Xe tải chở quặng hoạt động tại một mỏ sắt của Ukraine hồi năm 2019. (Nguồn: CNN)
Ngày 3/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chú ý với tuyên bố muốn đàm phán một thỏa thuận với Ukraine, trong đó nước này phải cung cấp đất hiếm để đổi lấy thêm viện trợ từ Mỹ.
Cụ thể, Trump nói rằng ông muốn Ukraine chi trả cho hoạt động hỗ trợ tài chính và quân sự của Mỹ, thông qua việc cho phép Washington tiếp cận nguồn khoáng sản đất hiếm khổng lồ nhưng chưa được khai thác của quốc gia này. "Chúng tôi đang tìm cách đạt được một thỏa thuận với Ukraine, trong đó họ sẽ đảm bảo được những gì đang nhận được từ Mỹ bằng cách cung cấp đất hiếm và những thứ khác,” Trump nói.
Trước đây, Trump đã có những lần bóng gió rằng bất kỳ khoản hỗ trợ nào trong tương lai cho Ukraine nên được cung cấp dưới dạng khoản vay, và sẽ có thêm điều kiện là Ukraine phải đàm phán với Nga. Dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ quân sự trị giá 65,9 tỷ USD, tính từ thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này hồi tháng 2/2022.
Biden lập luận rằng khoản viện trợ trên là cần thiết, vì chiến thắng của Ukraine đóng vai trò quan trọng đối với an ninh của chính nước Mỹ. Tuy nhiên, Trump đã nói rõ rằng ông không tin vào quan điểm Mỹ cần tiếp tục cung cấp viện trợ cho Ukraine mà không nhận lại được điều gì.
Mặc dù Trump không đưa ra bất kỳ chi tiết nào về những gì ông muốn từ Kiev, một thỏa thuận sơ bộ để hình thành sự hợp tác sâu sắc hơn giữa Mỹ và Ukraine về khai thác khoáng sản đã được thực hiện trong nhiều tháng, trước khi ông nhậm chức hồi tháng 1.
Hãng tin CNN tiết lộ rằng một bản ghi nhớ, được soạn thảo dưới thời chính quyền Biden vào năm 2024, nêu rằng Mỹ sẽ thúc đẩy để các công ty trong nước nắm lấy cơ hội đầu tư vào các dự án khai khoáng của Ukraine. Đổi lại, chính quyền Kiev sẽ tạo ra các ưu đãi kinh tế cho công ty Mỹ, đồng thời triển khai các hoạt động kinh tế và môi trường tích cực. Ukraine đã có một thỏa thuận tương tự với Liên minh châu Âu, được ký kết từ năm 2021.
Adam Mycyk, một đối tác tại văn phòng Kiev của Công ty Luật toàn cầu Dentons, đánh giá rằng dù mục tiêu của thỏa thuận - đảm bảo nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng từ Ukraine - không thay đổi, nhưng cách tiếp cận của Trump có vẻ mang hình dáng của một giao dịch nhiều hơn chính quyền cũ.
Kiev vẫn chưa phản hồi bình luận của Trump. Nhưng trước đây, chính quyền Ukraine từng lập luận rằng các mỏ khoáng sản là một trong những lý do phương Tây nên hỗ trợ Ukraine - để ngăn chặn những nguồn tài nguyên quan trọng về mặt chiến lược này rơi vào tay Nga. Phía Nga thì cho rằng tuyên bố của ông Trump là bằng chứng về việc Mỹ không còn muốn cung cấp viện trợ "miễn phí" cho chính quyền Kiev nữa.
Theo tờ Telegraph của Anh, Ukraine hiện đang sở hữu các mỏ khoáng sản quan trọng và thuộc hàng lớn nhất châu Âu, bao gồm lithium và titan. Phần lớn các khoáng sản này vẫn chưa được khai thác. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cố gắng tìm cách khai thác các nguồn tài nguyên trong nước, ước tính có giá trị tới gần 15.000 tỷ USD, dựa trên số liệu do Forbes Ukraine cung cấp. Năm 2021, ông từng đề nghị giảm thuế và trao quyền đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tới khai thác khoáng sản. Tuy nhiên nỗ lực này lụi tắt sau khi cuộc xung đột với Nga nổ ra.
