng đến chống phá, đưa ra những luận điệu sai lệch.
Hiện nay, chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp Nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đầu tư của Nhà nước; mặt khác, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn thua lỗ; kết quả giải ngân vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn chưa đạt kế hoạch… Gạt đi hết những đóng góp của doanh nghiệp Nhà nước đối với nền kinh tế và an sinh xã hội, mà lợi dụng những điều còn hạn chế nêu trên, các thế lực thù địch đã khoét sâu những yếu kém của doanh nghiệp Nhà nước: Nợ nần, thất thoát lớn tài sản và vốn nhà nước; đưa ra những luận điệu xuyên tạc phiến diện, lệch lạc cho rằng sự yếu kém của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là do các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn kém hiệu quả. Và hiện nay dù các doanh nghiệp đó đã tái cơ cấu, ổn định sản xuất và kinh doanh có lãi trở lại, nhưng chúng vẫn khơi lại chuyện cũ, cắt ghép thành những thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận.
Có thể kể đến Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), giai đoạn 2015-2021, một số dự án, doanh nghiệp quy mô lớn thuộc Tập đoàn hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, kém hiệu quả, các chỉ tiêu hoạt động toàn Tập đoàn liên tục giảm sút, thị phần thu hẹp, áp nợ trả nợ tăng cao, tư tưởng người lao động có nhiều lúc dao động. Tuy nhiên, từ kết quả kinh doanh thua lỗ, đến nay Tập đoàn đã kinh doanh có lãi, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đạt các mốc lịch sử, cao nhất từ trước tới nay trong năm 2023 và 2024, thể hiện rất rõ vai trò trụ cột dẫn dắt ngành công nghiệp hóa chất của đất nước. Doanh thu của Tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 31.308 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch năm, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 815 tỷ đồng.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam từ kinh doanh thua lỗ, sau khi tái cơ cấu đã đạt doanh thu và lợi nhuận cao.
Chúng còn tích cực rêu rao, tuyên truyền mô hình doanh nghiệp Nhà nước không còn phù hợp, đề nghị giải thể doanh nghiệp Nhà nước. Trong quá trình hợp tác kinh tế quốc tế với Việt Nam, các thế lực thù địch thông qua các doanh nghiệp nước ngoài tìm cách đầu tư chủ yếu vào khu vực kinh tế tư nhân, chiếm lĩnh những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn như bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư tài chính… để chi phối, kiểm soát, hỗ trợ cho hưởng các ưu đãi về vốn vay, công nghệ, làm cho sự phát triển của các công ty này dần phụ thuộc vào quỹ đạo của họ. Các thế lực thù địch đã tích cực tìm cách tuyên truyền kích động người lao động, khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa người lao động với chủ doanh nghiệp Nhà nước; xuyên tạc chủ trương, đường lối trong triển khai các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xuyên tạc bản chất của Nhà nước ta; tập hợp lực lượng, âm mưu từ tụ tập đông người hòa bình chuyển hóa sang bạo loạn hòng lật đổ chính quyền nhân dân và tích cực chống phá.
Những luận điểm phi lý trên của các thế lực thù địch đưa ra đã không phản ánh đúng bản chất và thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như việc điều hành quản lý của Chính phủ trong mục tiêu ổn định nền kinh tế. Và những luận điệu ấy đã bị phủ nhận bởi chính những số liệu kết quả kinh doanh và sự ghi nhận tích cực của các tổ chức tài chính quốc tế về những thành công của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn khó khăn.
Theo số liệu được Yahoo Finance và Business News, Việt Nam và một loạt nước châu Á nằm trong số 20 nước có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong vòng 10 năm trở lại đây. Năm 2023 cũng đánh dấu một năm đặc biệt của Việt Nam khi là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đến thăm và làm việc. Đến tháng 9-2024, nhiều tổ chức kinh tế và chuyên gia quốc tế đã có những nhận định lạc quan về Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS), công ty tư vấn Bain&Company (Mỹ) và tổ chức tư vấn Angsana Council (Singapore) dự báo, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,6% trong giai đoạn 2024-2034, vượt xa mức trung bình của khu vực.
Hiện Việt Nam đang có tổng gần 900.000 doanh nghiệp, trong đó có 124 doanh nghiệp với 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Việt Nam còn có một số doanh nhân lọt vào top "tỷ phú đô la" toàn cầu nhiều năm liền. Trong đó, một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới, như: Viettel, Vinamilk, VinFast, Thaco, Gạo ST25… Theo báo cáo, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong năm 2023 đã đóng góp khoảng 70% GDP đồng thời tạo việc làm cho gần 14,8 triệu lao động và đóng góp vào ngân sách Nhà nước ngày càng tăng. Tính đến tháng 9-2024 ghi nhận có 6.479 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên phạm vi cả nước.
Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường chín tháng các năm giai đoạn 2016 - 2024.
Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước có vị trí, vai trò đặc biệt trong đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Doanh nghiệp Nhà nước làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, nền tảng, then chốt trong nền kinh tế; là công cụ vật chất quan trọng để định hướng và điều tiết vĩ mô; đồng thời là lực lượng chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Nhà nước nói riêng cần phải cố gắng mọi mặt: vừa không ngừng đổi mới, đủ năng lực cạnh tranh bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác trên thương trường, vừa giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; là lực lượng nòng cốt, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội. Và chắc chắn, cộng đồng doanh nghiệp trong nước chỉ hoàn thành được nhiệm vụ chính trị nặng nề ấy, khi tổ chức đảng ở đó phát huy tốt vai trò lãnh đạo của mình, thật sự là hạt nhân chính trị, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đúng và chấp hành mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp sức dựng xây nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đồng thời có sức “đề kháng”, sức “miễn dịch” hiệu quả trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch.
(Còn nữa)
Văn phòng Đảng ủy Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam
Nguồn Xây Dựng Đảng : http://www.xaydungdang.org.vn/ly-luan-thuc-tien/dap-tan-luan-dieu-xuyen-tac-cua-cac-the-luc-thu-dich-ve-duong-loi-phat-trien-kinh-te-cua-dang-khang-dinh-vai-21959