Gần sáu năm sau (2025), sự thống trị của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu đã nổi lên như một trong những công cụ mạnh mẽ nhất của họ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Đất hiếm được sử dụng để cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ iPhone đến xe điện, là thành phần quan trọng cho các loại công nghệ tiên tiến sẽ định hình tương lai.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố có nhiều hơn vàng và có thể được tìm thấy ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ. Nhưng chúng khó khai thác và chế biến vì tốn kém và gây ô nhiễm môi trường.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ và các quốc gia khác đã phụ thuộc vào nguồn cung cấp kim loại đã qua chế biến này của Bắc Kinh. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Trung Quốc chiếm 61% sản lượng đất hiếm khai thác toàn cầu, nhưng quyền kiểm soát của nước này đối với giai đoạn chế biến chiếm đến 92% sản lượng toàn cầu.
Vào ngày 4/4, sau nhiều năm đưa ra những cảnh báo ngầm, chính phủ Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với bảy loại khoáng sản đất hiếm trong hành động trả đũa đối với mức thuế "có đi có lại" ban đầu là 34% của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc. Các quy định mới yêu cầu tất cả các công ty phải xin phép chính phủ để xuất khẩu bảy loại khoáng sản này cũng như các sản phẩm liên quan, chẳng hạn như nam châm.
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình trong chuyến thăm công ty đất hiếm JL MAG Rare-Earth ở Cấm Châu, Giang Tây, Trung Quốc vào năm 2019 - Ảnh: Getty
Nam châm làm từ đất hiếm cho phép sản xuất các động cơ và máy phát điện nhỏ hơn, hiệu quả hơn được sử dụng trong điện thoại thông minh, động cơ ô tô và máy bay phản lực, cũng như máy chụp cộng hưởng từ MRI dùng trong y khoa. Chúng cũng là thành phần thiết yếu trong một loạt vũ khí đắt tiền, từ máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đến tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.
CNN dẫn lời Justin Wolfers - Giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Michigan (Mỹ) nhận định: "Trung Quốc đang chứng tỏ rằng họ có thể phát huy sức mạnh kinh tế đáng kinh ngạc bằng cách hành động chiến lược… và quyết liệt, thực sự đánh vào đúng chỗ yếu của ngành công nghiệp Mỹ".
Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh điều tra về các mức thuế quan tiềm tàng đối với các khoáng sản quan trọng, một loại tài nguyên rộng hơn bao gồm các nguyên tố đất hiếm, để đánh giá tác động của những mặt hàng nhập khẩu này đối với an ninh và khả năng phục hồi của Mỹ.
"Sự phụ thuộc của Mỹ vào hàng nhập khẩu và tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng của chúng ta làm tăng nguy cơ rủi ro đối với an ninh quốc gia, khả năng sẵn sàng phòng thủ, sự ổn định giá cả, thịnh vượng kinh tế và khả năng phục hồi" - ông Trump cho biết trong một sắc lệnh hành pháp.
Ở nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Hoa Kỳ đã cố gắng bắt kịp và xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước của riêng mình. Ba công ty trong ngành công nghiệp đất hiếm của nước này đã nói với CNN rằng họ đang trong quá trình mở rộng năng lực sản xuất và tìm nguồn cung ứng vật liệu từ các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Nhưng những nỗ lực đó sẽ mất nhiều năm để đáp ứng nhu cầu khổng lồ từ các ngành công nghiệp quan trọng của Hoa Kỳ.
Hiện tại, tác động của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm của Bắc Kinh đang được cảm nhận nhanh chóng trên thực tế.
John Ormerod - người sáng lập công ty tư vấn về nam châm đất hiếm JOC, nói với CNN rằng các lô hàng nam châm đất hiếm thuộc sở hữu của ít nhất năm công ty Mỹ và châu Âu đã bị đình chỉ ở Trung Quốc kể từ khi lệnh này được áp dụng.
