Đất hiếm và địa chính trị
Các nguyên tố đất hiếm rất quan trọng đối với các nền kinh tế tiên tiến vì là thành phần cơ bản của hầu hết các công nghệ hiện đại, từ xe điện đến hệ thống quốc phòng. Nếu không có nguồn cung ổn định, các ngành công nghiệp của phương Tây có nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn tới làm chậm quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng các chính sách kiểm soát xuất khẩu đất hiếm ngày càng chặt chẽ của Bắc Kinh, đã buộc các tập đoàn công nghệ, quốc phòng và năng lượng sạch toàn cầu tìm kiếm những nguồn cung thay thế. Chính vì những lý do này mà gần đây, Mỹ đã ký một thỏa thuận với Ukraine để đảm bảo quyền tiếp cận ưu đãi đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản của nước này, bao gồm các mỏ đất hiếm, để đổi lấy việc thành lập một quỹ tái thiết Ukraine, cũng như hoàn trả khoản tiền ước tính 150 tỷ USD mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu. Tuy nhiên, một phần đáng kể trữ lượng đất hiếm của Ukraine nằm ở khu vực Donetsk, nơi vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga, làm nổi bật sự mong manh của việc phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên ở các điểm nóng xung đột.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nói về việc mua lại Greenland thuộc Đan Mạch, một phần vì tiềm năng giàu khoáng sản của nơi này, trong khi chính quyền của ông cũng đang đàm phán một số thỏa thuận với các quốc gia giàu khoáng sản khác, chẳng hạn như CHDC Congo.
Cạnh tranh về tài nguyên từ lâu đã là nền tảng cho quan hệ quốc tế, nhưng có vẻ như điều này đang trở thành tâm điểm chú ý một lần nữa, giống như cuộc tranh giành châu Phi vào thế kỷ 19 hay cuộc tranh giành dầu mỏ Trung Đông của phương Tây vào thế kỷ trước. Trong đó, việc kiểm soát dòng chảy dầu và khí đốt từ lâu đã định hình địa chính trị, nhưng đất hiếm đã trở nên quan trọng hơn vì căng thẳng địa chính trị leo thang đang thúc đẩy tăng cường năng lực phòng thủ và gia tăng cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI), trong khi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu vẫn đang diễn ra nhanh chóng.
Nhà máy chế biến đất hiếm Lynas tại Malaysia, cơ sở sản xuất đất hiếm đầu tiên bên ngoài Trung Quốc. Ảnh: Mining Weekly
Cơ hội cho Đông Nam Á
Ước tính, Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng khai thác quặng đất hiếm toàn cầu và 90% sản lượng chế biến quặng đất hiếm. Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS), Đông Nam Á cũng sở hữu trữ lượng đất hiếm đáng kể, đặc biệt là ở Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và Malaysia. Với vị trí gần Trung Quốc - trung tâm công nghiệp chế biến đất hiếm hàng đầu, các quốc gia Đông Nam Á dễ dàng tiếp cận hạ tầng vận tải, cảng biển và thị trường tiêu thụ. Điều này khiến khu vực trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu.
Với chi phí lao động cạnh tranh, tiềm năng khai thác còn bỏ ngỏ và môi trường đầu tư cải thiện, Đông Nam Á đang được xem là “mảnh ghép” quan trọng trong bản đồ địa chính trị đất hiếm mới. Các công ty của Australia, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc dần đầu tư vào chuỗi giá trị đất hiếm tại khu vực. Hồi trung tuần tháng 5, tập đoàn Lynas Rare Earths (Australia) đã xây dựng nhà máy chế biến tại Malaysia, hiện là cơ sở duy nhất bên ngoài Trung Quốc có thể xử lý đất hiếm ở quy mô công nghiệp. Nhà máy xử lý cả các nguyên tố như dysprosi và terbi, hiện chỉ có Trung Quốc làm chủ.
Tuy nhiên, triển vọng trở thành trung tâm cung ứng đất hiếm toàn cầu không dễ đạt được nếu các quốc gia trong khu vực không giải quyết được bài toán môi trường và công nghệ.
Theo Báo The Nation, Thái Lan đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng môi trường nghiêm trọng nhất do hoạt động khai thác đất hiếm ở bang Shan của Myanmar làm ô nhiễm các con sông Kok và Sai. Nồng độ arsen (thạch tín) vượt xa các tiêu chuẩn an toàn, đe dọa hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng và sinh kế ở miền Bắc Thái Lan. Tình trạng ô nhiễm đã ảnh hưởng đến nghề cá, làm gián đoạn du lịch trên sông và làm dấy lên nỗi lo ngại trong số những người nông dân trồng lúa về khả năng ô nhiễm arsen trong các sản phẩm nông nghiệp.
Với tiềm năng địa chất dồi dào, vị trí địa chiến lược thuận lợi và sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu, Đông Nam Á đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong ngành công nghiệp đất hiếm. Để hiện thực hóa điều đó, các quốc gia trong khu vực cần phối hợp chặt chẽ, đầu tư đúng hướng và đặt phát triển bền vững làm nền tảng. Nếu đi đúng hướng, Đông Nam Á không chỉ thoát khỏi vai trò cung ứng nguyên liệu thô, mà còn có thể bước vào sân chơi chế biến và công nghệ cao, nơi giá trị gia tăng thực sự được tạo ra.
KHÁNH MINH tổng hợp