Đặt nền móng kế thừa

Đặt nền móng kế thừa
2 ngày trướcBài gốc
Với định hướng đó, việc đội tuyển quốc gia và đội tuyển U22 Việt Nam cùng hội quân trong dịp FIFA Days tháng 6 tới không chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên về mặt thời gian, mà là một chiến lược có tính toán từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Hai đội tuyển, hai thế hệ, nhưng cùng một mục tiêu xây dựng một tương lai bền vững cho bóng đá nước nhà.
Tín hiệu tích cực
Ngày 29.5, đội tuyển quốc gia sẽ hội quân trở lại tại Hà Nội. Trước đó, HLV Kim Sang-sik đã công bố danh sách 23 tuyển thủ quốc gia chuẩn bị cho trận gặp Malaysia trong khuôn khổ lượt trận thứ hai bảng F Vòng loại cuối Asian Cup 2027.
Cùng thời điểm, đội tuyển U22 Việt Nam cũng bước vào đợt tập trung mới với 26 cầu thủ, chuẩn bị cho ba mục tiêu lớn: Giải vô địch U23 Đông Nam Á 2025, vòng loại U23 châu Á 2026 và SEA Games 33.
Việc hai đội tuyển hội quân cùng lúc không chỉ giúp tối ưu hóa cơ sở vật chất, nhân sự ban huấn luyện mà còn tạo cơ hội để xây dựng một hệ sinh thái bóng đá gắn kết.
Quan trọng hơn, đây là dịp để tạo ra sự quan sát, kết nối và chuyển giao xuyên suốt giữa hai thế hệ - từ lứa cầu thủ đã là trụ cột của đội tuyển quốc gia, cho đến những gương mặt trẻ đang trên hành trình khẳng định bản thân.
Có thể thấy ở đội tuyển quốc gia, trong lần hội quân này, danh sách triệu tập của HLV Kim Sang-sik vẫn mang đậm dấu ấn ổn định khi giữ lại bộ khung từng giúp Việt Nam vô địch ASEAN Cup 2024.
Những cái tên như Đình Triệu, Duy Mạnh, Tiến Dũng, Thành Chung, Hoàng Đức, Quang Hải hay Tiến Linh tiếp tục được đặt niềm tin. Đây là lớp cầu thủ đã chứng minh được đẳng cấp và bản lĩnh trong các trận cầu lớn.
Bên cạnh đó, nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng không quên làm mới lực lượng. Đáng chú ý là sự xuất hiện lần đầu của hậu vệ Việt kiều Cao Pendant Quang Vinh, người mới nhập quốc tịch Việt Nam hồi tháng 3 và đang có phong độ ổn định trong màu áo Công an Hà Nội.
Ngoài ra, sự trở lại của thủ môn Nguyễn Filip sau thời gian vắng mặt vì lý do gia đình cũng giúp gia cố đáng kể chất lượng hàng thủ. Cả hai cầu thủ này đều góp công lớn trong hành trình vào tới chung kết của Công an Hà Nội tại giải các CLB Đông Nam Á 2024/2025.
Một điểm sáng khác là màn tái xuất của tiền đạo Nguyễn Công Phượng sau gần hai năm vắng bóng ở cấp độ đội tuyển. Dù đang chơi ở giải hạng Nhất, tiền đạo gốc Nghệ An vẫn dẫn đầu danh sách ghi bàn với 7 pha lập công trong màu áo Trường Tươi Bình Phước, đủ để khẳng định sự trở lại không hề “muộn màng” mà đầy khát khao và quyết tâm.
Tuy nhiên, đội tuyển cũng phải đối mặt với những tổn thất về nhân sự. Hàng loạt trụ cột như Nguyễn Xuân Son, Văn Toàn, Hồ Tấn Tài, Vũ Văn Thanh, Vĩ Hào hay Doãn Ngọc Tân đều vắng mặt vì chấn thương. Đây là những mất mát đáng tiếc nhưng đồng thời mở ra cơ hội cho những cầu thủ trẻ hoặc mới trở lại đội hình thể hiện mình.
