Đặt bàn cân đề xuất đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc–Nam của VinSpeed và THACO

Đặt bàn cân đề xuất đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc–Nam của VinSpeed và THACO
một ngày trướcBài gốc
Việc VinGroup, sau đó là THACO đề xuất phương án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là một dấu mốc đáng mừng. Điều này không chỉ cho thấy sự trỗi dậy của khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, mà còn minh chứng sinh động cho tinh thần và hiệu quả thực tiễn mà Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị cùng các chủ trương lớn về phát triển kinh tế tư nhân đã khơi dậy.
Phương án đề xuất đầu tư của Công ty cổ phần Vận tải tốc độ cao VinSpeed, tiếp đó là Tập đoàn Trường Hải (THACO) được các phương tiện truyền thông chính thống chia sẻ đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các chuyên gia. Tòa soạn đã nhận được bài viết của giảng viên lĩnh vực kinh tế từ trường đại học uy tín mong muốn chia sẻ một số vấn đề xung quanh 2 đề xuất này để góp thêm góc nhìn khách quan.
Sau khi Công ty cổ phần Vận tải tốc độ cao VinSpeed đưa ra đề xuất đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Tập đoàn Trường Hải (THACO) cũng đã trình bày phương án của mình. Cả hai phương án đều thể hiện quyết tâm tham gia vào một công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ lưỡng về cách thức tổ chức tài chính, tiến độ, năng lực triển khai và kinh nghiệm thực tiễn, có thể nhận thấy sự khác biệt đáng kể giữa hai đề xuất, từ đó đặt ra nhiều điểm cần cân nhắc kỹ trong quá trình đánh giá lựa chọn nhà đầu tư.
Về phương án thu xếp vốn
Cả hai doanh nghiệp đều cam kết tự thu xếp 20% tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, phương thức huy động của mỗi bên lại có tính chất khác nhau.
VinSpeed, với lợi thế thuộc hệ sinh thái VinGroup – nơi hội tụ nhiều doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán với tổng vốn hóa trên 40 tỷ USD – có nền tảng huy động vốn tương đối vững chắc. Các công ty trong hệ sinh thái này từng triển khai nhiều hoạt động huy động vốn thành công ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, THACO, chưa có nhiều doanh nghiệp niêm yết trong hệ sinh thái, với vốn chủ sở hữu ở mức khoảng 2 tỷ USD. Việc phát hành cổ phần để thu hút tới 12 tỷ USD trong bối cảnh hiện nay sẽ là một thử thách lớn, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và lộ trình triển khai chặt chẽ. Ngoài ra, phương án mời gọi doanh nghiệp bên ngoài góp vốn qua hình thức công ty dự án đòi hỏi cơ chế quản trị minh bạch và năng lực phối hợp cao, nếu không sẽ khó đảm bảo sự đồng bộ trong tiến độ và chất lượng tổng thể.
Ảnh minh họa: nguồn Báo Chính phủ
Về nguồn vốn còn lại
VinSpeed đề xuất vay 80% còn lại từ nguồn vốn Nhà nước, với điều kiện không tính lãi trong thời gian 35 năm. Đây là hình thức hỗ trợ tài chính đã được áp dụng trong một số dự án lớn và giúp làm giảm áp lực tài chính dài hạn.
Ngược lại, THACO đề xuất vay từ ngân hàng trong và ngoài nước, với quy mô khoản vay rất lớn, đồng thời kiến nghị Nhà nước bảo lãnh và thanh toán toàn bộ lãi vay trong 30 năm. Phương án này về bản chất vẫn đặt ra những yêu cầu cao về năng lực tài chính quốc gia, trong khi lãi suất vay qua kênh doanh nghiệp thường không thấp như vay trực tiếp bằng tín dụng công. Nếu không có cơ chế điều phối phù hợp, việc triển khai khoản vay quy mô lớn có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của các lĩnh vực kinh tế khác, vốn cũng đang cần nguồn lực để phát triển.
Về tiến độ và kinh nghiệm triển khai
VinSpeed đưa ra kế hoạch hoàn thành toàn tuyến trong vòng 5 năm, dựa trên kinh nghiệm triển khai nhiều dự án lớn trong hệ sinh thái VinGroup như: nhà máy VinFast hoàn thành trong 21 tháng, các khu đô thị được bàn giao chỉ sau một năm khởi công, hay Trung tâm triển lãm Quốc gia xây dựng trong vòng 10 tháng. Những tiền lệ này cho thấy năng lực tổ chức thi công và huy động nguồn lực của VinGroup là yếu tố tham chiếu đáng chú ý.
THACO cam kết tiến độ trong 7 năm, chia làm hai giai đoạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa từng đảm nhận các dự án hạ tầng công nghệ cao ở quy mô tương đương. Các dự án bất động sản, khu công nghiệp hay nông nghiệp công nghệ cao mà doanh nghiệp này từng tham gia đều mang đặc thù khác, khiến việc so sánh trực tiếp trở nên khó khăn. Cùng với đó, có dự án THACO thực hiện về hạ tầng công nghiệp bị chấm tiến độ. Điều này cũng gây những băn khoăn nhất định.
Về mô hình TOD và khai thác quỹ đất
Cả hai bên đều đề cập đến mô hình TOD (Transit-Oriented Development – phát triển đô thị gắn với hạ tầng giao thông) như một yếu tố chiến lược.
VinSpeed, nhờ kinh nghiệm từ các đại dự án Vinhomes, có thể tận dụng thế mạnh về quy hoạch đô thị tích hợp, trong đó giao thông được tổ chức đồng bộ với thương mại, hạ tầng và tiện ích công cộng. Việc này giúp tăng giá trị quỹ đất và hỗ trợ nguồn lực tài chính bổ sung cho hệ thống đường sắt.
THACO, dù nêu rõ định hướng TOD, hiện chưa có dự án đô thị tích hợp quy mô lớn nào được triển khai để làm cơ sở kiểm chứng. Điều này có thể gây khó khăn khi cần xây dựng mô hình tài chính dựa trên giá trị bất động sản gắn với giao thông.
Đánh giá tổng thể
Xét từ các khía cạnh về năng lực tài chính, cơ cấu huy động vốn, tiến độ thi công, kinh nghiệm triển khai và mô hình khai thác tài sản đi kèm, có thể thấy rằng đề xuất của VinSpeed thể hiện được một số yếu tố thuận lợi trong triển khai, nhất là nhờ nền tảng từ hệ sinh thái VinGroup.
Đề xuất của THACO, dù cho thấy thiện chí và tầm nhìn dài hạn, vẫn cần được đánh giá bổ sung trên cơ sở tài liệu chi tiết hơn, đặc biệt là về năng lực tài chính thực tế, kinh nghiệm triển khai dự án quy mô lớn và khả năng phối hợp các bên liên quan trong mô hình đầu tư công – tư.
Với một dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và ảnh hưởng đến định hướng phát triển quốc gia trong nhiều thập kỷ tới, quá trình lựa chọn nhà đầu tư cần dựa trên những tiêu chí chặt chẽ, khách quan và dựa trên các tiền lệ thành công có thể kiểm chứng. Việc đảm bảo hiệu quả đầu tư không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà còn là một trách nhiệm kinh tế – xã hội có tính chiến lược lâu dài.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nhật Minh
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/dat-ban-can-de-xuat-dau-tu-du-an-duong-sat-cao-toc-bacnam-cua-vinspeed-va-thaco-post251640.gd