Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (phải) hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, ngày 28/2/2025. Ảnh: AP/TTXVN
Theo Politico châu Âu (politico.eu), Ukraine sở hữu tiềm năng lớn về trữ lượng khoáng sản quan trọng, một nguồn tài nguyên có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế hiện đại. Chính tiềm năng này đã được Kiev sử dụng như một quân bài chiến lược để thu hút sự ủng hộ liên tục từ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Tuy nhiên, nỗ lực này dường như đã phản tác dụng, đẩy Ukraine vào một tình thế bất lợi hơn.
Các quan chức Ukraine cho biết, quốc gia này là một trong những nơi hàng đầu thế giới về trữ lượng đất hiếm và các khoáng sản quan trọng khác như titan và uranium, những nguyên tố thiết yếu cho các ngành công nghiệp năng lượng, công nghệ và quốc phòng. Lời chào mời này ban đầu đã thu hút sự quan tâm của ông Trump, người vốn nổi tiếng với việc tập trung vào các lợi ích kinh tế trong các mối quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, "ván cờ" khoáng sản này đã trở thành một thách thức chính trị đối với Ukraine. Không những vậy, có những nghi ngờ về việc liệu Ukraine có thực sự sở hữu trữ lượng khoáng sản khổng lồ như họ đã hứa hay không. Thêm vào đó, việc khai thác bất kỳ khoáng sản nào từ lòng đất sẽ đòi hỏi hàng tỷ USD đầu tư và có thể mất hàng thập kỷ, một khoảng thời gian dài hơn nhiều so với những gì ông Trump dường như hình dung.
Ban đầu, vấn đề khoáng sản là một phần trong thỏa thuận hòa bình do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thúc đẩy vào năm ngoái. Gói này còn bao gồm lời mời gia nhập NATO và cam kết của phương Tây về việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Nhưng sau những nỗ lực ban đầu, chỉ còn lại yếu tố khoáng sản, và nó đang trở thành một vấn đề quan trọng đối với Kiev.
Sự việc trở nên nghiêm trọng khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent bất ngờ xuất hiện tại Ukraine vào tháng 2 vừa qua với một dự thảo thỏa thuận gây sốc: chuyển giao một nửa trữ lượng khoáng sản đất hiếm của Ukraine cho các công ty Hoa Kỳ. Tổng thống Zelensky đã phản ứng một cách giận dữ trước đề xuất này.
Sau sự phản kháng mạnh mẽ từ phía Ukraine, hai bên đã tiến hành đàm phán để đạt được một thỏa thuận công bằng hơn, mà theo kế hoạch, ông Zelensky sẽ ký tại Nhà Trắng vào ngày 28/2. Tuy nhiên, cuộc gặp đã diễn ra không suôn sẻ, dẫn đến việc Tổng thống Zelensky phải rời khỏi Phòng Bầu dục mà không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết.
Sau đó, Hoa Kỳ lại đưa ra một đề xuất khác, trong đó quay trở lại hầu hết các yếu tố bất lợi nhất của bản dự thảo đầu tiên. Thỏa thuận này không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh, viện trợ hay đầu tư bổ sung nào cho Ukraine. Thay vào đó, nó trao cho Washington quyền tiếp cận ưu tiên đối với tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, cũng như quyền kiểm soát tài chính đối với quỹ tái thiết quốc gia và tất cả các dự án của nước này cho đến khi Kiev hoàn trả hàng tỷ USD cho Washington cho khoản viện trợ quân sự ban đầu dưới hình thức tài trợ.
Volodymyr Landa, nhà phân tích cấp cao của Trung tâm Chiến lược Kinh tế có trụ sở tại Kiev, nhận định: "Dự thảo hiện tại làm suy yếu đáng kể sự cân bằng chiến lược, hạn chế quyền tự chủ về thuế và quy định của Ukraine".