Mỹ muốn có khoáng sản của Ukraine để đổi lấy việc tiếp tục viện trợ quân sự. (Ảnh: CNN)
Nhận thấy ông Trump, một người nổi tiếng vì thích thực hiện các màn trao đổi và giao dịch, có thể quan tâm tới khoáng sản Ukraine, ông Zelensky đã đưa hoạt động khai thác vào trong bản "kế hoạch chiến thắng" của mình, được lập ra vào năm 2024. Nay tuyên bố mới của Trump cho thấy có vẻ như nhà lãnh đạo Ukraine đã nhận định đúng.
Đất hiếm là khoáng sản quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh, pin xe điện... Mỹ chỉ có một mỏ đất hiếm với công suất rất nhỏ, mặc dù một số công ty đang nỗ lực phát triển các dự án tại quốc gia này.
Mỹ đang phụ thuộc khá nhiều vào hoạt động nhập khẩu để có các khoáng sản cần thiết, với nhiều loại khoáng do Trung Quốc cung cấp. Trong số 50 khoáng sản được phân loại là quan trọng, có 12 loại Mỹ phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. 16 loại khoáng sản khác, Mỹ phụ thuộc 50% vào nhập khẩu.
Trong khi đó, Ukraine có trữ lượng 22 trong số 50 loại khoáng sản quan trọng này. Các ước tính dựa trên tài liệu của chính phủ cho thấy rằng ngoài đất hiếm, các nguồn tài nguyên của Ukraine rất đa dạng. Tạp chí Foreign Policy chỉ ra rằng Ukraine nắm giữ 117/ 120 mỏ khoáng sản công nghiệp được sử dụng nhiều nhất, trong số hơn 8.700 mỏ khoáng sản được khảo sát.
Trong trữ lượng khoáng sản của Ukraine có nửa triệu tấn lithium chưa được khai thác. Riêng điều này đã khiến Ukraine trở thành nơi nắm nguồn tài nguyên lithium lớn nhất ở châu Âu.
Không có gì ngạc nhiên khi ông Trump dường như muốn thu lợi từ nguồn khoáng sản lớn của Ukraine, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đóng vai người chơi chính trong hoạt động khai thác các khoáng sản như titan.
Nhưng cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ làm chậm kế hoạch khai thác khoáng sản của Ukraine, mà còn khiến nhiều khu vực giàu tài nguyên bị phá hủy và bị chiếm đóng. Telegraph nói rằng một lượng khoáng sản trị giá hơn 7.000 tỷ USD của Ukraine, tức chiếm 53% tổng trữ lượng của đất nước, đang nằm tại 4 khu vực mà Nga sáp nhập vào nước này hồi tháng 9/2022, cũng như điều quân tới chiếm đóng. Các khu vực đó bao gồm Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson, mặc dù Kherson không có nhiều giá trị về mặt khoáng sản.
Bán đảo Crimea, bị phía Nga sáp nhập vào năm 2014, cũng nắm giữ lượng khoáng sản trị giá khoảng 205 tỷ USD. Dnipropetrovsk, nơi giáp với Donetsk và Zaporizhzhia, và nằm trên hướng tiến công của quân Nga, nắm giữ lượng khoáng sản trị giá hơn 3.400 tỷ USD.
Telegraph đánh giá việc Nga đang gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động quân sự lớn có vẻ như sẽ ngăn cản nước này chiếm lấy Dnipropetrovsk. Nhưng ngược lại ở phía Ukraine, việc tổ chức khai thác khoáng sản trong khu vực cũng sẽ rất rủi ro khi quân đội Nga đang ở ngay gần đó.
Được biết nhiều mỏ quặng khác cũng đang nằm trong tầm với của quân đội Nga. Chúng bao gồm một quặng lithium ở tại ngoại ô của một khu định cư có tên Shevchenko (Donetsk). Mỏ này nằm cách thị trấn Velyka Novosilka chỉ 16km và thị trấn thì mới bị lính Nga chiếm giữ./.
(Vietnam+)