Joshua Ballard -Tổng giám đốc điều hành của USA Rare Earth,cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tập trung vào đất hiếm “nặng”, do Trung Quốc kiểm soát 98%. (Đất hiếm nặng ít phổ biến hơn, khó chế biến hơn và có giá trị hơn.) Điều này có nghĩa là các công ty hiện phải xin phép Bắc Kinh để cung cấp những vật liệu quan trọng này cho các ngành công nghiệp quan trọng của Hoa Kỳ.
“Ngay bây giờ, theo nghĩa đen, những hoạt động xuất khẩu này đang bị đình chỉ”, Ballard cho biết. “Chúng tôi không giữ nhiều hàng tồn kho ở Hoa Kỳ… Đây là nước đi tốt nhất của Trung Quốc. Họ không có nhiều đòn bẩy khi nói đến thuế quan đối với chúng tôi, nhưng họ chắc chắn có đòn bẩy ở đây” – Ballard chỉ ra.
Thomas Kruemmer - Giám đốc công ty chuỗi cung ứng khoáng sản và kim loại có trụ sở tại Singapore là Ginger International Trade and Investment cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu không chỉ nhắm vào các vật liệu đơn lẻ mà còn cả hợp kim và các sản phẩm có chứa các nguyên tố ngay cả ở số lượng tối thiểu. Ông cho biết: "Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu hiện nay nằm trong hệ thống cấp phép này", đồng thời lưu ý rằng dự kiến sẽ có một số sự chậm trễ khi các nhà xuất khẩu điều hướng hệ thống mới.
Trung Quốc đã bắt đầu khai thác đất hiếm từ rất sớm, bắt đầu từ những năm 1950, nhưng ngành công nghiệp này chỉ thực sự bắt đầu phát triển vào cuối những năm 1970.
Công nhân trên một dây chuyền sản xuất linh kiện ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất linh kiện điện tử - Ảnh: Getty
Trong thời gian đó, Trung Quốc đã kết hợp chi phí lao động thấp và các tiêu chuẩn môi trường tương đối lỏng lẻo với việc áp dụng các công nghệ nước ngoài, theo Stan Trout - người sáng lập công ty tư vấn về đất hiếm và vật liệu từ tính Spontaneous Materials.
"Phần lớn công nghệ mà họ mang đến đã được phát triển tại Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản hoặc Châu Âu. Và theo thời gian, tôi chắc chắn rằng họ đã cải tiến công nghệ đó" – Trout nhận định.
Khi sản lượng đất hiếm của đất nước tăng lên, Bắc Kinh dần hiểu được tầm quan trọng chiến lược của các khoáng sản này. "Người ta nhận ra rằng đây có thể là một công nghệ rất quan trọng mà họ cần nắm vững" - Trout nói thêm.
Năm 1992, trong chuyến thăm một trong những trung tâm sản xuất đất hiếm chính của đất nước tại Nội Mông, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, người đi đầu trong các cải cách kinh tế của đất nước đã nói một câu nổi tiếng: "Trong khi có dầu ở Trung Đông, Trung Quốc có đất hiếm". Ngày nay, Trung Quốc đã hiện thực hóa tầm nhìn của ông Đặng bằng cách thống trị toàn bộ chuỗi cung ứng vật liệu này.
Trong khi chi phí lao động hiện cao hơn, quyền kiểm soát ngành công nghiệp của Trung Quốc đã được củng cố nhờ "ý chí đầu tư vào công nghệ, nghiên cứu và phát triển và tự động hóa" trong một ngành công nghiệp thâm dụng vốn, Ormerod cho biết.
Đã từng có những công ty Mỹ sản xuất những nam châm đất hiếm này. Nhưng Ormerod lưu ý rằng họ dần dần rời khỏi ngành kinh doanh này khi các giải pháp thay thế có chi phí thấp hơn của Trung Quốc xuất hiện.
Ormerod cho biết thêm, hiện nay rất khó để cạnh tranh với “giá của Trung Quốc” vì quy mô kinh tế lớn hơn của quốc gia này cũng như các ưu đãi của chính phủ giúp họ có thêm lợi thế.