Trong khi đó, dưới sự dẫn dắt của quyền HLV trưởng Đinh Hồng Vinh, đội tuyển U22 Việt Nam, vẫn tiếp tục duy trì sự ổn định bộ khung. Những cái tên như Hoa Xuân Tín, Cao Văn Bình, Văn Cường, Văn Trường, Xuân Tiến, Quốc Việt, Thanh Nhàn tiếp tục được triệu tập.
Đây là lớp cầu thủ trẻ đã được “thử lửa” qua nhiều giải quốc tế, có sự gắn kết về lối chơi và hiểu ý đồng đội, đây là một tiền đề quan trọng để hướng tới các mục tiêu lớn trong năm 2025-2026.
Đặc biệt, đợt tập trung lần này ghi nhận sự xuất hiện của tân binh Bùi Alex, cầu thủ Việt kiều sinh năm 2005 đang chơi bóng tại CH Séc. Bùi Alex thi đấu đa năng ở ba vị trí tiền đạo, tiền vệ tấn công và cánh, nổi bật với khả năng rê dắt, xử lý bóng tinh tế và dứt điểm hai chân như một. Anh cũng đã có 2 bàn thắng tại giải hạng Ba CH Séc trong năm nay.
Việc gọi một cầu thủ trẻ Việt kiều vào U22 là minh chứng cho định hướng mở rộng “bản đồ cầu thủ” mà VFF đang theo đuổi, giúp đa dạng hóa nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao tính hội nhập cho bóng đá Việt Nam.
Các cầu thủ U22 sẽ tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, với giáo án chuyên biệt nhằm rèn thể lực, chiến thuật và tăng cường khả năng phối hợp nhóm. Việc tổ chức tập luyện song song với đội tuyển quốc gia sẽ tạo điều kiện cho ban huấn luyện theo dõi sát sao tiến độ phát triển, đồng thời sàng lọc những gương mặt xứng đáng cho các đợt “đôn lên” sau này.
Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay…
Sự đồng bộ trong kế hoạch hội quân giữa đội tuyển quốc gia và U22 là một phần trong lộ trình phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030. Đây là lần thứ ba trong vòng một năm, hai cấp độ đội tuyển cùng tập trung trong dịp FIFA Days, thể hiện rõ sự chủ động trong việc tạo dựng nền tảng kế thừa.
Điểm đặc biệt của kế hoạch này là mối liên kết chặt chẽ giữa các HLV trưởng, từ HLV Kim Sang-sik cho tới HLV đội U22. Sự trao đổi thông tin, thống nhất về triết lý bóng đá và chiến thuật là yếu tố then chốt giúp duy trì sự xuyên suốt trong cách vận hành đội tuyển.
Điều này không chỉ giúp các cầu thủ trẻ dễ dàng hòa nhập khi được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, mà còn tạo điều kiện để lớp đàn anh định hình vai trò dẫn dắt, truyền cảm hứng cho thế hệ sau.
Ngoài ra, sự cam kết của các CLB cũng rất đáng ghi nhận. Dù lịch thi đấu bù V.League 2024/2025 diễn ra sát ngày hội quân, nhưng nhiều đội bóng vẫn tạo điều kiện tối đa để cầu thủ lên tuyển đúng kế hoạch. Đây là biểu hiện của một “hệ sinh thái bóng đá” mà trong đó tất cả các bên VFF, CLB, HLV, cầu thủ cùng hướng về mục tiêu chung.
Việc hai đội tuyển hội quân cùng thời điểm, cùng tập luyện, cùng hướng về các mục tiêu lớn trong khu vực và châu lục, không chỉ là câu chuyện ngắn hạn, đó còn là biểu hiện của một tầm nhìn chiến lược dài hạn mà bóng đá Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa.
Khi lớp trẻ được tạo điều kiện tiếp xúc, rèn luyện và kế thừa từ thế hệ đàn anh, khi các cầu thủ gạo cội vẫn giữ được vai trò đầu tàu trong thời điểm chuyển giao, thì bóng đá Việt Nam có quyền hy vọng về một hành trình bền vững không chỉ trong một kỳ Asian Cup, một kỳ SEA Games, mà trong cả một thập kỷ phát triển vượt tầm khu vực. Và tương lai ấy, đã bắt đầu từ mùa hội quân tháng 6 này.
NGỌC NGUYỄN
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/the-thao/dat-nen-mong-ke-thua-137900.html