Đặt giếng trời ở đâu để nhà đón sinh khí, tránh hao tài lộc gia chủ?

Đặt giếng trời ở đâu để nhà đón sinh khí, tránh hao tài lộc gia chủ?
một ngày trướcBài gốc
Giếng trời không chỉ giúp lấy sáng, thông gió mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn khí, giữ lộc cho ngôi nhà. Vậy giữa nhà, cạnh cầu thang hay phía sau là vị trí phù hợp theo phong thủy để bố trí giếng trời hiệu quả nhất?
Không chỉ là giải pháp kiến trúc giúp tăng cường ánh sáng và lưu thông không khí, giếng trời còn được xem là điểm nhấn mang lại sinh khí cho toàn bộ ngôi nhà. Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng cao, những ngôi nhà ống, nhà liền kề thiếu mặt thoáng đang ưu tiên thiết kế giếng trời như một "lá phổi" bên trong không gian sống. Xu hướng hiện nay không chỉ chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ và kỹ thuật mà còn ngày càng đề cao yếu tố phong thủy khi bố trí giếng trời nhằm tối ưu dòng khí lưu chuyển, góp phần giữ gìn tài lộc và sự hài hòa cho gia chủ.
Ảnh minh họa/Nguồn; Internet
Nên đặt giếng trời ở đâu?
Vị trí đặt giếng trời luôn là vấn đề khiến nhiều gia chủ đắn đo. Một trong những vị trí được nhiều người ưa chuộng là đặt giếng trời ở giữa nhà hay còn gọi là khu vực trung cung. Theo phong thủy, đây là “trái tim” của ngôi nhà, thuộc hành Thổ, có tính ổn định, điều hòa. Khi bố trí giếng trời tại vị trí này, ánh sáng và không khí sẽ phân bổ đều ra các không gian xung quanh, giúp nhà sáng, thoáng và cân bằng âm dương.
Ngoài ra, trung cung được xem là vùng hội tụ khí, nếu thông thoáng sẽ giúp sinh khí luân chuyển liên tục, thúc đẩy vượng khí, hỗ trợ tài lộc và sức khỏe cho cả gia đình. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về kết cấu và vật liệu, vì nếu không xử lý tốt chống ồn và thoát nước, khu vực này dễ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Tuy vậy, không phải ngôi nhà nào cũng cần mở giếng trời ở trung tâm. Với những căn nhà diện tích nhỏ, chiều sâu không quá dài, ít phòng nằm ở giữa và vẫn đảm bảo đủ ánh sáng thì việc bố trí giếng trời ở giữa không thực sự cần thiết. Trong trường hợp này, các gia đình có thể đặt giếng trời cạnh cầu thang – vị trí vốn ít ánh sáng và thường bị bí khí. Việc kết hợp cầu thang với giếng trời không chỉ giải quyết được vấn đề chiếu sáng tự nhiên mà còn giúp lưu thông khí theo trục đứng giữa các tầng. Từ góc nhìn phong thủy, điều này rất quan trọng, vì nếu cầu thang là “mạch vận chuyển” năng lượng thì giếng trời sẽ đóng vai trò như “ống dẫn khí” hỗ trợ sinh khí lưu chuyển đều khắp nhà. Vị trí này cũng được đánh giá là khá an toàn, dễ xử lý kỹ thuật, lại không ảnh hưởng đến các không gian riêng tư trong nhà.
Mặt khác, các gia chủ có thể lựa chọn bố trí giếng trời ở phía sau nhà. Dù không mang tính trung tâm nhưng giếng trời phía sau vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo luồng đối lưu khí từ trước ra sau, đẩy lùi khí tù đọng và giúp nhà luôn thông thoáng. Về mặt phong thủy, nếu giếng trời đặt tại các cung tốt như Tài lộc hay Thiên mạng, có thể hỗ trợ thu hút khí lành, cải thiện vận khí cho gia chủ. Ngoài ra, khu vực này còn có thể kết hợp với sân vườn, cây xanh, thác nước… để tạo thành không gian thư giãn lý tưởng. Tuy nhiên, cần chú ý chống thấm, thoát nước tốt để tránh tình trạng đọng ẩm, sinh tà khí.
