Chiều ngày 1/4, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS - mã chứng khoán: FTS) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 tại Hà Nội.
Bước sang năm 2025, Chứng khoán FPT đặt mục tiêu tài chính mang tính thận trọng. Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.000 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với năm 2024, trong khi lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 2,4 tỷ đồng, đạt 500 tỷ đồng.
Theo Tổng giám đốc Chứng khoán FPT, ông Nguyễn Điệp Tùng, việc đặt mục tiêu thận trọng trong năm 2025 xuất phát từ nhiều yếu tố bất định của thị trường. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 được nhiều tổ chức đưa ra ở mức tương đương năm 2024, khoảng 2,8%-3,3%.
Bên cạnh đó, chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, trong khi tỷ giá USD/VND vẫn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường.
Ngoài ra, hệ thống KRX dù dự kiến đi vào vận hành, nhưng thị trường chứng khoán sẽ không có thêm sản phẩm mới và số lượng cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cũng rất hạn chế.
"Cùng với áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các công ty chứng khoán, việc thực hiện được các mục tiêu tài chính mà Chứng khoán FPT đề ra trong năm 2025 sẽ khó thực hiện được", ông Tùng nhận định.
Điểm đáng chú ý trong kế hoạch của Chứng khoán FPT không chỉ nằm ở con số doanh thu và lợi nhuận, mà còn ở các động thái đáng kể liên quan đến cổ tức, tăng vốn và chương trình phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Theo nghị quyết được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Chứng khoán FPT sẽ chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 5%, tương đương 500 đồng/cổ phiếu. Cùng với đó, công ty dự kiến phát hành hơn 30 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương quy mô hơn 305 tỷ đồng. Việc phát hành này sẽ được triển khai trong quý 2-3/2025, sau khi nhận được sự chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Chứng khoán FPT cũng công bố kế hoạch phát hành ESOP với khối lượng hơn 9,9 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 99 tỷ đồng. Đây là động thái nhằm giữ chân nhân sự chủ chốt và khuyến khích đóng góp dài hạn của đội ngũ nhân viên.
Trong trường hợp hoàn tất hai đợt phát hành nói trên, Chứng khoán FPT sẽ tăng vốn điều lệ từ mức 3.059 tỷ đồng như hiện tại lên 3.465 tỷ đồng.
Một nội dung đáng chú ý khác tại Đại hội lần này là chính sách thù lao dành cho Hội đồng quản trị năm 2025. Theo đó, thành viên độc lập của Hội đồng quản trị sẽ nhận thù lao 10 triệu đồng/người/tháng, trong khi các thành viên không độc lập sẽ không nhận thù lao.
Theo báo cáo từ công ty kiểm toán, Chứng khoán FPT đã đạt doanh thu hoạt động 1.100 tỷ đồng trong năm 2024, ghi nhận mức tăng trưởng 16,5% so với năm trước. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính lại có sự sụt giảm nhẹ 3,3%, tạo nên một tín hiệu đáng lưu ý trong bức tranh tài chính của công ty. Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Chứng khoán FPT lại tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 567 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 27% so với cùng kỳ.
Đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Chứng khoán FPT đã đạt hơn 9.700 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. Trong đó, cả vốn chủ sở hữu và nợ phải trả đều ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng, lần lượt tăng 13,8% và 24%, đạt 4.100 tỷ đồng và 5.600 tỷ đồng.
Mặc dù kết quả tài chính có vẻ khởi sắc, nhưng một yếu tố đáng chú ý là sự suy giảm nghiêm trọng của tiền và các khoản tương đương tiền của Chứng khoán FPT. Con số này đã giảm tới 53% so với đầu năm 2024, chỉ còn lại hơn 500 tỷ đồng.
Thiên Ân