Đất đấu giá không còn 'sốt ảo'

Đất đấu giá không còn 'sốt ảo'
3 giờ trướcBài gốc
Cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 54 thửa đất tại thôn Sơn Trung (xã Yên Sơn, huyện Quốc Oai) diễn ra vào ngày 13/10 đã thu hút 296 khách hàng, với hơn 1.000 hồ sơ tham gia. Mức giá khởi điểm chung của các thửa đất là 12,48 triệu đồng/m², khá thấp so với thị trường.
Tuy nhiên, để đảm bảo không xảy ra tình trạng thông đồng, dìm giá gây thất thoát cho ngân sách, hay đẩy giá tạo “sốt ảo”, UBND huyện Quốc Oai và đơn vị tổ chức đấu giá đã thống nhất thực hiện cuộc đấu theo phương pháp bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng và tối thiểu qua 5 vòng đấu bắt buộc.
Cuộc đấu giá đã trải qua gần 20 tiếng với 12 vòng đấu và kết thúc vào 1h30 sáng hôm sau. Thửa đất có giá trúng cao nhất là 54.480.000 đồng/m², cao hơn không nhiều so với giá thị trường đất trong dân tại khu vực vày (khoảng 35-45 triệu đồng/m²); thửa thấp nhất là 44.480.000 đồng/m². Điều này cho thấy, đất đấu giá ven đô đã hạ nhiệt và tiệm cận giá trị thực sau những động thái quyết liệt của cơ quan chức năng.
Ông Đỗ Mạnh Tuyến (xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai) chia sẻ: “Vừa qua Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo thanh tra trực tiếp việc đấu giá đất đã đem lại hiệu quả lớn. Tại huyện Quốc Oai khi đấu giá đất, tôi thấy tình trạng cò mồi hạn chế hẳn”.
Khách hàng bỏ phiếu đấu giá 54 thửa đất tại huyện Quốc Oai. Ảnh: Hà Nội mới.
Trước đó vào ngày 11/10, trong phiên đấu giá 27 lô tại huyện Phúc Thọ, lô đất có giá trúng cao nhất là 25,8 triệu đồng/m², chỉ tăng 30% so với giá khởi điểm, chứ không tăng gấp nhiều lần như các phiên trước đây. Hiệu quả từ những động thái quyết liệt trong chấn chỉnh công tác đấu giá đất của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội đã giúp cho các phiên đấu giá đất dần đi vào ổn định. Việc các địa phương lựa chọn tổ chức cuộc đấu giá phải qua một số lượng vòng đấu bắt buộc nhất định cũng nhận được nhiều ý kiến đồng tình của người tham gia đấu giá.
Có một thực tế hiện nay, theo quy định của Luật Đất đai 2024 và hướng dẫn của các ngành chức năng, việc xác định giá khởi điểm đất đấu giá đang thấp hơn khá nhiều so với thị trường. Nguyên nhân là do bảng giá đất mới chưa được ban hành, bảng giá đất cũ từ 2019 không còn phù hợp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đẩy giá rồi bỏ cọc tại một số địa phương. Bên cạnh việc tăng cường giám sát của các ngành chức năng, nhiều người bày tỏ ý kiến cần điều chỉnh giá khởi điểm hoặc tiền đặt cọc.
Một số ý kiến cũng cho rằng, cũng giống như câu chuyện chung cư tăng giá đột biến, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giá đất bị đẩy lên cao thời gian qua là do nguồn cung còn hạn chế. Tăng nguồn cung chính là giải pháp hiệu quả hạ nhiệt thị trường.
Anh Bùi Ngọc Thường (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) cho rằng: “Nguồn cung ít mà nhu cầu cao dẫn tới giá bị đẩy cao hơn so với thị trường. Nhưng hiện tại tôi đang nhìn thấy giá thị trường bất động sản thực sự quá cao. Tôi mong các quận, huyện sẽ quy hoạch nhiều khu đấu giá hơn nhằm tăng nguồn cung cho thị trường”.
Đấu giá đất là nguồn thu quan trọng cho ngân sách các địa phương để tái đầu tư hạ tầng phục phụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống dân sinh. Do đó, để ngăn chặn đầu cơ, thổi giá ảnh hưởng công tác đấu giá đất trong năm 2024, mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng đã đề nghị Công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm về đấu giá đất, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá.
Ngoài ra, lực lượng công an cần đề xuất giải pháp ngăn chặn, hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao bất thường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định. Đây là được coi là biện pháp cần thiết để ổn định thị trường đất đấu giá nói riêng và đất nền nói chung.
Sơn Hải
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/dat-dau-gia-khong-con-sot-ao-273029.htm