Theo báo cáo của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, từ năm 2020 đến năm 2023, Hoa Kỳ đã phụ thuộc vào Trung Quốc để nhập khẩu 70% tất cả các hợp chất đất hiếm và kim loại.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh tận dụng sự thống trị của mình trong ngành. Năm 2010, Trung Quốc đã dừng các chuyến hàng đất hiếm đến Nhật Bản trong gần hai tháng do tranh chấp lãnh thổ. Vào cuối năm 2023, Bắc Kinh đã áp đặt lệnh cấm đối với các công nghệ khai thác và phân tách đất hiếm.
Bắc Kinh cũng đã hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng khác có ý nghĩa sống còn đối với nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các chuyên gia và người trong ngành cho biết các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc đã khiến phần còn lại của thế giới có rất ít lựa chọn thay thế. Nhưng Hoa Kỳ đang nỗ lực lấp đầy khoảng trống này.
Kể từ năm 2020, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã cấp hơn 439 triệu đô la để thiết lập các chuỗi cung ứng nguyên tố đất hiếm trong nước. Và họ đã đặt mục tiêu phát triển một chuỗi cung ứng bền vững từ mỏ đến nam châm có khả năng hỗ trợ tất cả các yêu cầu quốc phòng của đất nước vào năm 2027.
Một số công ty Mỹ coi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc là cơ hội để đẩy nhanh sản xuất trong nước và thúc đẩy chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn bên ngoài Trung Quốc.
Nicholas Myers - Tổng giám đốc điều hành của Phoenix Tailings, một công ty khởi nghiệp chế biến đất hiếm có trụ sở tại bang Massachusetts cho biết công ty của ông đã phát triển công nghệ tinh chế khoáng sản đất hiếm với "không chất thải, không phát thải" thành kim loại và hợp kim kim loại, lấy nguồn vật liệu từ quặng trong nước cũng như Canada và Úc.
Công ty của ông hiện sản xuất 40 tấn kim loại và hợp kim đất hiếm mỗi năm và đặt mục tiêu mở rộng quy mô lên 400 tấn với một cơ sở mới ở bang New Hampshire.
"Tất cả đều là chế biến trong nước. Chúng tôi không phụ thuộc vào bất cứ thứ gì từ Trung Quốc" - ông cho biết.
Tàu chở đất hiếm đậu ở Thanh Đảo, Trung Quốc - Ảnh: Getty
"Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng sản xuất kim loại đất hiếm vào đúng thời điểm mà chúng tôi thực sự cần. Chúng tôi chỉ cần đảm bảo rằng tất cả khách hàng, tất cả các nhà hoạch định chính sách đều tập trung vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp này thực sự mở rộng quy mô" - Myers nói thêm.
USA Rare Earth đang xây dựng một nhà máy nam châm đất hiếm ở bang Texas, với mục tiêu sản xuất 5.000 tấn nam châm đất hiếm hàng năm. Công ty cũng sở hữu một mỏ giàu đất hiếm nặng ở tây Texas, bao gồm tất cả các khoáng sản trong danh sách kiểm soát xuất khẩu mới nhất của Trung Quốc, theo Giám đốc điều hành - Ballard. (Mỏ này cũng giàu gali, một vật liệu quan trọng bị Trung Quốc cấm xuất khẩu sang Hoa Kỳ vào tháng 12).
Nhưng công ty vẫn đang nghiên cứu công nghệ chế biến để chiết xuất khoáng sản từ đá.
"Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng ta thực hiện điều này nhanh hơn? Làm thế nào để chúng ta giải phóng những tài sản mà chúng ta có ở Hoa Kỳ, mặc dù chúng rất ít? Chúng ta cần giải phóng những gì chúng ta có và xây dựng nhanh nhất có thể" – ông nhấn mạnh.
Sau nhiều năm đàm phán, các công ty Hoa Kỳ cuối cùng có thể có được động lực cần thiết để thực hiện công việc khó khăn là tái lập ngành công nghiệp khai thác và chế biến nguyên liệu thô, đây là chìa khóa để giúp họ giành chiến thắng trong cuộc đua công nghệ với Trung Quốc.
Anh Duy (Theo CNN)