Chuyên gia này cũng cho rằng thỏa thuận trên có thể gây nguy hiểm cho cơ hội gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine vì nó vi phạm luật cạnh tranh và môi trường của EU. Hơn nữa, việc phải trả hàng tỷ USD cho Hoa Kỳ có thể khiến các nhà đầu tư tiềm năng khác lo ngại, những người có thể quan tâm đến việc giúp Ukraine tái thiết. Chuyên gia Landa nói thêm: "Các đối tác khác khó có thể chấp nhận việc viện trợ của họ bị rút khỏi Ukraine để chuyển cho một bên thứ ba".
Mặc dù vậy, chính phủ Ukraine dường như không muốn khơi dậy thêm sự giận dữ từ ông Trump, vì vậy các quan chức ở Kiev đang thận trọng và tránh chỉ trích phiên bản đề xuất mới. Thay vào đó, Ukraine đang cố gắng điều chỉnh thỏa thuận một cách tinh tế mà không làm phật ý Tổng thống Hoa Kỳ.
Một câu hỏi quan trọng đặt ra trong các cuộc đàm phán là Ukraine thực sự có bao nhiêu tài nguyên khoáng sản. Theo Liên hợp quốc, quốc gia này có khoảng 5% trữ lượng đất hiếm của thế giới. Alla Vasylenko, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine, cho biết những nguyên tố này bao gồm lithium, berili, niobi, tantali, titan, niken, coban, than chì và phốt phát, là những nguyên tố thiết yếu cho các lĩnh vực năng lượng, công nghệ và quốc phòng.
Nhà nghiên cứu Vasylenko lưu ý rằng hầu hết các trữ lượng này được phát hiện vào những năm 1960-1980, thời điểm mà các vấn đề về sử dụng đất, hình thức sở hữu, các hạn chế về môi trường và dư luận chưa được quan tâm đúng mức. Chuyên gia trên cũng chỉ ra rằng các trữ lượng đã được phê duyệt theo hệ thống của Liên Xô, mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể không hiểu rõ, và cần có các nghiên cứu bổ sung để đánh giá đầy đủ tiềm năng kinh tế của chúng.
Việc khai thác những nguồn tài nguyên này cũng không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Xung đột phải kết thúc trước khi Ukraine có thể thu được lợi nhuận từ ngành khai khoáng còn kém phát triển của mình. Nước này cũng cần phải sửa chữa mạng lưới điện bị hư hại. Andriy Brodskyi, Tổng giám đốc điều hành của Velta Group, nhà sản xuất quặng titan tư nhân lớn nhất Ukraine, lưu ý: "Ukraine cần đầu tư, không chỉ trong khai thác mỏ mà còn trong ngành chế biến. Các khoản đầu tư chủ yếu có thể đến từ Hoa Kỳ - hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD đầu tư trực tiếp, cho vay, vốn chủ sở hữu, nợ, nhiều hình thức khác nhau".
Về phần mình, Denys Alyoshyn, Giám đốc chiến lược của UkrLithiumMining (ULM), ước tính rằng việc khai thác quặng lithium sẽ mất từ 10 đến 15 năm. ULM đã mua giấy phép khai thác quặng lithium tại mỏ Polokhivske vào năm 2017, nhưng đến nay, khu vực này vẫn chỉ là một cánh đồng trống với một vài thiết bị thăm dò. Ông Alyoshyn cho biết: để mỏ lithium và nhà máy chế biến của họ đi vào hoạt động, họ sẽ cần 350 triệu USD đầu tư và đang tìm kiếm các đối tác chiến lược toàn cầu để tài trợ.
Mục tiêu ban đầu của chính phủ Ukraine là để Hoa Kỳ trở thành đối tác đó, đồng thời đảm bảo an ninh để nước này có thể phục hồi hậu xung đột và ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng khác. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận đang được đàm phán hiện nay có mang lại sự "đánh đổi" công bằng đó hay không.
Vũ Thanh/Báo Tin tức