Đáng lưu ý, việc mở quá nhiều giếng trời đôi khi còn phản tác dụng. Khi lượng ánh sáng dương quá mạnh chiếm ưu thế, nhất là ở những ngôi nhà quay về hướng Tây nơi thường hứng nắng gắt sẽ khiến không gian trở nên oi bức, chói chang, mất đi sự cân bằng cần thiết giữa âm và dương. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe và sinh hoạt thường ngày của gia chủ.
Dưới góc nhìn của tam hợp phái phong thủy, vị trí đặt giếng trời còn phụ thuộc vào hướng chính của ngôi nhà, nhằm tối ưu luồng khí cát lành và hạn chế các tác động bất lợi. Cụ thể:
Nhà hướng Bắc: nên mở giếng trời tại hướng Đông, Đông Nam, Nam
Nhà hướng Nam: đặt tại hướng Tây Bắc, Tây, Bắc
Nhà hướng Đông: phù hợp với hướng Tây Nam, Đông Bắc, Tây, Tây Bắc
Nhà hướng Tây: nên mở về Bắc, Đông Nam, Đông
Nhà hướng Tây Bắc: ưu tiên hướng Đông, Đông Nam, Bắc
Nhà hướng Đông Bắc: nên chọn Tây Nam, Nam
Nhà hướng Tây Nam: phù hợp với hướng Nam
Nhà hướng Đông Nam: có thể mở tại Tây Bắc, Tây, Tây Nam, Đông Bắc
Mặc dù giếng trời không bị ràng buộc bởi hướng riêng của chính nó, nhưng theo phong thủy truyền thống, không nên mở giếng trời về phía Bắc của ngôi nhà, vì đây là phương dễ tích tụ “thực khí” - loại khí lạnh, âm nặng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần của người ở.
Ảnh minh họa/Nguồn; Internet
Một số lưu ý về kích thước, hình thế giếng trời
Về mặt hình thể và kích thước, giếng trời cần đảm bảo đủ rộng để thu nhận sinh khí từ thiên nhiên, tránh thiết kế quá hẹp khiến khí bị tắc, tụ lại thành sát khí. Ngoài ra, cần đặc biệt tránh để giếng trời nằm trên trục đi qua nhà vệ sinh, bởi điều này dễ dẫn luồng uế khí lan tỏa khắp không gian sống.
Giếng trời cũng nên có hình dáng tương sinh với hình khối tổng thể của ngôi nhà. Ví dụ: nếu nhà mang hình Mộc, giếng trời có thể dài hoặc uốn cong nhẹ nhàng như hình Thủy; nếu nhà có hình Thổ, nên chọn giếng trời vuông vắn, còn nhà hình Kim sẽ phù hợp với giếng trời hình tròn hoặc elip. Việc tương sinh về hình khối sẽ giúp tăng tính hài hòa và vượng khí tổng thể.
Cuối cùng, khi thiết kế giếng trời, gia chủ cần cân nhắc kỹ đến thực tế vị trí, hướng nắng và điều kiện khí hậu của từng vùng để chọn loại mái che phù hợp: có thể là mái cố định, mái kính cường lực hoặc mái kéo linh hoạt. Mục tiêu là điều tiết ánh sáng, tránh mưa tạt hay nắng gắt và tạo điều kiện tốt nhất để không gian trong nhà luôn được thông thoáng, dễ chịu mà vẫn đảm bảo yếu tố phong thủy.
Phương Anh
Nguồn Tiêu Dùng : https://tieudung.giadinhonline.vn/dat-gieng-troi-o-dau-de-nha-don-sinh-khi-tranh-hao-tai-loc-gia-chu-d11108.html